Ngày 12 tháng 10 năm 2014, tàu quét mìn Vũ Thành số hiệu 846 Type 081 đã biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc |
Hạm đội Bắc Hải biên chế tàu quét mìn Vũ Thành Type 081
Sáng ngày 10 tháng 10 năm 2014, tàu quét mìn mới Type 081 số hiệu 846 mang tên Vũ Thành đã được tổ chức lễ biên chế ở một quân cảng ở Đại Liên, đánh dấu tàu này chính thức bước vào hàng ngũ chiến đấu của Hải quân Trung Quốc.
Tàu Vũ Thành là tàu quét mìn mới nhất do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, thiết kế, hạ thủy vào tháng 9 năm 2013. Tàu này dài 67,6 m, rộng 10 m, lượng giãn nước đầy 1.009,5 tấn.
Tàu này chủ yếu phụ trách tuần tra cảnh giới, hộ tống tàu cá và hàng hải, tiến hành quét mìn, mở đường trên biển, được tối ưu hóa kết cấu trang bị, tăng cường khả năng tác chiến chống thủy lôi.
Lễ biên chế tàu quét mìn Vũ Thành Type 081 ở quân cảng của Hạm đội Bắc Hải |
Trung Quốc đẩy nhanh chế tạo tàu quét mìn mới
Sau khi bước vào thế kỷ mới, Trung Quốc ít nhất đã phát triển 2 loại tàu quét mìn thế hệ mới. Xuất hiện trước tiên là tàu quét mìn được phương Tây gọi là lớp Wocang (Type 802II), chiếc đầu tiên chế tạo ở nhà máy Cầu Tân (Hỗ Đông, Thượng Hải), lượng giãn nước đầy 575 tấn, dài 55 m, rộng 9,3 m, mớn nước 2,6 m, trang bị 1 khẩu pháo 2 nòng 25 mm.
Sau đó, Hải quân Trung Quốc lại nhanh chóng đưa ra một loại tàu quét mìn mới lớp Wochi (Type 081), dài khoảng 65 m, thể tích lớn nhất trong các loại tàu quét mìn của Trung Quốc hiện nay.
Tàu quét mìn duyên hải mới Type 081 của Hải quân Trung Quốc do Viện nghiên cứu 708 Hải quân nghiên cứu phát triển, có lượng giãn nước tối đa 996 tấn, có tính năng tàng hình tốt, khả năng chạy liên tục dài, độ chính xác khi quét mìn cao, có thể ngày đêm quét nhiều loại mìn.
Tàu quét mìn Type 081 đầu tiên là Trương Gia Cảng, hạ thủy năm 2006 tại nhà máy đóng tàu Cầu Tân, Thượng Hải, biên chế ngày 5 tháng 3 năm 2007. Tàu này có lượng giãn nước 996 tấn, trang bị 1 pháo cao xạ 2 nòng 37 mm Type 76F.
Lễ biên chế tàu quét mìn Vũ Thành Type 081 |
Tàu quét mìn Type 081 thứ hai mang tên Hiếu Nghĩa, biên chế ngày 24 tháng 2 năm 2012, tàu này được cải tiến ở đầu tàu, đổi sang trang bị 1 khẩu pháo tự động điều khiển từ xa 1 nòng cỡ 30 mm Type H/PJ14, lượng giãn nước lên tới 1.200 tấn.
Ngày 10 tháng 10 năm 2013, tàu quét mìn Hạc Sơn Type 081 đã được tổ chức lễ biên chế cho Hạm đội Nam Hải tại một quân cảng của hạm đội này. Tàu Hạc Sơn hạ thủy ở nhà máy đóng tàu Giang Môn vào tháng 8 năm 2013, lượng giãn nước gần 1.000 tấn; chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra cảnh giới, hộ tống, quét mìn…
Đến ngày 26 tháng 1 năm 2014, tàu quét mìn mới Thanh Châu số hiệu 845 cũng đã được biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc, lượng giãn nước gần 1.000 tấn.
