Địa điểm diễn tập gần bãi cạn Scarborough
Vài nghìn binh sĩ Philippines và Mỹ ngày 29 tháng 9 đã khởi động cuộc diễn tập quân sự thường niên quy mô lớn “Phiblex 15” ở gần "vùng biển tranh chấp" trên Biển Đông, nhằm kiểm tra khả năng ứng phó với tình hình khẩn cấp của hai nước.
Philippines-Mỹ tổ chức diễn tập quân sự liên hợp (ảnh tư liệu) |
Cuộc diễn tập lần này kéo dài 12 ngày, từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10 năm 2014. Lễ khai mạc cuộc diễn tập được tổ chức ở Bộ tư lệnh miền Tây, Hải quân Philippines ở cảng Princesa, đảo Palawan.
Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết, cuộc diễn tập lần này sẽ "tăng cường khả năng hiệp đồng giữa Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines, trọng điểm là nâng cao khả năng hai bên cùng ứng phó với vấn đề khu vực và khủng hoảng an toàn hàng hải".
Theo các nguồn tin, lực lượng tham gia diễn tập có gần 5.000 binh sĩ, tăng gấp đôi so với năm 2013 (2.300 quân). Trong đó, có khoảng 3.500 binh sĩ Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đến từ căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản như đơn vị viễn chinh hải quân 31 Mỹ, hạm đội đặc biệt 76 Hải quân Mỹ; cùng với 1.200 quân nhân đến từ hải, lục, không quân Philippines.
Địa điểm diễn tập quân sự là tỉnh Zambales gồm đảo Palawan và đảo Luzon (cách bãi cạn Scarborough chỉ 160 km). Trong đó đảo Palawan nằm ở khu vực lân cận quần đảo Trường Sa, tỉnh Zambales cách bãi cạn Scarborough khoảng 200 km. Tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu và USS Germantown của Mỹ tham gia cuộc diễn tập lần này.
Có nguồn tin khác cho biết, hợp tác quốc phòng Philippines-Mỹ đã xác định rõ các phương hướng trọng điểm. Cuộc diễn tập lần này được tổ chức ở các địa điểm khác nhau, bao gồm đảo Palawan, khu vực miền tây Philippines cách Biển Đông gần nhất, vịnh Subic thuộc tỉnh Zambales trên đảo Luzon, căn cứ không quân Clark thuộc tỉnh Pampanga, căn cứ hải quân thuộc tỉnh Cavite.
Mỹ-Philippines tổ chức diễn tập quân sự liên hợp (ảnh tư liệu) |
Theo kế hoạch diễn tập, quân đội hai nước Mỹ, Philippines sẽ tiến hành diễn tập phối hợp sở chỉ huy mặt trận, thực hiện liên lạc thông tin không gian chiến trường; tiến hành huấn luyện bắn pháo và vũ khí cỡ nhỏ; tác chiến đổ bộ, hành động hạm đối bờ, huấn luyện binh chủng liên hợp, cứu trợ nhân đọa và viện trợ dân sự.
Cuộc diễn tập sẽ liên quan đến đột kích tàu nhỏ, đổ bộ bãi biển, bắn đạn thật trên không, bọc thép cơ giới hóa và nhảy dù.
Quân đội Philippines cho biết, diễn tập sở chỉ huy mặt trận là trọng điểm của cuộc diễn tập nhằm tăng cường trao đổi thông tin thời chiến. "Nó sẽ tăng cường khả năng thực hiện có kế hoạch và hiệu quả tác chiến phòng thủ lãnh thổ và an ninh hàng hải song phương cho quân đội Philippines".
Đại diện quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines, Clegg Thomas tiết lộ, trong diễn tập đổ bộ Mỹ-Philippines năm nay, diễn tập chỉ huy được bổ sung là một điểm sáng, sẽ tập trung xây dựng phương án, chỉ huy quân đội hai nước hợp tác hoàn thành nhiệm vụ quân sự, mục tiêu là củng cố khả năng phối hợp giữa lực lượng vũ trang hai nước.
Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, mục đích diễn tập là kiểm tra khả năng ứng phó liên hợp của hai nước khi đối mặt với các vấn đề khủng hoảng an ninh hàng hải và khu vực, sẽ giúp Quân đội Philippines nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng tác chiến hiệp đồng, bảo vệ an ninh hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ.
Mỹ và Philippines tổ chức diễn tập quân sự liên hợp năm 2013 (ảnh tư liệu) |
Răn đe Trung Quốc
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 30 tháng 9 cho rằng, mặc dù Mỹ và Philippines chính thức tuyên bố cuộc diễn tập lần này có tính chất thường niên, thường lệ, nhằm tăng cường giao lưu quân sự hai nước Mỹ-Philippines, không có mục tiêu nhằm vào cụ thể, “không liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay”, nhưng truyền thông các nước phổ biến cho rằng, đối tượng nhằm vào là Trung Quốc.
Tờ "Công báo Manila" Philippines ngày 29 tháng 9 cho rằng, mục đích của cuộc diễn tập lần này là tăng cường tính liên kết giữa quân đội hai nước và thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.
