Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm ba mức như trước

17/10/2014 16:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định thông tin này tại buổi họp báo giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII chiều nay

Lấy phiếu khác bỏ phiếu

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Tại kỳ họp thứ 6 có 49 người được lấy phiếu tín nhiệm, còn tại kỳ họp này có 50 người được lấy phiếu (bổ sung thêm ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội).

Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có điều chỉnh rút kinh nghiệm gì so với lần đầu? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, báo cáo của đối tượng được lấy phiếu có đề cương hướng dẫn cụ thể hơn, tránh trường hợp người viết dài, người viết ngắn.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn thực hiện theo hình thức cũ với 3 mức phiếu đúng như nghị quyết 35. Sau khi lấy phiếu, một số thành viên Chính phủ có số phiếu không cao, các đồng chí phải cố gắng hơn nữa, và tới nay kết quả đã được cử tri ghi nhận là tốt hơn nhiều. Tôi cho rằng, kết quả đánh giá lấy phiếu tín nhiệm là tốt. Đây là kênh tham khảo, đánh giá sắp xếp nhân sự”, ông Phúc cho biết

Trước những băn khoăn về việc phiếu tín nhiệm vẫn để ba mức chứ không sửa lại thành hai mức, ông Phúc nói: “Trung ương đã bàn rất kỹ vấn đề này. Thực ra có khác nhau giữa bỏ phiếu và lấy phiếu. Bỏ phiếu thì hai mức thôi, nhưng lấy phiếu thì ba mức, vì đây là một kênh để đánh giá khảo sát. Nếu mà lấy phiếu cũng chỉ hai mức thì chúng ta bỏ phiếu luôn chứ cần gì phải lấy phiếu.

Vừa qua một số ĐBQH và cử tri cũng có ý kiến là để hai mức thôi, nhưng qua tổng kết thì chưa tới 3% ĐBQH có phát biểu, kỳ họp tới đây có thể sẽ có những phát biểu mới”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, lấy phiếu tín nhiệm vẫn sẽ để ở ba mức như cách làm cũ. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, lấy phiếu tín nhiệm vẫn sẽ để ở ba mức như cách làm cũ. Ảnh: Ngọc Quang.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa.

Lý giải về việc tổ chức họp kín, ông Phúc nói: "Trong quá trình nghe báo cáo thì Quốc hội bàn về các biện pháp đối phó cho nên phải họp riêng chứ không thể đưa hết ra được. Đây là việc thông lệ như các nước khác".

Thảo luận, thông qua 21 luật và nghị quyết

Bà Phan Thị Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội cho biết: Quốc hội làm việc 33 ngày, dự kiến dành 70% bàn về các dự án luật, thông qua 18 dự án luật, 3 nghị quyết. Đây là dự án luật xem xét và thông qua nhiều nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, sau kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo đã được Quốc hội cho ý kiến. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội tập trung xem xét, thông qua các dự án luật: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật giáo dục nghề nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật hộ tịch; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, thông qua ba nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Ngoài ra sẽ có 12 dự án luật trình ra Quốc hội lần đầu, gồm: Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật an toàn vệ sinh lao động; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật thú y.

Đối với công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng có ba nội dung lớn: Một là báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước về hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015"; Hai là "Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông"; Ba là "Về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành".

Ngọc Quang