Cho ý kiến về Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ sáng nay (30/9), nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ quyền và trách nhiệm của các thành viên thuộc Chính phủ. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: "Có thẩm quyền thì bao giờ cũng đi với nó là trách nhiệm, quyền thì nói nhưng trách nhiệm thì không hỏi".
Phân định rõ trách nhiệm Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng
Thảo luận về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng để ra một loạt câu hỏi cần phải làm rõ: "Nếu Quốc hội ban hành luật mà trái Hiến pháp thì phải sửa nhưng Chính phủ có vai trò gì không? Nghị định Thông tư phát hiện ra trái Hiến pháp phải bãi bỏ thì vai trò thế nào? Việc kiểm soát cấp dưới thế nào? Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành tổ chức thi hành Hiến pháp không tốt thì chịu trách nhiệm trước ai? Có chịu trách nhiệm không?"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Vai trò của Chính phủ trong bảo vệ Hiến pháp thế nào? Ảnh: Ngọc Quang. |
Về mặt kỹ thuật, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: "Ở đây rất buồn cười là lại nói về quan hệ, việc ai người ấy làm chứ quan hệ gì? Nguyên tắc là Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng, Chính phủ báo cáo ra Quốc hội. Khi trình ra Quốc hội cho ý kiến rồi thì anh làm thế nào phải ghi vào đây, rồi quy định báo cáo Chủ tịch nước, chứ không thể ghi là quan hệ với Chủ tịch nước. Không có cái luật nào mà lại ghi quan hệ cả".
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt câu hỏi: “Có cơ chế từ chức không? Cơ chế từ chức thì báo chí nói nhiều rồi, bây giờ đổi mới có dám đưa cái đó không? Tôi đồng ý với Chủ tịch Quốc hội là nêu quyền hạn thì khá rõ, nhưng trách nhiệm kể cả Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng thì không rõ”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì đặt vấn đề sử dụng từ ngữ khá mới và khó hiểu như "hành pháp chính trị", "chính trị hành chính", "kiến tạo xây dựng đất nước"... mà trong Hiến pháp không đề cập.
Bà Phóng nói thêm: "Tờ trình nêu rằng xây dựng thiết chế Thủ tướng độc lập. Vậy Thủ tướng độc lập với ai? Độc lập với Chính phủ hay độc lập tương đối trong mối quan hệ với chức trách của Thủ tướng? Trong điều hành nếu ý kiến của Thủ tướng trái với ý kiến của Chính phủ thì nghe ai? Trong khi đó bảo đảm đặc trưng điều hành hành chính thì chấp phải tuyệt đối, cấp trên ra lệnh cấp dưới phải phục tùng, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của điều hành hành chính".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì cho rằng, mối quan hệ cơ chế kiểm soát kiểm lực chưa được đề cập trong dự thảo luật.
"Gần đây, chúng tôi để ý nhiều các ý kiến của cử tri nói rằng, trong chất vấn Bộ trưởng cứ có vấn đề gì khó, vấn đề gì tắc là nói xin ý kiến Chính phủ rồi trả lời sau. Tôi nghĩ không hẳn như thế đâu mà phải rành mạch, ngoài những vấn đề bàn bạc xin ý kiến của tập thể Chính phủ, vậy những việc còn lại thì ông Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm chứ? Không thể cứ bí là chờ xin ý kiến của Chính phủ. Không thể cái gì ở nhà nước cũng dồn lên Thủ tướng, còn ở Bộ thì dồn lên Bộ trưởng. Tôi nghĩ phải phân định rạch ròi”, ông Hiện nói.
Nợ xấu như "cục máu đông", Thống đốc liên tục than khó khăn
Còn theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các nguyên tắc cụ thể nêu tại dự thảo chưa phân định rõ nguyên tắc hoạt động của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ cũng như của các thành viên khác của Chính phủ; chưa phân định rõ được nguyên tắc về tổ chức và nguyên tắc về hoạt động của các chủ thể; chưa thể hiện rõ được nguyên tắc nền hành chính tập trung, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế hiến định có thẩm quyền riêng. Do đó, đề nghị nên xây dựng Chương này quy định về: địa vị pháp lý của Thủ tướng; cơ chế bầu Thủ tướng; thẩm quyền của Thủ tướng; mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với Chính phủ và với các thành viên khác của Chính phủ.
Đặc biệt, dự thảo chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp. Đồng thời, các quy định này phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 30/9. Ảnh: Ngọc Quang. |
Đề nghị điều chỉnh phù hợp với Hiến pháp
Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh dẫn ra Điều 17 trong dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về quốc phòng và cho rằng phải thận trọng với quy định này, vì Hiến pháp không nói Chính phủ xây dựng quân đội nhân dân.
"Tôi cho là phải xác định rõ vai trò của Chính phủ trong vấn đề quốc phòng an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang theo đúng Hiến pháp. Hiến pháp quy định nhà nước củng cố xây dựng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Hiến pháp quy định nhà nước xây dựng quân đội nhân dân, từng bước chính quy, hiện đại. Ghi thế này là Chính phủ xây dựng quân đội nhân dân thì không phải.
Cơ chế quản lý lực lượng vũ trang xác định rất rõ Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt, Chính phủ chỉ thống nhất quản lý nhà nước về mặt này thôi, cụ thể là gì thì sẽ nói trong quy định, chứ nếu Chính phủ làm tất cả thì không đúng với tinh thần của Hiến pháp".
Còn ông Phan Trung Lý cũng nêu 6 vấn đề cần xem xét lại trong dự thảo luật:
Thứ nhất, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét việc quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Thứ hai, không quy định thẩm quyền của Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Nghị quyết của Quốc hội về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.
Báo cáo tại Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình đề cập tới 4 hạn chế bất cập của luật hiện hành, đồng thời tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Quốc hội chưa thông qua hoặc xin rút lại các dự án luật, pháp lệnh, nếu thấy không đủ điều kiện thực hiện hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện hoặc không bảo đảm tính khả thi, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét lại kết luận giám sát của các cơ quan của Quốc hội liên quan đến hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, vì vấn đề này thuộc phạm vi của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.
Thứ năm, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vì vấn đề này thuộc phạm vi của các đạo luật về tố tụng.
Thứ sáu, không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật, vì vấn đề này thuộc phạm vi của các đạo luật về tố tụng.
"Ủy ban pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật chưa thể chế hóa quy định tại khoản 2 Điều 88 của Hiến pháp về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ", ông Lý nêu.