Lính hải quân Trung Quốc, hình minh họa. |
Đài Tiếng nói Nước Nga bản tiếng Trung Quốc ngày 14/10 dẫn phân tích của học giả Gennady Yevstafyev bình luận, từ những bức ảnh Bắc Kinh công bố về đường băng mới mở rộng (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ các năm 1956, 1974 đến nay) rất có khả năng sẽ được Trung Nam Hải bố trí chiến đấu cơ.
Mặt khác theo giới phân tích quân sự, có khả năng Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở việc cải tạo nối dài sân bay trên đảo Phú Lâm. Các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) trên đảo này vẫn đang tiếp tục, bao gồm cầu cảng quân sự và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Những dấu hiệu này cho thấy, Trung Nam Hải có thể biến Phú Lâm thành một căn cứ tổ hợp cho hải - không quân Trung Quốc.
Trước đó truyền thông trong và ngoài Trung Quốc cũng đã đưa tin Bắc Kinh triển khai cải tạo (bất hợp pháp), biến đá thành đảo ở đá Chữ Thập, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988) và hoạt động cải tạo này đang được tăng tốc gần đây. Đá Chữ Thập nằm cách bờ biển Việt Nam 250 hải lý, đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng có diện tích gấp đôi đảo Diego Garcia mà Mỹ đặt căn cứ quân sự trên Ấn Độ Dương.
Yevstafyev cho rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ đặt một căn cứ quân sự mạnh tại đá Chữ Thập, mục đích để nhằm thiết lập cái gọi là vùng nhận dạng phòng không, điều Bắc Kinh đã làm ở Hoa Đông tháng 11 năm ngoái (dẫn đến sự phản đối kịch liệt của khu vực và quốc tế).
Từ đó có thể thấy mục tiêu (cái gọi là) lợi ích chiến lược mà Bắc Kinh theo đuổi ở các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp ngày càng cao hơn. Lãnh đạo Trung Quốc nói sẽ biến nước này thành cường quốc về biển và việc tăng cường sự hiện diện quân sự trên tuyến hàng hải huyết mạch ở Biển Đông là để phục vụ cho mục tiêu này.
Hành động của Trung Quốc đương nhiên vấp phải sự phản đối của các quốc gia trong khu vực, đầu tiên là Việt Nam. Yevstafyev cho rằng, căng thẳng Trung-Việt trên Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của khu vực, vấn đề là con đường đối đầu giữa 2 nước trên Biển Đông sẽ còn rất dài.
"Tạm thời tôi chưa thấy dấu hiệu cục diện ở Hoàng Sa có thể biến thành một cuộc đối đầu quân sự. Ngày nay Trung Quốc không để mình rơi vào 2 tranh chấp lãnh thổ cùng một lúc, gồm Biển Đông và biển Hoa Đông. Cần đặc biệt chú ý rằng, Mỹ sẽ đứng về phía các nước đối thủ của Trung Quốc", Yevstafyev bình luận.
Theo vị chuyên gia này, tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông sẽ tiếp tục tình trạng lúc căng, lúc chùng và tạm thời rất có khả năng thỉnh thoảng Trung Quốc lại lặp lại vụ giàn khoan 981 (xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 - tháng 7 vừa qua) để khẳng định cái gọi là sự hiện diện của họ về mặt kinh tế trên các vùng biển. Điều quan trọng là các hoạt động này không mang màu sắc quân sự.
Việc Trung Quốc công bố những bức ảnh về sân bay trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa cũng cho thấy sự lặp lại kịch bản này. Nhưng nó gây chú ý mạnh mẽ với giới quan sát là thời điểm Bắc Kinh tung ra đúng lúc Mỹ vừa tuyên bố nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Về vai trò của Nga, Yevstavfyev cho rằng, Moscow không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nên không có bất cứ lập trường đặc biệt nào. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đã tuyên bố, Moscow cho rằng bất cứ bên thứ 3 nào can thiệp vào vấn đề tranh chấp ở Biển Đông cũng nên mang tính xây dựng.