Khi đã không còn nhiều niềm tin vào những lời nói “bằng hữu” viển vông do Trung Quốc vẽ ra, các học giả và nguyên thủ trên thế giới lần lượt nói thẳng với Trung Quốc về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn né tránh pháp luật thế giới và tung hỏa mù bằng những ngôn từ mỹ miều, những lời hứa tốt đẹp nhưng chẳng có gì ràng buộc, và thực sự là “chẳng chết ai”.
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 của Việt Nam (đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân). Năm 1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang dùng sức mạnh kinh tế, quân sự của mình để thúc đẩy xây dựng, hòng chiếm đoạt vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như của khu vực. |
Nhiều khi nhìn lại và đối chiếu với những hành động trên thực tế của Trung Quốc trong giải quyết mối quan hệ với các nước khác, người ta nhận thấy những ngôn từ như “bằng hữu”, “hữu nghị”, sự định lượng những “chữ vàng”, những điều “tốt” thật viển vông và vô nghĩa.
Trung Quốc tổ chức chào cờ trái phép trên các đảo chiếm của Việt Nam
TQ: Thiếu tướng Thẩm Kim Long làm Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải
Những lời nói đầy vẻ đạo đức, nhân văn ấy, những hứa hẹn xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các quốc gia khác thật hư ảo như giấc mơ.
Bởi lẽ, trong giải quyết các mối quan hệ thì pháp luật là đạo đức tối thiểu. Cái yêu cầu nhỏ nhất đó còn không làm được thi nói gì đến cái lớn hơn.
Pháp luật góp phần điều chỉnh hành vi của con người và các tổ chức theo chuẩn mức đạo đức tối thiểu phải có. Song Trung Quốc luôn muốn “vứt” Luật Biển - thứ đạo đức tối thiểu phải có - vào sọt rác thì còn hy vọng gì nhiều hơn vào những cái đạo đức, nhân văn cao xa hơn thế…
Con người văn minh hành động theo pháp luật, “chơi” theo cùng “luật chơi” ở một “sân chơi” chung ấy. Nhưng Trung Quốc muốn “lách luật”, muôn lờ đi pháp luật quốc tế.
Để đánh lạc hướng, họ tung hỏa mù về các phương pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng rất nhiều khái niệm mơ hồ và đôi khi là vô định, vô nghĩa… gần đây nhất họ đưa ra cái gọi là “bốn tôn trọng” ở Biển Đông.
Nhiều nhà ngoại giao và học giả trên thế giới cho biết: trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế, các học giả và nhà ngoại giao Trung Quốc luôn nói thao thao bất tuyệt về “hảo ý” của Trung Quốc với các nước, không liên quan gì với chủ đề đang bàn luận… đến mức các thành viên cùng tham gia thảo luận cảm thấy mệt mỏi, ngao ngán và chủ tọa phải cầm lòng “bất lịch sự” cắt ngang những “diễn thuyết tốt đẹp” vô hại và vô dụng đó mới chịu thôi.
Ngày nay, các học giả, các nhà ngoại giao và nguyên thủ trên thế giới đã nhận rõ đòn tung hỏa mù của Trung Quốc, họ yêu cầu Trung Quốc rất ngắn và rõ: tuân thủ UNCLOS.
Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri – La năm 2014, khi bị các học giả dồn hỏi về cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc là Vương Quán Trung đã bộc lộ “tâm đen” muốn vứt UNCLOS vào sọt rác khi khẳng định UNCLOS ra đời sau khi Trung Quốc có chủ quyền (mạo nhận, không được nước nào thừa nhận) với vùng biển này nên không thể áp dụng UNCLOS.
Thế giới tạo ra UNCLOS không phải là để bỏ vào sọt rác, cũng không phải là để làm đầy thêm tủ sách pháp luật quốc tế. Nó phải được thực thi trên các vùng biển và đại dương của trái đất này, để duy trì trật tự, quy củ.
Tiếp bước các học giả sáng suốt trên thế giới, các nguyên thủ khắp thế giới lần lượt nêu yêu cầu Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp trên biển bằng pháp luật quốc tế nói chung và Luật Biển nói riêng.
Ngày 19/9/2014, phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển:
“Chúng ta tạo ra Tòa án LHQ về Luật Biển để giải quyết những tranh chấp như vậy. Đức ủng hộ và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”, bà Merkel nhấn mạnh.
Ngày 21/9/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đề cập đến vấn đề này trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN. Khi được hỏi phản ứng về cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông khiến một số chính phủ lo ngại, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định Ấn Độ không thể làm ngơ trước mọi vấn đề.
Theo ông, trong thời đại đối tác hiện nay, tất cả các bên đều phải tìm kiếm và mở rộng sự hỗ trợ lẫn nhau. Trung Quốc thừa hiểu họ phải chấp nhận luật lệ toàn cầu trong các tranh chấp lãnh hải với những nước láng giềng và phải đóng vai trò của họ trong việc hợp tác và tiến lên phía trước nếu không muốn bị cô lập.
Ngày 24/9/2014, phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền biển đảo tại châu Á - Thái Bình Dương đang gia tăng:
“Chúng tôi nhấn mạnh tất cả các nước phải tôn trọng luật lệ và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ theo luật pháp quốc tế”. “Đó là cách mà châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển. Và đó cũng là cách thức duy nhất để bảo vệ sự phát triển này”.
Và còn có rất nhiều nguyên thủ các quốc gia như Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Nhật Bản, Australia … yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển, đảo theo UNCLOS.
Nếu Tòa án Luật Biển ra phán quyết phủ nhận những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông thì cho dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và không chấp nhận phán quyết đó thì cũng sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn về hình ảnh quốc gia “cường quốc có trách nhiệm” của họ.
Đó sẽ là sự khởi đầu tệ hại cho chuỗi hiệu ứng Domino làm sụp đổ niềm tin của các quốc gia trên thế giới về các “thương hiệu” chính trị, kinh tế, văn hóa… của Trung Quốc.
Khi ấy, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục ném UNCLOS vào sọt rác thì cũng đồng nghĩa với việc ném theo rất nhiều thứ “tài sản” có giá trị của họ đi theo nó.