Lực lượng quân sự Trung Quốc đóng tại Hồng Kông mở cửa một doanh trại cho công chúng vào thăm quan. |
Tờ Kommersant ngày 3/10 dẫn nguồn tin thân cận với chính quyền Hồng Kông cho biết, các nhà chức trách đã từ chối sử dụng giải pháp quân sự để xử lý các cuộc biểu tình đang diễn ra tại thành phố này như những gì Bắc Kinh đã làm năm 1989.
Chính quyền Hồng Kông sẵn sàng chịu đựng các cuộc biểu tình trong một thời gian dài, miễn là những người biểu tình không biến nó thành bạo lực chống lại chính quyền hoặc xâm hại các quyền và điều kiện sống, làm việc bình thường của những công dân khác hay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn tin giải thích, những người biểu tình có thể phong tỏa 3, 4 thậm chí là 5 khu vực làm việc của chính quyền Hồng Kông trong thời gian dài, nhưng ngay khi họ leo thang phá hoại hoặc sử dụng vũ lực, lập tức họ sẽ đánh mất sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận.
Theo các chuyên gia, trong tình huống này nếu chính quyền Hồng Kông sử dụng các nhóm ủng hộ biểu tình để "trung hòa" hoạt động biểu tình của sinh viên đang được lên kế hoạch trong tuần này có thể gây ra nhiều rủi ro. Sự tồn tại của các nhóm "biểu tình chống biểu tình" này có thể làm mất ổn định tình hình ở Trung Quốc, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và tăng cường áp lực lên Bắc Kinh.
Chuyên gia độc lập và là một nhà Hán học Yuri Tavrovsky cho rằng, biểu tình ở Hồng Kông hiện nay giống như một cuộc "cách mạng màu" điển hình. Ban đầu học sinh sinh viên xuống đường với niềm tim những gì họ làm là một công việc thiêng liêng. Sau đó những lãnh đạo "người lớn" xuất hiện, tổ chức một cách chuyên nghiệp, biến đám đông thành những hàng rào chướng ngại.
Chính quyền Hồng Kông sẽ không dùng vũ lực dẹp biểu tình, mà chờ đợi và hy vọng nó sẽ tự tan rã. |
Mặc dù Trung Quốc vẫn nỗ lực khẳng định biểu tình ở Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh là công việc nội bộ của Bắc Kinh, nhưng vấn đề này đã nhanh chóng bị quốc tế hóa. Tổng thống Mỹ Obama đã khẳng định Mỹ ủng hộ nguyện vọng của những công dân Hồng Kông ngay khi Vương Nghị đang ở thăm Hoa Kỳ.
Rõ ràng Mỹ và phương Tây cũng như các đồng minh trong khu vực sẽ cố gắng sử dụng vấn đề Hồng Kông như là đòn bẩy mới để "bao vây Trung Quốc", Tavrovsky bình luận.
Sergei Kizima, một tiến sĩ Hán học khác bình luận trên tờ "Chuyên gia" Nga, nguyên nhân của các cuộc biểu tình ở Hồng Kông có nhiều, nhưng đầu tiên vẫn là do sự khác biệt trong nhận thức thế giới giữa người dân Trung Quốc đại lục và người dân Hồng Kông. Môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của Hồng Kông được xác lập bởi vương quốc Anh. Những công dân Hồng Kông lớn lên trong mô hình văn hóa, xã hội được tạo ra bởi người Anh và quen với các giá trị phương Tây.
Năm 1997 khi Trung Quốc thu hồi Hồng Kông họ đã không hỏi xem những người dân Hồng Kông có thực sự mong muốn "trở về" với đại lục hay không. Mầm mống căng thẳng ngày hôm nay đã bắt đầu từ thời điểm đó.
Về phía Bắc Kinh, mặc dù đưa ra mô hình một quốc gia hai chế độ để "thu hồi" Hồng Kông, nhưng Trung Quốc không muốn trong lãnh thổ của mình lại có một khu vực thân phương Tây. Do đó người Trung Quốc phải "bảo vệ lợi ích của mình ngay trên chính mảnh đất của mình do hoàn cảnh một thời gian dài nằm dưới sự quản lý của người Anh". Bắc Kinh "khuyến khích" người dân Hồng Kông phải làm quen với thực tế rằng họ là người Trung Quốc, học cách chia sẻ các giá trị phổ biến ở Trung Quốc.
Những viên chức hành chính Hồng Kông đã không thể tới nơi làm việc do người biểu tình bịt chặt các ngả đường. |
Kizima cho rằng, hầu hết những người trung niên ở Hồng Kông đều "hiểu được điều này" và đang cố gắng thích nghi. Nhưng thanh niên, học sinh sinh viên không chấp nhận điều đó. Và họ xuống đường biểu tình.
Người Trung Quốc nhìn chung có khuynh hướng đổ lỗi cho Hoa Kỳ kích động các hoạt động biểu tình ở Hồng Kông, nhưng trên thực tế cũng có một số "sự khác biệt bất lợi xảy ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây", Kizima nhăc đến các cuộc tấn công khủng bố ở các thành phố lớn và tình trạng bất ổn ở Tân Cương.
Bởi vậy các chính trị gia, truyền thông quốc tế và những người bình thường nhất gần như nhất trí cho rằng, biểu tình ở Hồng Kông là một sự trừng phạt của Washington nhằm vào Bắc Kinh trong các vấn đề chính trị quốc tế.
Đặc biệt, sự kiện biểu tình ở Hồng Kông đã trở thành một đòn trả thù nhằm vào thực tế trong những tháng gần đây Trung Quốc đã có mối quan hệ chặt chẽ với Liên bang Nga, đặc biệt là thái độ của Bắc Kinh đối với khủng hoảng Ukraine và vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Vì vậy Sergei Kizima cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thực sự đã có một bàn tay của Mỹ, phương Tây kích động xung đột nội bộ ở Hồng Kông thông qua các quỹ hoặc các phương tiện truyền thông địa phương. Các sự kiện tại Hồng Kông có thể làm chậm quá trình cải cách chính trị ở Trung Quốc mà đó lại không phải điều Mỹ và phương Tây mong muốn.
Với những gì đang xảy ra tại Hồng Kông, giới chức Trung Quốc sẽ thấy rằng quá trình dân chủ hóa "có thể bị mất kiểm soát" và tăng nguy cơ bất ổn cho quốc gia này, và họ sẽ phải xem xét lại cách tiếp cận của mình.