Nhiệm vụ của tàu quét mìn Thanh Châu chủ yếu là tìm đường, cảnh giới, hộ tống tàu cá và hàng hải, tiến hành quét mìn, mở đường biển. Tàu Thanh Châu là hệ thống quét mìn hải quân thế hệ mới hỗ trợ cho đẩy nhanh phát triển chuyển đổi hải quân, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện thông tin hóa, tiếp tục tối ưu hóa cơ cấu trang bị, nâng cao năng lực tác chiến chống thủy lôi.
Được biết, hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã biên chế 10 tàu quét mìn Type 081 cho các hạm đội lớn trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc, nhất là trên Biển Đông.
Tàu quét mìn Thanh Châu Type 081 của Hạm đội Bắc Hải biên chế ngày 26 tháng 1 năm 2014 |
Số lượng, chủng loại
Ngày 4 tháng 12 năm 2013, mạng “Chiến lược” Trung Quốc cho biết, cuối năm 2013, Hải quân Trung Quốc đã trang bị ít nhất 6 tàu quét mìn thế hệ mới, đang chế tạo 3 chiếc. Đây là kế hoạch chế tạo tàu quét mìn có quy mô lớn nhất thế giới.
Tàu quét mìn mới có thiết bị quét mìn mới và hệ thống quét mìn người máy dưới nước, có khả năng quét mìn rất mạnh, có tính năng cơ bản tương đương với các tàu quét mìn chủ yếu trên thế giới.
Gần đây, trên diễn đàn quân sự Trung Quốc cũng đã có nhiều thông tin (không chính thức) các loại tàu quét mìn của Hải quân Trung Quốc. Cho biết, hiện nay một đại đội tàu quét mìn ở căn cứ Lữ Thuận của Hạm đội Bắc Hải có các tàu quét mìn với tên và số hiệu như sau: Hưng Thành 812, Bàn Sơn 813, Hồ Châu 821, Đức Châu 822, Cù Châu 823, Thanh Châu 845.
Còn một đại đội tàu quét mìn của Khu thủy cảnh Thượng Hải thuộc Hạm đội Đông Hải có các tàu quét mìn có tên và số hiệu là: Thuần An 800, Tượng Sơn 801, Sùng Minh 802, Phụng Hóa 803, Hoắc Khâu 804, Trương Gia Cảng 805, Tịnh Giang 810, Côn Sơn 818. Một đại đội tàu quét mìn của Khu thủy cảnh Châu Sơn thuộc Hạm đội Đông Hải có các tàu quét mìn: Chi Giang 806, Chư Ký 807, Đại Sơn 808, Hải Môn 816, Ôn Lĩnh 817, Kiến Đức 834.
Một đại đội tàu quét mìn của Khu thủy cảnh Quảng Châu thuộc Hạm đội Nam Hải có các tàu quét mìn: Lưu Dương 839, Lô Khê 840, Hiếu Nghĩa 841, Đài Sơn 842, Thường Thục 843, Hạc Sơn 844. Một đại đội tàu quét mìn của Khu thủy cảnh Bắc Hải thuộc Hạm đội Nam Hải gồm các tàu quét mìn: Đại Tân 824, Hoa Dung 825, Dung Giang 826, Quỳnh Sơn 827.
Tàu quét mìn Hạc Sơn Tyoe 081 biên chế cho đại đội 10 Hạm đội Nam Hải ngày 10 tháng 10 năm 2013 |
Về chủng loại, trong số các tàu nêu trên của các hạm đội lớn, tàu quét mìn Type 082 có 4 chiếc lần lượt có số hiệu 800, 801, 802, 803 đều thuộc Hạm đội Đông Hải. Tàu quét mìn Type 082I có 12 chiếc, lần lượt là: các tàu 820, 821, 822, 823 thuộc Hạm đội Bắc Hải; tàu 806, 807, 816, 817 thuộc Hạm đội Đông Hải; tàu 824, 825, 826 và 827 thuộc Hạm đội Nam Hải.
Tàu quét mìn Type 082II hiện có của Hải quân Trung Quốc có 2 chiếc, lần lượt là tàu Hoắc Khâu 804 và tàu Côn Sơn 818 của Hạm đội Đông Hải.
