Indonesia là quốc gia có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới, mặc dù giáo lý đạo Hồi rất nghiêm khắc nhưng đảo Bali ở quốc gia này lại được mệnh danh là thiên đường du lịch. Indonesia cũng được biết đến như là một quốc gia hàng đầu thế giới về tham nhũng. Sự kiện ông Akil Mochtar 53 tuổi, cựu thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Indonesia nhận hối lộ 5,4 triệu USD để thay đổi phán quyết các vụ án được xem là một dẫn chứng cho tình trạng tham nhũng tràn lan trong hệ thống tư pháp nước này.
Tại Việt Nam, chánh án cấp huyện đòi bị can hối lộ, chánh án cấp thành phố làm trái hiến pháp không phải là không có. Tuy nhiên, việc một thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố thì có lẽ nhiều người mới biết lần đầu.
Sau 10 năm, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn lại khiến cho dư luận sửng sốt, vừa thương cảm người bị oan, vừa phẫn nộ trước sự vô cảm, vô đạo đức của những người dùng hình thức bức cung, nhục hình bắt ông nhận tội giết người. Dẫu sao ông Chấn cũng còn may mắn khi được “chiếu cố” mức án chung thân để còn được sống mà kêu oan, mà chứng kiến luật nhân quả đối với những người đã cố tình đẩy ông vào vòng tù tội.
Thẩm phán xử oan ông Chấn: Cả hội đồng xét xử đồng ý mức án chung thân
(GDVN) - Ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, người từng ngồi ghế chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử oan ông Chấn lên tiếng sau khi bị khởi tố.
Giờ đây lại có một sự sửng sốt không kém, ấy là trong số những người gây nên bản án oan sai cho ông Chấn chỉ mới có 3 người bị chính thức khởi tố gồm: Phạm Tuấn Chiêm - chủ tọa phiên phúc thẩm Tòa án Tối cao, Đặng Thế Vinh - nguyên Trưởng phòng 10 VKSND tỉnh Bắc Giang, Trần Nhật Duật - nguyên Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Vấn đề là thật sự chỉ có ba người liên quan đến vụ án hay còn nhiều người khác nữa, nếu còn những người liên can khác thì những người này có hoàn toàn vô tội?
Điều 16, 17 Luật Tố tụng hình sự (TTHS) quy định: “Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”.
Như vậy luật đã trao cho các thẩm phán quyền xét xử độc lập, độc lập ở đây phải hiểu là độc lập với bất kỳ cơ quan, đoàn thể nào và độc lập trong chính hội đồng xét xử. Kết luận cuối cùng của mỗi bản án phải là quyết định của đa số những người được quyền biểu quyết theo quy định của luật. Chủ tọa phiên tòa mặc dù là người chịu trách nhiệm chính song chủ tọa không thể ép các thẩm phán làm theo ý mình, chính vì vậy không thể nói hai thẩm phán còn lại là vô can trong bản án phúc thẩm của TAND Tối cao đối với vụ án oan của ông Chấn.
Xin trích dẫn một số điều, khoản trong Luật TTHS:
khoản 1, 3 điều 23
1- Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Toà án;
3- Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Khoản 1 điều 245: Tại phiên tòa phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp là bắt buộc, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.
Điều 247: Phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Các điều khoản trong Luật TTHS cho thấy không một bản án nào được tuyên nếu không dựa vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra, cũng không một bản án nào được tuyên nếu Viện kiểm sát không yêu cầu truy tố bị can (với phiên sơ thẩm) hoặc đưa ra quan điểm giải quyết vụ án (với phiên phúc thẩm).
Nếu luật đã quy định rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát là “không làm oan người vô tội” thì những người thay mặt Viện kiểm sát giữ quyền công tố trong các bản án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn cũng đã góp phần “làm oan người vô tội” trái với khoản 3 điều 23 nêu trên.
Rõ ràng là những người giữ quyền tố tụng nếu làm việc công tâm, khách quan, có trách nhiệm thì việc oan sai sẽ rất khó xảy ra.
Ý kiến của ông Chiêm cho rằng ông bị một “tai nạn nghề nghiệp” có thể đúng xét về khía cạnh đạo đức của một cựu quân nhân nhưng không đúng nếu nhìn dưới góc độ bản lĩnh của một thẩm phán Tòa án Tối cao. Trong vụ việc này (như chính ông lý giải) ấn tượng từ hồ sơ mà ông đã đọc đã góp phần quyết định bản án, nói cách khác đó là “án tại hồ sơ”, chứ ông không căn cứ vào lời nói của bị cáo trước tòa cũng như các mâu thuẫn trong kết quả điều tra.
Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, Hội đồng xét xử giống như nơi hợp pháp hóa những sai phạm của cơ quan điều tra - tố tụng, cả ba thẩm phán đều coi trọng kết luận của cơ quan điều tra và kiểm sát hơn là sự thật khách quan, sự công bằng, quyền con người bị xâm hại nghiêm trọng không hề làm cho những người xử án động não suy nghĩ.
Phải chăng đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người thuộc bộ máy hành pháp và tư pháp, đặc biệt là các thẩm phán? Nếu thẩm phán không thật sự độc lập trong phiên tòa, không tách mình khỏi mọi mối liên hệ chồng chéo trong xã hội, nếu hội đồng chỉ xét xử theo những gì có trong hồ sơ, và trên hết nếu việc tranh tụng tại Tòa án không được coi trọng thì đó không phải chỉ là nguy cơ án oan sai với người dân mà còn là nguy cơ với chính sự nghiệp và uy tín chính trị của các thẩm phán mà ông Chiêm chỉ là một ví dụ.
Từ vụ án oan của ông Chấn đến các vụ án liên quan đến các bị cáo Hàn Đức Long (Bắc Giang), Lê Bá Mai (vụ án vườn mít),… người dân không thể không đặt câu hỏi: “Các kiểm sát viên, các thẩm phán, họ là ai?”.
Trong vụ án vườn mít, Lê Bá Mai bị kết tội “giết người và hiếp dâm trẻ em”, vì sao vụ án phải xử đến 6 lần với các mức án rất không bình thường như tử hình, chung thân, vô tội và lần cuối cùng, ngày 30/8/2013 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao lại tuyên y án sơ thẩm (chung thân) của Tòa Bình Phước?
Những người không am hiều pháp luật cũng không thể không nêu câu hỏi: “Vì sao tồn tại một vụ án qua 6 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm nhưng không chỉ bị cáo kêu oan mà chính những người có trách nhiệm trong và ngoài ngành Tư pháp cũng không đồng tình”?
Những người đã lên tiếng đề nghi gặp gỡ trao đổi quan điểm với Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao có thể kể tên như TS Vũ Đức Khiển (nguyên Phó chủ nhiệm UB pháp luật), bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội), TS Dương Thanh Biểu (nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao), các luật sư Huỳnh Thế Tân (TP HCM) Nguyễn Việt Hà (Hà Nội).
Có một sự trùng hợp hơi kỳ lạ là ông Khiển, bà Thu và ông Biểu đều là “nguyên” lãnh đạo, còn ông Phạm Tuấn Chiêm thì cũng là “nguyên” thẩm phán. Người ta không thể không hỏi, các vị đương chức, các vị chưa “nguyên” đang nghĩ gì, đang “bận bịu” hay ngại gì mà chưa thấy lên tiếng?
Một thẩm phán xử án sai nếu không phải là trình độ chưa đáp ứng, bản lĩnh chính trị không vững vàng trước áp lực thì chỉ còn là do tư cách, đạo đức có vấn đề.
Dù với bất kỳ lý do gì, xử oan cho người vô tội không thể nói là không có tội. Người viết không có ý bênh vực ông Chiêm nhưng lại đòi hỏi công bằng cho ông khi mà án oan với ông Chấn không phải do một mình ông Chiêm quyết định.
Cụ Hồ nói đại ý: “chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Sự không công bằng mới đầu có thể chỉ khiến người ta không phục, để lâu, tích tụ hàng chục năm, sự “bất phục” sẽ thành “bất tuân”, đến lúc đó giật mình thì đã quá muộn.
Khẩu hiệu “sống, làm việc theo pháp luật” được kẻ vẽ khắp nơi nhưng những sự kiện xảy ra tại không ít cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật cho thấy chính tại các cơ quan này pháp luật luôn bị chi phối bởi ý kiến chủ quan của một vài cá nhân được giao trách nhiệm.
Luật pháp hướng đến việc bảo vệ quyền công dân, quyền con người nhưng luật pháp cũng phải hướng đến việc để cho người dân được quyền tự bảo vệ mình, nếu không thì sự oan sai sẽ vẫn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội./.