Thị trường phim chiếu rạp ở Việt Nam đang phát triển vô cùng sôi động. Tuy nhiên, sự sôi động đó lại không phản ánh được sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Các nhà làm phim Việt đang bị thua ngay trên sân nhà.
Phim ngoại đang chiếm ưu thế
Thị trường phim chiếu rạp ở Việt Nam đang phát triển vô cùng sôi động. Những bộ phim “bom tấn” luôn đạt mức doanh thu kỷ lục khi đến Việt Nam. Doanh thu phòng vé năm 2013 đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, bộ phim Annabelle đạt mức doanh thu kỷ lục 12 tỷ chỉ sau 4 ngày công chiếu với 143.707 lượt người xem. Điều này cho thấy thị trường phim chiếu rạp ở Việt Nam vô cùng rộng lớn. Điều đáng buồn là, đa số các bộ phim chiếu rạp đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Số phim chiếu rạp được sản xuất trong nước chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Năm 2013, chúng ta nhập khoảng hơn 150 bộ phim nước ngoài trong khi đó chỉ có khoảng 10 bộ phim sản xuất trong nước được công chiếu. Điều này cho thấy sự thất thế của phim Việt so với phim ngoại nhập.
Bộ phim Annabelle thu về 12 tỷ chỉ sau 4 ngày công chiếu ở Việt Nam |
Trong số phim ngoại nhập, theo thống kê có khoảng 80% số phim được nhập từ Hollywood chiếm khoảng 75% doanh thu phòng vé. Việt Nam được Hollywood Reporter xếp thứ 13 trong các nước có thị trường phim phát triển nhất thế giới. Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, có rất nhiều bộ phim bom tấn được khởi chiếu cùng thời điểm với lịch chiếu ở thị trường Bắc Mỹ. Thậm chí, có không ít bộ phim còn được chiếu trước 1 tuần so với lịch chiếu trung của toàn cầu.
Hiện nay, nước ta có khoảng 184 rạp chiếu phim đủ chất lượng. Con số ấy có thể nâng lên tới 350 rạp vào năm 2016. Có thể thấy, thị trường phim chiếu rạp ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Điều đáng buồn là điện ảnh Việt Nam đang nằm ngoài sự sôi động của thị trường phim chiếu rạp.
Vì sao phim Việt thất thế?
Trong khi Việt Nam trở thành thị trường béo bở cho các hãng phim nổi tiếng thế giới thì các hãng phim trong nước vẫn tỏ ra khá lúng túng trong việc tìm lối đi ra rạp. Rất nhiều bộ phim được các giải Bông sen vàng như Những người viết huyền thoại vẫn khó khăn khi tìm đường ra rạp. Mới đây nhất, bộ phim Sống cùng lịch sử ra rạp nhưng không bán được vé. Thậm chí Sống cùng lịch sử được chiếu miễn phí (trong sinh hoạt chuyên đề của Hội nhà văn Việt Nam) nhưng số người đến rạp xem phim cũng vô cùng thưa thớt.
Phim Việt thất thế so với phim ngoại nhập (nhất là phim Hollywood) trước hết bởi kịch bản thiếu hấp dẫn, diễn viên diễn gượng gạo về hình thể, hời hợt về tâm lý. Đặc biệt, kỹ thuật dựng phim, hậu kỳ của chúng ta khó có thể so sánh với các hãng phim nổi tiếng của Hollywood. Điều này khiến khán giả dù rất yêu phim Việt nhưng họ vẫn lựa chọn phim nước ngoài.
Để phim Việt có chỗ đứng trong các rạp chiếu phim trong nước đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả những người có trách nhiệm.
Phim Việt chịu cảnh ế ẩm ngay khi thị trường phim chiếu rạp trong nước sôi động với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng năm 2013. |
Về mặt quản lý, bên cạnh việc “mở cửa” cho phim ngoại cũng cần có chính sách “bảo hộ” các bộ phim trong nước. Chẳng hạn, quy định về số phim Việt được công chiếu tại các rạp. Điều này sẽ tạo cơ hội cho phim Việt có được chỗ đứng trong thị trường phim chiếu rạp.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là sự mạnh dạn của các nhà sản xuất phim trong nước. Để cạnh tranh được với phim ngoại nhập, phim Việt cần có nội dung hấp dẫn, hình ảnh đẹp, kỹ xảo hiện đại… Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các nhà đầu tư, biên kịch và đặc biệt là tài năng của các diễn viên, đạo diễn. Chỉ khi các bộ phim sản xuất trong nước đủ sức “cạnh tranh” với sức hấp dẫn của các phim nước ngoài (đặc biệt là Hollywood), khi đó phim Việt mới có thể tìm được chỗ đứng trong thị trường phim chiếu rạp đang vô cùng sôi động ở nước ta hiện nay.
Quốc Khánh