Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc vừa có chuyến thị sát bất hợp pháp "chưa từng có tiền lệ" tới quần đảo Trường Sa và quan sát 1 cuộc tập trận trái phép tại đá Chữ Thập. Ảnh: SCMP. |
Tờ Vượng báo Đài Loan ngày 20/10 đưa tin, để tiếp tục phô diễn sức mạnh của mình và bành trướng trên Biển Đông, Trung Quốc đã quyết định xây dựng một sân bay (bất hợp pháp) trên đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) sau khi hoàn thành kế hoạch cải tạo (bất hợp pháp) đá thành đảo nhân tạo, tờ Newsweek Trung Quốc cho biết.
Bộ Ngoại giao nước này ngang ngược tuyên bố rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện bất kỳ hoạt động xây dựng nào trong phạm vi "lãnh thổ của mình". Quân đội Trung Quốc cũng lớn tiếng tuyên bố, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia hay thậm chí cả Đài Loan "không có quyền bình luận" về các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa.
Newsweek nói rằng hoạt động cải tạo ngoài đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một sân bay mới làm căn cứ tiền tiêu cho lực lượng hải - không quân của họ. Hiện tại quần đảo Trường Sa có 4 đường băng do Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan quản lý, "hải quân Trung Quốc chưa có đường băng nào" là lý do, nói đúng hơn là cái cớ để Bắc Kinh xây dựng sân bay trên đá Chữ Thập.
Trước đó Tân Hoa Xã đưa tin quân đội Trung Quốc đã mở rộng (bất hợp pháp) sân bay trên đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1956, 1974 đến nay) và sẽ sử dụng vào mục đích quân sự. Sân bay này sẽ mở rộng bán kính tác chiến cho không quân - hải quân Trung Quốc, nhưng nó vẫn còn quá xa để chi viện không quân cho các lực lượng Bắc Kinh đồn trú (bất hợp pháp) ở Trường Sa.
Newsweek nói rằng, Trung Quốc muốn "ngăn chặn" các hành động quân sự tiềm tàng ở Biển Đông có thể do Việt Nam và Philippines thực hiện dưới sự hỗ trợ của Mỹ, Trung Nam Hải cho rằng cần xây dựng 1 đường băng ở Trường Sa và điều này đặc biệt quan trọng đối với quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang tìm cách hợp tác với Đài Loan ở Trường Sa. Đường băng Đài Loan xây dựng và cải tạo (bất hợp pháp) trên đảo Ba Bình khiến Bắc Kinh rất thèm thuồng và nhiều lần chỉ trích Đài Bắc cho Mỹ sử dụng đường băng này để giám sát các hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Trường Sa. Tuy nhiên thái độ của Trung Nam Hải đã thay đổi sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền ở Đài Loan năm 2008.
Bắc Kinh hy vọng rằng Mã Anh Cửu với quan điểm thân Bắc Kinh hơn những người tiền nhiệm và có đầu óc độc lập sẽ sẵn sàng hợp tác để bảo vệ 1 tuyên bố chung "của người Hoa" ở Biển Đông, đó là yêu sách đường lưỡi bò (vô lý, phi pháp). Mã Anh Cửu đã công khai bác bỏ khả năng bắt tay với Bắc Kinh ở Biển Đông, cụ thể là khu vực quần đảo Trường Sa.
Một nguồn tin nói với Newsweek rằng hợp tác trực tiếp giữa Đài Loan và Trung Quốc ở Trường Sa là không thể trong vòng 15 đến 20 năm tới vì Quốc dân đảng cầm quyền vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, hợp tác chỉ có thể thực hiện trong trường hợp 2 bờ eo biển "thống nhất".
Không giống như Hồng Kông, Đài Loan sẽ được phép giữ lại lực lượng an ninh của mình trong trường hợp thống nhất theo chủ trương 1 nước 2 chế độ của Đặng Tiểu Bình. Giới chức Trung Quốc đang nghiên cứu phương án này và Bắc Kinh hy vọng lực lượng Đài Loan đồn trú trên đảo Ba Bình có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Bắc Kinh thông qua sân bay và cầu cảng của nó trên đảo Ba Bình trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ Việt Nam và Philippines.
Trong một động thái có liên quan, tờ Financial Times ngày 19/10 dẫn lời giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận, chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam cuối tuần qua rất quan trọng vì nó chỉ ra rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều thừa nhận một tai nạn hoặc tính toán sai lầm giữa lực lượng vũ trang 2 nước có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
"Cả hai bên đều sẵn sàng xuất hiện để đạt được một sự hiểu biết về cách ứng phó để ngăn chặn khủng hoảng leo thang" trên Biển Đông, theo ông Carl Thayer. Tuy nhiên Financial Times nhấn mạnh, chiến lược (bành trướng) của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn đang hoạt động. Bắc Kinh vẫn tiếp tục củng cố các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong khi lùi lại một bước (về mặt ngoại giao) trong mỗi cuộc đối đầu với 1 nước láng giềng để tạo nên một phản ứng ngoại giao thống nhất.
Trong trường hợp này, Trung Quốc đã chủ động làm hòa (với Việt Nam) trước khi Bắc Kinh tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở Bắc Kinh trong tháng tới. Việc Trung Quốc rút giàn khoan 981 (hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7) vừa qua là một ví dụ.