Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh dự toán cùng các hạng mục xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa trong “Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông” mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tại Thường vụ Quốc hội ngày 28/9/2014, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cơ sở của số tiền không rõ ràng, thiếu minh bạch.
Con số mù mờ, không minh bạch
Trước hết, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng từ con số trước đây là 34 nghìn tỷ đồng xuống còn gần 800 tỷ đồng (778,8 tỷ đồng), Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa trình bày một cách minh bạch về số tiền này:
“Muốn làm một dự trù thì phải cụ thể, cụ thể đổi mới bao nhiêu quyển sách, trong đó bao nhiêu sách giáo khoa, bao nhiêu sách bài tập, bao nhiêu sách giáo viên, mỗi quyển sách phần nào là phần mới, phần nào là phần phải dựa vào những kiến thức đã có và cần bổ sung thêm cái mới, điều chỉnh, sửa sang lại ra sao, phần địa phương là phần nào…”.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, do chưa thấy một kế hoạch minh bạch nên nói số tiền này là nhiều hay ít cũng khó nói.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng do chưa thấy một kế hoạch minh bạch nên nói số tiền này là nhiều hay ít cũng khó nói. Ảnh: Hồng Nhung |
Nhưng PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng giả dụ rằng chương trình ở một lớp có khoảng 10 giáo trình, kèm theo đó 10 quyển sách bài tập và 10 quyển sách hướng dẫn giáo viên. Như vậy, ta hệ thống các lớp trong nhà trường là 12 lớp và ta sẽ có 120 quyển sách giáo khoa cần biên soạn mới, 120 quyển sách bài tập, 120 quyển sách giáo viên. Vậy tổng 12 lớp là 360 quyển sách, chưa kể có những quyển sách tự nhiên như Toán, Lý, Hóa... sự thay đổi về kiến thức chắc không nhiều.
“Số tiền là trọn gói như vậy, nhưng không thể hình dung một quyển sách giáo khoa mới làm hết bao nhiêu tiền, một quyển sách bài tập làm hết bao nhiêu… Giả dụ cho 100 triệu để làm 1 quyển sách giáo khoa thì 360 quyển sách cũng chỉ tiêu hết có 36 tỷ. Thử hỏi làm gì mà hết đến 778,8 tỷ. ” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
"Từ 34 nghìn tỷ mà giờ còn hơn 400 tỷ thì tôi cũng sợ"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên như vậy khi thảo luận về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Ông cho biết thêm: “Chưa nói đến việc nếu ta chọn lấy sách các môn tự nhiên ở nước ngoài thích hợp với chương trình đổi mới, ta có thể cho dịch ra, sau đó biên soạn lại cho phù hợp với chương trình của ta thì chắc không có hết nhiều tiền đâu. Do vậy, tôi nghĩ rằng không thể nào dùng hết nhiều tiền như vậy”.
Trong phần sách biên soạn của địa phương, may ra chỉ có sách Ngữ văn, Sử, Địa cần có thêm kiến thức đặc trưng của địa phương còn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ chắc địa phương không thêm gì mới, thế thì tại sao lại phân cho địa phương một khoảng tiền đến 1/3 số tiền dự kiến, không có một cơ sở khoa học nào để nói số tiền đó địa phương sử dụng hết được.
Mặc dù số tiền được đề nghị chưa bằng 1/40 so với con số 34 nghìn tỷ đồng nên ta cảm thấy nhỏ, nhưng đối chiếu với từng quyển sách một thì không hề nhỏ tí nào.
“Nói một cách tổng quát, có 462 tỷ cho việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, thẩm định chương trình, sách giáo khoa, còn lại giao cho địa phương, con số đó không rõ ràng.” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Do đó, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Con số (778,8 tỷ) mù mờ, không minh bạch, quá lớn”.
Bộ Giáo dục “vừa đánh trống vừa thổi còi”
Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định có một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết: “tán thành một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng nếu Bộ đứng ra tự tổ chức viết một bộ sách rồi tự thẩm định, như vậy chẳng khác nào vừa đánh trống vừa thổi còi, đó là điều không hợp lý”.
Nói thêm về điều này, ông bày tỏ: “Một người được cung cấp tiền để viết sách rồi thẩm định nó, còn một người không có tiền nong gì để viết sách. Tuy có thể hay nhưng chưa chắc đã được thẩm định để sử dụng”.
