Một người giáo viên trong thời gian làm công tác giảng dạy sẽ gặp nhiều đối tượng học sinh khác nhau như học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh học yếu, học sinh có cá tính khác biệt… Với mỗi đối tượng, giáo viên cần có biện pháp tác động phù hợp.
Tuy nhiên, để có thể phát hiện và có biện pháp tác động kịp thời “trước khi quá muộn” cần phải có nghệ thuật.
Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Ngọc Anh – giáo viên môn Ngữ Văn – Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội bày tỏ quan điểm về hướng tiếp cận, phát hiện và giúp đỡ học sinh "cá biệt" trong lớp.
Phát hiện học sinh “cá biệt” bằng nhiều cách
Không gọi học sinh bằng hai chữ “cá biệt”, theo cô Ngọc Anh lâu nay nhiều giáo viên vẫn dùng từ này để gọi học sinh, như thế là không chính xác, bản thân học sinh sẽ này sinh mặc cảm khi bị gọi như vậy. Học sinh "cá biệt theo kiểu khác" như ở các khía cạnh hoàn cảnh gia đình (bố mẹ ly hôn, kinh tế khó khăn…), học yếu…
"Không gọi học sinh bằng hai chữ cá biệt, mà đó là những học sinh đặc biệt". Ảnh cô Ngọc Anh trong chuyến tham quan cùng học sinh 11A6 năm học 2014-2015 |
Cô Ngọc Anh chia sẻ, vào đầu năm học khi nhận học sinh mới (lớp 10), cô để cho các em tự ghi vào giấy sơ yếu lí lịch về gia đình (bố/mẹ/anh (chị)), về sở thích, về thành tích năm trước, thích học môn gì?... Bước đầu này là những phát hiện về học sinh trên giấy tờ.
Thời điểm đầu năm học là thời điểm “nhạy cảm”, giáo viên cần chú ý quan sát từng học sinh. Tuy nhiên, giáo viên cũng không thể biết hết hoàn cảnh, tính cách của từng em.
Cô Ngọc Anh chia sẻ thêm: “Khi có vi phạm thì sẽ phát hiện được. Lúc đó, học sinh có “phản ứng” và người giáo viên cần đánh giá phản ứng đó. Dù thế nào luôn phải bình tĩnh”. Sau đó, giáo viên gặp riêng học sinh và hỏi lý do tại sao như thế. Bên cạnh những học sinh cởi mở tâm sự luôn thì cũng có trường hợp không hợp tác, lúc này cần quá trình theo dõi, tìm hiểu tiếp.
Sau thời gian nhập học 1,2 tháng (tháng 10 hoặc tháng 11), cô tổ chức cho lớp đi tham quan dã ngoại. Theo cô Ngọc Anh: “Đây là thời điểm thích hợp để cô trò có thể ngồi nói chuyện nhiều hơn với nhau thông qua hoạt động ngoài trời, học sinh dễ cởi mở, bộc lộ và chia sẻ nhiều hơn. Quan trọng để học sinh cũng hiểu rằng trên lớp cô có thể rất nghiêm khắc nhưng ở ngoài cô rất thoải mái, các em hoàn toàn có thể chia sẻ cùng cô”.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du đã bôi nhọ cả ngành giáo dục
Nhận định này được ông Lê Ngọc Quang – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định với phóng viên, sau những dấu hiệu tiêu cực tại ngôi trường này
Giáo viên cần đặt mình vào vị trí người bạn, nói chuyện với các con, như vậy các con sẽ cởi mở chia sẻ hơn.
Cùng với đó, giáo viên hỏi giáo viên bộ môn để biết tình hình học sinh trong giờ, học lực hay có biểu hiện gì trong giờ học.
Theo cô Ngọc Anh, cũng có trường hợp phát hiện học sinh có hoàn cảnh đặc biệt thông qua bài làm văn.
Cô chia sẻ, có lần sau khi học xong bài Tấm Cám, cô ra đề bài cho cả lớp phát biểu suy nghĩ về vấn đề dì ghẻ con chồng. Một học sinh trong lớp đã viết vào bài văn với mong ước có ông tiên – bụt phụ trợ giúp đỡ cho. Bài văn viết lạc đề, cô có phê bình học sinh trong giờ trả bài.
Khi tìm hiểu, cô biết được hoàn cảnh của em. Bố đi tù, mẹ đi bước nữa, em ở với bà ngoại đã ngoài 70 tuổi vẫn hàng ngày bán nước chè đầu ngõ nuôi em ăn học. Sau khi bà qua đời, em sống một mình trong ngôi nhà đó, tự bươn chải với cuộc sống. Sáng đi học, chiều bán nước đầu ngõ. Em mong ước có một lực lượng vô hình (bụt) giúp đỡ cho cuộc sống đỡ vất vả.
