Vụ hỗn chiến tại khách sạn: Họ đã thất vọng vì chúng ta như thế

17/10/2014 06:50
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Vụ xô xát xảy ra tại khách sạn Pearl River cho thấy sự xuống cấp về văn hóa ứng xử của bộ phận nhỏ người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài...

Dư luận tỏ ra bức xúc và lên án mạnh mẽ hành động của một nhóm người Việt Nam gây ra vụ xô xát tại khách sạn Pearl River (nằm trên địa bàn quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) hôm 11/10 vừa qua. Điều đáng chú ý, bà Trần Thị Hoàng Mai – Phó Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Hải Phòng lại được coi “đồng phạm”, có mặt trong trong nhóm hành hung một doanh nhân ở Hà Nội và cộng sự của ông là người nước ngoài...

Sự việc sau đó được những người trong cuộc tường trình như sau: Vào tối 11/10, ông Trần Hoài Nam cùng ông Raymond Liew (Giám đốc quản lý chất lượng của công ty Văn phòng phẩm Hải Phòng) và ông Trần Thiết Hùng (Trưởng phòng Kinh doanh Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam) đang hoàn tất thủ tục thuê phòng nghỉ tại khách sạn  Pearl River, bất ngờ bị một nhóm gần chục người lạ mặt, hành hung, gây thương tích nghiêm trọng.

“Trong lúc tôi và cộng sự chờ lấy phòng tại sảnh khách sạn Pearl River, thì bắt gặp một đoàn khách khác gồm 7 người (trong đó có 2 nữ) cũng đến thuê phòng tại đây. Lúc này ông Raymond Liew có trao đổi qua lại với nhóm người này, thì bất ngờ nhóm khách hung hãn, lao vào tấn công ông Raymond Liew...”, ông Nam cho biết.

Đến đây, sự việc đúng sai thế nào còn phải chờ kết quả điều tra, xác minh từ phía cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những gì mắt thấy, tai nghe cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa ứng xử của một bộ phận nhỏ người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài...Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu của chúng ta trong việc hướng đến xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn...

Anh Trần Hoài Nam, một trong những nạn nhân của vụ hành hung
Anh Trần Hoài Nam, một trong những nạn nhân của vụ hành hung

Nỗi thất vọng về cách ứng xử được cho là vô văn hóa của một nhóm người Việt gây ra vụ xô xát xô xát xảy hôm 11/10 vừa qua, đâu chỉ có mình người Việt mới nhận ra. Bởi thật xấu hổ khi nạn nhân của vụ hành hung kể trên có cả người nước ngoài -  Họ đã dành cho chúng ta những lời chỉ trích, lên án cực kỳ cay nghiệt…Quan trọng hơn, qua sự việc, một bộ phận người Việt đã làm mất một phần niềm tin, cách nhìn nhận về đất nước, con người Việt Nam, đã từng được bạn bè quốc tế đánh giá là có mức độ thân thiện vào loại bậc nhất thế giới...

Không lâu sau khi xảy ra sự việc, ông Raymond Liew (Quốc tịch Malaysia) - nạn nhân của vụ hành hung nói trên, chỉ vì quá sợ hãi đã bay về nước để “lánh nạn”. Bức thư sau đó của người đàn ông mang quốc tịch Malaysia gửi đến cơ quan chức năng, bày tỏ sự thất vọng trước cách cư xử của một bộ phận người Việt Nam gây ra vụ hỗn chiến tại khách sạn Pearl River.

Ngoài ra, một người đàn ông khác tên là Li Pak Yeung Venon (Hồng Kông – Trung Quốc) cũng chính là nạn nhân trong vụ hành hung nói trên.

Vụ xô xát xảy ra tại khách sạn Pearl River
Vụ xô xát xảy ra tại khách sạn Pearl River

Lời chỉ trích trên cũng ám chỉ lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hải Phòng. Bởi họ (độc giả, người trong cuộc) đều biết, bà Trần Thị Hoàng Mai – Phó Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Hải Phòng là người “cùng hội, cùng thuyền” với nhóm khách gây ra vụ xô xát kia. Đã có những phút, bà Phó giám đốc sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hải Phòng tỏ vẻ thản nhiên “tọa sơn quan hổ đấu” mà không có bất cứ động thái nào để can ngăn sự việc...

Liên hệ thực tế cho thấy, cũng chẳng hiếm những chuyện lãnh đạo một Sở, ban, ngành có mặt, tham gia trực tiếp trong một vài vụ hỗn chiến đã được dư luận bàn tán ầm ĩ cách đó không lâu (chỉ vụ Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước đánh nhau tại quán nhậu). 

Tuy nhiên, qua những sự việc nói trên, có thể thấy "người lớn" đang thiếu văn hóa nhiều hơn con trẻ, nhất là những người làm lãnh đạo người khác. Và rồi, cũng không quá đáng khi cho rằng, lãnh đạo ngành văn hóa nên “bồi dưỡng” thêm văn hóa ứng xử cho cán bộ văn hóa để họ cư xử cho thêm phần văn hóa.

Trong thư, Raymond Liew tường trình lại sự việc như sau:

Tối 11/10, tôi cùng ông Trần Hoài Nam tiếp ông Li Pak Yeung Vernon và một vài khách khác. Sau khi dùng bữa tối, chúng tôi đưa khách về Khách sạn Pearl River nghỉ. Trong lúc chờ lễ tân xếp phòng cho khách, có một nhóm người bước vào (có hai người nước ngoài và một số người Việt Nam), họ nói chuyện rất ồn ào ở sảnh. Lúc đó, tôi nghe lễ tân nói không còn phòng cho họ nữa. Do bất đồng ngôn ngữ, còn bản thân tôi lại biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nên đứng ra giải thích cho hai người nước ngoài là hết phòng.

Thấy tôi nói vậy, họ giận dữ, mắng chửi và đánh vào mặt tôi. Bị đánh, tôi cố gắng tránh và không chống trả. Khi tôi ngã ra sàn nhà, họ vẫn tiếp tục hành hung. Thấy vậy, ông Trần Hoài Nam vào can ngăn thì bị chúng tấn công. Mặc dù chúng tôi tách ra để tránh bị đánh, nhưng vẫn bị họ lao vào đánh. Những người phụ nữ còn cảnh báo rằng, họ sẽ tống tôi ra khỏi Việt Nam. Tôi nghĩ họ có quyền lực đặc biệt nên sẽ làm bất kỳ điều gì họ muốn. Tôi vô cùng hoảng sợ và cả đêm đó không ngủ được...”.(trích từ lược dịch của báo Kienthuc.net.vn)

Báo điện tử GDVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

QUỐC TOẢN