Tàu quét mìn Type 6610 hiện có của Hải quân Trung Quốc gồm có 6 chiếc: tàu số hiệu 812, 813 của Hạm đội Bắc Hải; các tàu 808, 832, 833, 834 thuộc Hạm đội Đông Hải. Tàu quét mìn Type 082 có 4 chiếc đã biên chế, gồm các tàu 800, 801, 802, 803.
Tàu quét mìn mới nhất Type 081 hiện có của Hải quân Trung Quốc đến nay đã có 10 chiếc, lần lượt là tàu Thanh Châu 845, Vũ Thành 846 (2 chiếc, biên chế lần lượt vào ngày 26 tháng 1 và 10 tháng 10 năm 2014) thuộc Hạm đội Bắc Hải; tàu Trương Gia Cảng 805, tàu Tịnh Giang 810 (2 chiếc, biên chế lần lượt vào ngày 6 tháng 3 và 9 tháng 11 năm 2007) thuộc Hạm đội Đông Hải.
Tàu quét mìn Hiếu Nghĩa Type 081, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Ngoài ra, tàu quét mìn mới Type 081 còn biên chế số lượng lớn nhất, lên tới 6 chiếc cho Hạm đội Nam Hải bao gồm: Tàu Lưu Dương 839 (biên chế ngày 29 tháng 7 năm 2007), tàu Lô Khê 840 (biên chế ngày 29 tháng 7 năm 2007), tàu Hiếu Nghĩa 841 (biên chế ngày 24 tháng 2 năm 2012), tàu Đài Sơn 842 (biên chế ngày 6 tháng 8 năm 2012), tàu Thường Thục 843 (biên chế ngày 13 tháng 5 năm 2013), tàu Hạc Sơn 844 (biên chế ngày 10 tháng 10 năm 2013). Nhiều tàu quét mìn Type 081 của Hạm đội Nam Hải được cho là chế tạo ở nhà máy đóng tàu Giang Nam.
Ngoài ra, nhiều diễn đàn quân sự còn bàn luận thêm về nhiều tàu quét mìn khác, trong khuôn khổ bài viết này chưa thể thống kê đầy đủ. Nhiều tàu quét mìn kiểu cũ cũng đang được Trung Quốc từng bước cho nghỉ hưu.
Tàu quét mìn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh hiện đại
Theo mạng “Chiến lược” Trung Quốc, chống thủy lôi, chống tàu ngầm và chống tên lửa là 3 vấn đề nan giải lớn trong chiến tranh biển hiện nay trên thế giới. Tàu quét mìn là loại trang bị chuyên dùng để tìm kiếm và quét thủy lôi, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như mở đường, quét mìn trước khi tác chiến đổ bộ, tuần tra cảnh giới, hộ tống.
“Tàu quét mìn hạm đội” còn được gọi là tàu quét mìn cỡ lớn, lượng giãn nước từ 600 - 1.000 tấn, tốc độ 14 - 20 hải lý/giờ, trên tàu trang bị các loại thiết bị quét mìn, có thể quét thủy lôi bố trí sâu 50 - 100 m.
Tàu quét mìn Trương Gia Cảng số hiệu 805 Type 081 Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc |
“Tàu quét mìn căn cứ” là còn gọi là tàu quét mìn cỡ vừa, lượng giãn nước 500 - 600 tấn, tốc độ 10 - 15 hải lý/giờ, có thể quét thủy lôi sâu 30 - 50 m. “Tàu quét mìn cảng/vịnh” còn gọi là tàu quét mìn cỡ nhỏ, lượng giãn nước dưới 400 tấn, tốc độ 10 - 20 hải lý/giờ, mớn nước nông, cơ động linh hoạt, dùng để quét thủy lôi trong khu nước nông và đường biển hẹp.
“Tàu mẹ quét mìn” có lượng giãn nước hàng nghìn tấn, bao gồm tàu mẹ cung ứng quét mìn, tàu mẹ mang theo tàu quét mìn và tàu mẹ mang theo trực thăng quét mìn.
Thân tàu quét mìn lớp Wocang Trung Quốc có thể sử dụng nhựa thủy tinh (thép pha-lê, GRP) đã làm giảm đặc tính từ tính của nó. Thiết bị đẩy của nó có đặc điểm giảm tiếng ồn, nghe nó có hệ thống thiết bị định vị thủy âm tiên tiến để phát hiện và phân loại thủy lôi, đồng thời có thể sử dụng thiết bị mang theo điều khiển từ xa để kiểm tra và hóa giải mối đe dọa.