Đối với học sinh yếu, có thể thông qua bài kiểm tra, phát biểu trên lớp để phát hiện lực học của các em. Tuy nhiên, theo cô Ngọc Anh, học sinh học kém có thể do mới vào học chưa theo kịp lịch học THPT, chưa hiểu cô giáo hoặc do hoàn cảnh tác động sinh ra chán nản, mải chơi, lười học…
Cho học sinh "cá biệt" giữ chức vụ trong lớp
Với hơn 15 năm làm công tác giảng dạy và chủ nhiệm, cô Ngọc Anh gặp nhiều trường hợp học sinh khác nhau. Nhiều khi, cô không tránh khỏi việc “khó chịu, bực mình với học sinh mắc nội quy trường, như về đồng phục, đầu tóc, lười học…”
Trong quá trình “xử lý” học sinh vi phạm gặp nhiều khó khăn, học sinh vâng vâng dạ dạ, thấy mình có lỗi sợ ngay lúc đó thôi, xong lại quên ngay. Theo cô, tính học trò là thế rồi.
“Tham nhũng vặt” ở trường học dạy học sinh điều gì?
Trò tố thầy, thầy tố trò, còn đâu là môi trường giáo dục tôn sư trọng đạo, hai chữ “giáo dục” giờ đây phải được hiểu thế nào?
Tuy nhiên, theo đúng quy trình xử lý vi phạm gồm có nhắc nhở khiển trách, viết bản kiểm điểm về xin chữ ký phụ huynh, mời phụ huynh đến, hạ hạnh kiếm, theo cô Ngọc Anh “cách làm này không hiệu quả”.
Lý do được đưa ra “học sinh sống trong các gia đình khác nhau, nếu có sự đồng thuận từ gia đình thì các con sẽ sửa chữa, khắc phục lỗi, nhưng cũng có học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, không ở với bố mẹ mà ở với ông, bà hoặc một ai đó, sự quan tâm, bảo ban không kịp thời có khi dẫn đến buông xuôi”.
Trước vi phạm của học sinh, giáo viên cần phải có cách “ứng xử” riêng phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Cô Ngọc Anh chia sẻ, với nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, các em biết hoàn cảnh của mình nên rất ngoan ngoãn, học tốt, có ý thức.
Bên cạnh đó, có những học sinh không được bảo ban đến nơi đến chốn, sống bằng “bản năng”, tự do, lười học, nghĩ gì nói đó…
Với những học sinh này, cô giao cho các em một nhiệm vụ trong lớp (chẳng hạn tổ trưởng, tham gia phong trào lớp, phụ trách ghế chào cờ, nước uống cho các bạn…). Việc làm nhỏ thôi giúp các em nhận thức được trách nhiệm của mình đối với tập thể lớp.
Khi các em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cô giáo khen thưởng trước lớp hoặc liên lạc với ban phụ huynh học sinh trích một phần rất nhỏ để thưởng cho các em đó. “Một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, tự các em cũng thấy phấn khởi, cố gắng hơn.
Đồng thời với đó, cô chia sẻ với các bạn trong lớp về hoàn cảnh của bạn để cả lớp hiểu nhau hơn, cùng giúp đỡ bạn, điều này sẽ tạo sự gắn bó giữa cô và trò, giữa tập thể lớp với nhau.
“Giáo viên phải xử lý khéo” – cô Ngọc Anh nhấn mạnh.
Đối với học sinh học kém phải dạy từ từ, có thể phụ đạo thêm.
Phương pháp giáo dục mà cô Ngọc Anh luôn theo là cởi mở với học sinh, hòa đồng, không gây áp lực với các em; như thế cả học sinh và giáo viên vào bài dạy đều hứng thú hơn, tuy nhiên lúc cần nghiêm khắc vẫn phải nghiêm khắc.
Nguyễn Đức Anh (1993) - sinh viên năm 2 Đại học Nội Vụ chia sẻ: "Trước đây, em là một đứa hoang mang, không có định hướng trong cuộc sống. Em không thích thi đại học, em phá phách, bị ghi sổ đầu bài nhiều. Em còn hay trốn học đi chơi bóng rổ và đi hát hò. Chính cô Ngọc Anh đã cho em định hướng cuộc sống, cho em niềm tin. Niềm tin giữa giáo viên và học sinh rất quan trọng, chính cô cho em niềm tin, là chỗ dựa vững chắc cho em".