Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc bỏ thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính trong hoạt động ngân hàng.
Thế giới đã làm từ lâu
Cuộc tranh luận về giữ hay bỏ con dấu trong các hoạt động giao dịch của doanh nghiệp xuất phát từ Hội thảo "Con dấu của doanh nghiệp tại Việt Nam - Sự cải tổ cần thiết" do Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng, nếu bỏ được con dấu, Việt Nam sẽ có bước cải cách lớn trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên với đặc thù riêng liệu ngành ngân hàng việc bỏ con dấu thay thế bằng chữ ký, chữ ký có đảm bảo an toàn giao dịch? Liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, người có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và 3 năm tại Việt Nam.
Trên thế giới giao dịch ngân hàng đã không sử dụng con dấu từ lâu (ảnh minh họa) |
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trên thế giới hoạt động giao dịch kinh doanh của ngân hàng từ lâu không sử dụng con dấu. Ví dụ một văn bản được một ngân hàng gửi đến đối tác chỉ cần chữ ký, chức vụ địa chỉ và thông tin chỉ ngân hàng... người nhận được văn bản nếu chưa tin tưởng độ xác thực của văn bản có quyền kiểm chứng với bộ chữ ký của ngân hàng bằng cách yêu cầu đối tác cung cấp bảng chữ ký để so sánh.
“Khi nhận được văn bản từ đối tác, ngân hàng phải có trách nhiệm chứng minh quyền đại diện của người ký văn bản, do vậy ở các nước trong văn bản giao dịch của ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nói chung với khách hàng hay đối tác đều có 2 chữ ký của người có thẩm quyền. Ví dụ tôi là lãnh đạo một ngân hàng trong văn bản giao dịch bao giờ cũng có chữ ký của tôi và một lãnh đạo khác của ngân hàng có thể là cấp trên, đồng cấp hoặc cấp dưới. Văn bản như vậy coi như có tính pháp lý, đại diện cho ngân hàng”, TS Hiếu cho biết.
Tuy nhiên ở Việt Nam thì quy trình dường như ngược lại khi doanh nghiệp giao dịch dựa trên một chữ ký, một con dấu là văn bản đó có giá trị. Như vậy việc dựa vào một chữ ký, một con dấu dẫn đến rủi ro cao.
Rủi ro được ông Hiếu chỉ ra trong hoạt động ngân hàng nằm 2 khía cạnh, thứ nhất việc dựa vào con dấu, một công cụ dễ làm giả. Thứ hai do chỉ dựa trên một chữ ký của lãnh đạo hoặc đại diện ngân hàng dẫn đến lạm dụng quyền hạn gây thiệt hại cho ngân hàng. Như vậy so sánh hai cách làm trên có thể thấy văn bản giao dịch ngân hàng quốc tế có 2 chữ ký sẽ giảm được vấn đề giả mạo, vấn đề lạm quyền.
“Ở nước ngoài văn bản giao dịch ngân hàng không cần có con dấu, chỉ cần 2 chữ ký của lãnh đạo ngân hàng có chức vụ quyền hạn rõ ràng là có hiệu lực”, TS Hiếu cho biết.
Khi về làm việc ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam, TS Hiếu kể từng thấy lãnh đạo ngân hàng cẩn thận cất giữ con dấu trong két sắt nhưng vẫn có chuyện bị làm giả. “Thậm chí có lần sau khi làm việc khách hàng đã thỏa thuận xong nội dung làm việc đến khi ký kết do quá giờ hành chính cán bộ giữ con dấu ra về nên việc ký kết phải lùi lại hôm sau như vậy phiền hà kéo dài thủ tục hành chính. Do vậy việc bỏ con dấu là cần thiết”, ông Hiếu nói.
Cần một lộ trình
Trước vấn đề cần thay thế con dấu, giảm quyền uy cho con dấu doanh nghiệp đại diện ngân hàng (xin được giấu tên - PV) cho rằng, việc bỏ con dấu thay bằng chữ ký là cần thiết nhưng cần có lộ trình.
Theo đại diện ngân hàng này, hiện nay giao dịch ngân hàng với doanh nghiệp và đối tác quen sử dụng con dấu coi đó là điểm tựa niềm tin, việc thay đổi giảm thủ tục hành chính là cần thiết. Tuy nhiên cần có lộ trình để ngân hàng thích ứng và thông báo đến đối tác nhất là khi các ngân hàng thay đổi lãnh đạo, luôn phiên cán bộ. Bên cạnh đó cần cởi bỏ quy định trong luật, ví dụ Luật Doanh nghiệp năm 2005 xác định, con dấu là tài sản doanh nghiệp và do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng.
Tương tự Nghị định 58/2001/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 31/209/NĐ-CP) thì con dấu được sử dụng, thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức (bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp) và các chức danh nhà nước.
Nói cách khác hiện nay văn bản luận vô tình tạo ra quyền năng riêng cho con dấu, do vậy dù muốn hay không trước mắt ngân hàng vẫn phải dựa trên cở sở con dấu để thực hiện giao dịch.
Cũng liên quan vấn đề bỏ con dấu với hoạt động giao dịch ngân hàng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) cho rằng với giao dịch điện tử hiện nay đã sử dụng chữ ký số thì con dấu vô nghĩa.
Cụ thể ông Toại cho biết theo Thông tư Số: 12/2011/TT-NHNN ngày 17/5/ 2011 Quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó Cục Công nghệ tin học sẽ cung cấp dịch vụ chữ ký số cho ngân hàng. Giao dịch điện tử của ngân hàng hiện nay đều sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử.
Với văn bản giao dịch bình thường (văn bản viết được ký trực tiếp) ông Toại cho rằng dù có con dấu hay không nhưng nếu không có giá trị tài chính thì cũng vô nghĩa. “Một hợp đồng dân sự hay kinh tế đều quy về giá trị tài chính, nếu đóng dấu nhưng không thực hiện thì cũng vô nghĩa”, ông Toại cho biết.
Thêm vào đó với công nghệ hiện nay việc làm giả mạo con dấu rất dễ dàng vì vậy theo ông Toại dù có hàng nghìn con dấu cũng vô nghĩa. Ông Toại cũng cho biết giao dịch ngân hàng trên thế giới không sử dụng con dấu mà chỉ có chữ ký nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý. Do vậy việc bỏ con dấu tức là bỏ sự phụ thuộc vào một công cụ giúp xã hội tiến bộ là việc cần thiết.
Một khảo sát mới đây của CIEM cho thấy hiện có tới 52% doanh nghiệp đề nghị bỏ con dấu, 30% đề nghị cho doanh nghiệp khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước. Chỉ 18% còn lại đề nghị giữ nguyên các quy định như hiện nay. Điều này có nghĩa phần lớn các doanh nghiệp mong muốn có sự thay đổi về con dấu.