Cho nên, kiến nghị được cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là Bộ chỉ là người đứng ra thẩm định, còn việc biên soạn sách giao cho Nhà xuất bản Giáo dục đứng ra vay tiền để thực hiện.
Bộ Giáo dục biên soạn và thẩm định sách giáo khoa là không khách quan
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc Bộ Giáo dục biên soạn SGK vẫn đảm bảo tính khách quan, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm ngược lại.Mặc khác, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Ngay cả việc viết sách cũng không phải cấp tiền cho viết sách. Nếu Bộ Giáo dục giao cho Nhà xuất bản Giáo dục đi vay tiền để làm sách, cũng như các tác giả khác không được ai cấp cả, tác giả có thể đi vay trước để viết sách. Nếu tác giả làm không tốt thì tác giả bị mất tiền, có đi vay tiền để viết sách thì mới có trách nhiệm với sản phẩm của mình hơn là việc Nhà nước bỏ tiền ra để viết sách”.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, giả dụ bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục được thẩm định hoặc của tác giả nào đó được thẩm định, lúc đó họ in ra và bán thì họ được hưởng nhuận bút, số tiền đó nằm trong giá trị của một quyển sách đó rồi, họ bán cho học sinh và họ lấy tiền thì nhà nước làm gì mất nhiều tiền như thế.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thẳng thắn đặt ra vấn đề: “Bộ Giáo dục đứng ra làm sách thì Bộ cũng phải được ứng xử như tất cả những tác giả khác thì mới bình đẳng, chứ Nhà nước cấp tiền để Bộ làm sách đó, rồi Bộ lại thẩm định sách đó, Bộ dùng vào nhà trường sách đó, thế thì những tác giả khác chỉ làm mất công cốc”.
Lo lắng về việc có nhiều bộ sách giáo khoa có thể dẫn tới loạn sách giáo khoa, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Bộ định hướng chọn mộtvài bộ có đề cương hay nhất tác giả đăng ký biên soạn rồi Bộ duyệt đề cương đi thẩm định, sau đó tác giả biên soạn, chứ không phải để ai muốn viết thì viết, làm như vậy thì loạn thật”.
Do đó, trước hết, Bộ phải làm một chương trình tổng thể đã, chương trình là cái chủ yếu, còn sách giáo khoa thực tế là minh họa cho chương trình đó thôi. Bộ Giáo dục cần thẩm định sách giáo khoa có đáp ứng được chương trình đó hay không, đó là nhiệm vụ của Bộ.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, không thể chờ đợi viết hẳn một bộ sách để thay thế cho tất cả những sách giáo khoa hiện hành, Bộ cần xem xét lại quyển nào cần phải sửa chữa, quyển nào chỉ cần phải bổ sung thêm gì thì phải làm ngay vấn đề đó. Quyển nào thấy cấp thiết nhất thì làm trước, sau đó sẽ nghiên cứu hoàn thiện dần dần cuối cùng sẽ có một bộ sách hoàn chỉnh.
“Không thể hình dung viết hẳn một bộ sách rồi đem thẩm định cả bộ sách đó, sau đó áp dụng, chuyện đó không có, không ai làm như vậy cả. Bây giờ đổi mới là phải xem cái gì bất hợp lí thì phải thay đổi ngay, quyển nào còn có thể sử dụng được thì nghiên cứu sửa đổi dần dần. Cách làm cứ từ từ theo một kế hoạch cụ thể, làm như vậy thì mới làm được” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ thêm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ tiếp tục: “Không thể hình dung trong thời gian một vài năm biên soạn mới xong toàn bộ bộ sách cho cả 12 lớp và thẩm định để đem sử dụng đồng loạt, ví dụ có 360 quyển sách phải biên soạn lại, mà một năm có 365 ngày, không thể tưởng tượng làm thế nào để làm xong trong 1,2 năm. Tuy nhiên cũng không thể kéo dài làm hết lớp 1 sang lớp 2, lớp 3 cho đến lớp 12 theo kiểu cuốn chiếu, nếu làm tuần tự như thế kia thì đến lúc thay xong lại phải quay trở lại từ đầu”.