Bán nhà trên giấy!
Trong đơn tố cáo gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đoàn Thị Minh Loan, Việt kiều Đức phản ánh: Sau nhiều năm bươn chải xứ người, chịu nhiều cực nhọc, gia đình bà Loan tích góp được một khoản tiền và muốn mua một căn nhà ở Việt Nam để về sinh sống. Đầu năm 2011, bà Loan về nước dự định mua một mảnh đất tại Dự án Thanh Hà, do Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 làm chủ đầu tư.
Đơn tố cáo của bà Loan gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. |
Qua giới thiệu, bà Loan được biết vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Ninh - Trần Kiều Trang (bà Trang hiện là Phó khoa Quốc tế - Trường ĐH Thương Mại), trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội muốn bán 1 suất tại Dự án Thanh Hà A. Theo giới thiệu của vợ chồng ông Ninh, bà Trang, ô đất này đang được sở hữu bởi Sàn Giao dịch BĐS Cienco507 do ông Nguyễn Trung Dũng làm Giám đốc.
Ngày 10/1/2011, bà Loan và ông Ninh ký “Hợp đồng mua bán đất, nhà ở”. Theo đó, bà Loan phải đưa cho ông Ninh số tiền hơn 10 tỷ đồng, đổi lại bà Loan sẽ được đặt mua lô đất có ký hiệu A-BT8, ô số 03 thuộc Dự án Thanh Hà. Đến ngày 14/1/2011, thông qua Ngân hàng Sacombank, bà Loan ký séc chuyển cho ông Ninh 10 tỷ đồng. Cùng ngày, vợ chồng ông Ninh, bà Trang ký Biên nhận tổng số tiền của bà Loan là 10 tỷ 272 triệu đồng.
Séc thể hiện bà Loan chuyển cho ông Ninh 10 tỷ đồng. |
Để thực hiện “trót lọt” giao dịch trên, ông Ninh đưa ra “bảo bối” là Giấy nhận tiền đặt mua bán nhà/đất giữa ông và ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Cienco507 đề ngày 01/9/2010. Theo nội dung này, ông Ninh đồng ý chuyển cho ông Dũng số tiền 1 tỷ 358 triệu đồng (40% giá gốc của lô đất A-BT8 ô số 03, diện tích 283m2). Đi kèm với giấy nhận tiền này là 01 phiếu thu đề ngày 01/9/2010, đóng dấu treo của Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình 507.
Ông Ninh có được “bảo bối” trên thì thực hiện “lướt sóng” để thu về hơn 10 tỷ đồng từ bà Loan. Để hợp thức hóa các giao dịch này, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sàn BĐS Cienco507 liền “nhân bản” Giấy nhận tiền đặt mua bán nhà/đất và phiếu thu từ tên ông Ninh thành bà Loan. Trong 02 biên bản và 02 phiếu thu mà phóng viên có được đều đề ngày 01/9/2010, cùng nội dung như nhau nhưng người giao tiền lại khác nhau. Như vậy, ông Dũng đã có dấu hiệu làm giả giấy tờ khi tháng 1/2011 bà Loan mới thực hiện các giao dịch nhưng tháng 9/2010, ông Dũng đã ký giấy biên nhận và xuất biên lai thu tiền đứng tên bà Loan (?!).
Sau hơn 1 năm chờ đợi, đầu năm 2012, bà Loan gửi công văn đến Sàn BĐS Cienco507 để hỏi rõ thông tin thì được ông Nguyễn Trung Dũng thông báo về nước ký Hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi bà Loan về chỉ được chủ đầu tư (Cienco5) ký Biên bản ghi nhớ đề ngày 22/2/2012, nội dung biên bản không nêu bao giờ dự án được phép chuyển nhượng và không nói rõ thời gian dự án hoàn thành.
Có dấu hiệu lừa đảo?
Phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, bà Loan đã thông báo cho vợ chồng ông Ninh biết việc bà chỉ nhận được lời hứa chứ không phải Hợp đồng góp vốn như vợ chồng ông Ninh và ông Dũng cam kết nhưng không nhận được thiện chí giải quyết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 21/8/2010, ông Nguyễn Trung Dũng với tư cách cá nhân ký Hợp đồng số 57/HĐVV cho chủ đầu tư Cienco 5 vay 24 tỷ đồng phục vụ Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (Dự án Thanh Hà). Cùng ngày, chủ đầu tư và ông Dũng tiếp tục ký biên bản ghi nhớ việc chủ đầu tư dành quyền ưu tiên cho ông Dũng trong quá trình chuyển nhượng tài sản được hình thành.
Tại mục 2.1, Biên bản ghi nhớ ngày 21/8/2010 nêu rõ: “Bên B (ông Nguyễn Trung Dũng) không được sử dụng Biên bản này vào việc cam kết hay hứa hẹn với bất kỳ bên thứ ba nào về việc sử dụng một phần, hoặc toàn bộ Tài sản để cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, chuyển giao, tặng cho hoặc huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào...”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và yêu cầu Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đến nay bà Loan chưa nhận được bất cứ thông tin gì từ Cơ quan Công an. |
Như vậy, Biên bản ghi nhớ thể hiện rõ việc chủ đầu tư không cho phép dùng biên bản để chuyển nhượng, huy động vốn dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng sau đó, ông Dũng với tư cách Giám đốc Sàn BĐS Cienco507 mang đi rao bán và nhận tiền đặt mua bán đất/nhà ở của ông Nguyễn Văn Ninh và sau đó là bà Đoàn Thị Minh Loan.
Do nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, bà Loan gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Trung Dũng và vợ chồng ông Nguyễn Văn Ninh, Trần Kiều Trang đến cơ quan chức năng. Ngày 04/3/2013, gia đình bà Loan nhận được thông báo của Công an quận Cầu Giấy kết luận tranh chấp giữa bà Loan với ông Nguyễn Văn Ninh và vợ Trần Kiều Trang là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu phạm tội và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ việc trên.
Không đồng ý với thông báo của Công an quận Cầu Giấy, bà Loan tiếp tục gửi đơn tố cáo đến cơ quan cấp trên. Ngày 19/8/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6910/VPCP-V.I gửi Bộ Công an với nội dung: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được đơn của bà Đoàn Thị Minh Loan (địa chỉ: Altleuben 2, 01257 Dresden, CHLB Đức) tố cáo, phản ánh việc ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Cienco507 và một số người làm giấy tờ giả mạo, chiếm giữ tiền trái pháp luật thông qua việc mua đất tại Dự án Thanh Hà A nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý. Văn phòng Chính phủ chuyển đơn bà Loan đến Bộ Công an để chỉ đạo xử lý theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ biết kết quả.
Tuy Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo, tuy nhiên đến nay đơn tố cáo của bà Loan vẫn "bặt vô âm tín". Câu hỏi đặt ra lúc này là "ông lớn" nào có quyền lợi và đứng phía sau "bảo kê" cho hành vi vi phạm pháp luật của những cá nhân nói trên?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.