Tàu quét mìn từ khi ra đời vào đầu thế kỷ trước đến nay đã được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh. Từ sau thập niên 70 của thế kỷ trước, một số nước đã lần lượt nghiên cứu chế tạo ra tàu quét mìn có kết cấu thân tàu nhựa thủy tinh, tàu quét mìn điều khiển từ xa (tàu và thiết bị quét mìn là một thể thống nhất), tàu quét mìn đệm khí…, đã nâng cao rất lớn độ an toàn cho quét thủy lôi có độ nhạy cảm cao (thông minh).
Tàu quét mìn Thường Thục Type 081 khởi công chế tạo vào tháng 12 năm 2009, hạ thủy vào tháng 5 năm 2012, biên chế cho đại đội 10, Hạm đội Nam Hải vào ngày 13 tháng 5 năm 2013 |
Hải quân Trung Quốc tăng cường tập trận quét mìn
Theo các tờ báo điện tử Trung Quốc ngày 12 tháng 8 năm 2014, gần đây một đại đội tàu quét mìn của Hạm đội Bắc Hải đã lấy chiến đấu thực tế làm bối cảnh, tổ chức cho tàu quét mìn mới triển khai diễn tập quét mìn ở vùng biển lạ, diễn tập đối kháng trong môi trường điện từ phức tạp.
Cuộc diễn tập đã tìm hiểu nghiên cứu ra 10 phương pháp huấn luyện và tác chiến như biên đội tàu chiến quét mìn phối hợp quét mìn, tàu quét mìn trực tiếp yểm trợ cho các tàu quan trọng đi qua khu vực thủy lôi nguy hiểm; thông qua đó rèn luyện tác phong chiến đấu và tăng cường khả năng chiến đấu thực tế trong môi trường biển phức tạp.
Ngoài ra, trên các trang mạng chính thống Trung Quốc cũng cho biết, vào ngày 15 tháng 9 năm 2014, tàu quét mìn Đài Sơn số hiệu 842 Type 081 của một khu thủy cảnh, Hạm đội Nam Hải đã tổ chức quét mìn và đã quét thành công một quả mìn thông minh. Cuộc diễn tập này đã tạo ra 3 kỷ lục mới gồm sử dụng mìn thông minh, nổ cách tàu chiến gần nhất, diễn tập quét mìn trong bối cảnh sát chiến đấu thực tế.
Tàu quét mìn Hoắc Khâu Type 082II, Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc |
Đáng chú ý, từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trong thời gian đó, vào cuối tháng 5 và giữa tháng 6 năm 2014, các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết, xung quanh giàn khoan hạ đặt phi pháp này, trong số trên 100 tàu chiến, tàu kéo, tàu vận tải, tàu cá… bảo vệ giàn khoan, đáng chú ý là Trung Quốc cũng đã triển khai tàu quét mìn, tàu tên lửa tấn công nhanh.
Cụ thể như ngày 18 tháng 6, lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đã phát hiện có 2 tàu quét mìn lớp T43 (Type 6605) của Trung Quốc thả trôi ở gần khu vực giàn khoan 981, đây là loại tàu có lượng giãn nước khoảng 520/590 tấn, dài 60 m, rộng 8,8 m; tốc độ 14 hải lý/giờ, có thể biên chế đến 70 người, có nhiều bệ pháo kích thước khác nhau, trong đó có pháo phòng không.
Hành động có tính chất vũ lực này (không phải đi lại bình thường, mà tiến hành khủng bố, uy hiếp, đe dọa vũ lực đối với Việt Nam) của Trung Quốc được nhiều quan điểm cho là hành vi xâm lược (sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực) trắng trợn, thô bạo của Trung Quốc đối với biển đảo của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực Biển Đông.
Tàu quét mìn Đài Sơn số hiệu 842 Type 081 Hạm đội Nam Hải tập trận quét mìn ngày 15 tháng 9 năm 2014 |
Tàu quét mìn Thanh Châu, Hạm đội Bắc Hải tập trận quét mìn |