Theo bài báo, trong thời điểm tổ chức cuộc diễn tập quân sự liên hợp lần này, điểm tập trung của Quân đội Philippines đang từ tác chiến chống phản loạn trong nước chuyển sang ứng phó mối đe dọa từ bên ngoài.
Theo hãng AFP Pháp ngày 29 tháng 9, người phát ngôn lực lượng Thủy quân lục chiến Philippines Jerber Anthony Belonio cho biết, cuộc diễn tập không có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, "điều này không có bất cứ liên quan gì (với Biển Đông), chỉ thể hiện khả năng chúng tôi đúng lúc triển khai lữ đoàn đánh bộ mới ở đảo Palawan".
Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cũng cho biết, diễn tập sẽ "tăng cường tính liên kết giữa Hải quân, Thủy quân lục chiến Mỹ với đồng nghiệp Philippines".
Nhưng, rõ ràng, các nhà phấn tích quốc tế hoàn toàn không nhìn như vậy. Theo hãng AFP, đảo Palawan là tiền tiêu chủ yếu mặt hướng ra Biển Đông, Quân đội Philippines gần đây tăng cường triển khai quân sự ở đảo này. Đồng thời, Quân đội Philippines gần đây cũng đang tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh, đặc biệt là với Mỹ.
Lực lượng tham diễn Phiblex 15 của Mỹ |
Theo tờ “Đại công báo” Hồng Kông, Trung Quốc, địa điểm diễn tập lần này nằm ở khu vực lân cận bãi cạn Scarborough – nơi “tranh chấp lãnh thổ” giữa Trung Quốc-Philippines. Năm 2012, Trung Quốc đã đoạt lấy (ăn cướp) quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough (từ tay Philippines). Theo thống kê chính thức của Philippines, nửa đầu năm 2014, có trên 120 tàu chiến và tàu thuyền Trung Quốc hoạt động (bất hợp pháp) ở vùng biển này.
Trước cuộc diễn tập quân sự lần này, quân đội hai nước Mỹ, Philippines đã tổ chức một loạt hoạt động diễn tập quân sự ở đảo Palawan và tỉnh Zambales. Có phân tích cho rằng, tuy Mỹ không công khai đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng đã cảnh cáo Trung Quốc không được áp dụng các hành động phá hoại ổn định ở Biển Đông (lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo, làm thay đổi hiện trạng).
Tuần trước, trong một cuộc họp báo ở New York, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Russell cho rằng, Trung Quốc thông qua lấn biển để mở rộng đá ngầm, có ý đồ xây dựng khu đất đủ để dựng lên các loại công trình. Hành vi (khiêu khích) của Trung Quốc đã vượt xa các nước khác.
Hãng tin Reuters Anh bình luận, cuộc diễn tập này của Mỹ và Philippines nhằm kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của quân đội hai nước để ứng phó với bất cứ tình hình khẩn cấp nào có thể xảy ra.
Tàu tấn công đổ bộ USS Germantown của Hải quân Mỹ ở vịnh Subic, Philippines ngày 29 tháng 9 năm 2014 |
Tháng 4 năm 2014, trong thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines, hai nước đã chính thức ký kết “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” thời hạn 10 năm, quan hệ quân sự Mỹ-Philippines đã bước vào giai đoạn mới.
Thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai nhiều binh sĩ hơn đến Philippines luân phiên đồn trú, sử dụng chung căn cứ quân sự của Philippines, xây dựng và đặt cơ sở quân sự, khí tài, máy bay quân sự và tàu chiến.
Sau đó, hai nước liên tiếp tiến hành diễn tập quân sự, trong bối cảnh lớn Mỹ mạnh mẽ thúc đẩy “quay trở lại châu Á” và “tranh chấp chủ quyền Biển Đông” giữa Philippines và Trung Quốc tiếp tục gay gắt thêm, đã khẳng định mức độ chặt chẽ của quan hệ Mỹ-Philippines.
Trên thực tế, cùng với việc Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương và thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines, diễn tập quân sự Mỹ-Philippines đang từng bước được trở nên thường xuyên.
Tháng 5 năm 2014 – một tháng sau khi Mỹ-Philippines ký kết “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường”, hai nước đã tổ chức diễn tập quân sự liên hợp song phương quy mô lớn “Balikatan-2014” trong thời gian 10 ngày.
Tháng 6 năm 2014, Mỹ-Philippines lại tổ chức diễn tập quân sự huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển liên hợp Carat. Địa điểm diễn tập cách tàu công vụ Trung Quốc hoạt động (bất hợp pháp) ở khu vực lân cận bãi cạn Scarborough khoảng 80 hải lý.
Quân đội Mỹ vừa kết thúc cuộc diễn tập quân sự Valiant Shield ở Tây Thái Bình Dương. |
Có tờ báo Philippines cho rằng, tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng với Mỹ sẽ có lợi cho nâng cao tiếng nói của Philippines trong vấn đề Biển Đông và đối đầu với Trung Quốc.
Mỹ dựa vào diễn tập quân sự liên hợp và thỏa thuận Mỹ-Philippines để biến Philippines thành nơi điều động lực lượng quân sự ở khu vực này, tăng cường gây sức ép và răn đe đối với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.