Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, trong 9 tháng đã qua của năm 2014 toàn địa bàn Hà Nội xảy ra 124 vụ cháy nổ, làm 18 người chết, 14 người bị thương, tổng thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.
"So với cùng kỳ 2013, số vụ cháy nổ không tăng nhưng số người chết tăng. Địa bàn xảy ra cháy nội thành Hà Nội chiếm tỷ lệ 57%; ngoại thành chiếm 43%; thành phần xảy ra cháy tập trung vào 2 đối tượng lớn là nhà dân (44%); xưởng sản xuất, nhà kho (24%)... Nguyên nhân các vụ cháy do điện, liên quan đến điện chiếm 43%; do bất cẩn sử dụng lửa chiếm 16%", Đại tá Sơn cho hay.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn thông tin về kết quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội chiều nay tại Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quang |
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cũng thông tin chi tiết về hai vụ cháy lớn gần nhất xảy ra vào tối ngày 18 kéo dài tới sáng 19/10 tại Khu Công nghiệp Quang Minh và toà nhà Keangnam.
Vụ thứ nhất, cháy kho của Công ty TNHH Việt Hà tại KCN Quang Minh xảy ra vào khoảng 18h45 phút ngày 18/10. Nhà kho bị cháy có tổng diện tích 13.000m2, có kết cấu khung thép mái tôn tường gạch, được chia ra làm 2 phần. Trên diện tích trên 8000m2 được Công ty Nippon Express thuê làm kho chung chuyển hàng hoá; Phần còn lại là kho gỗ bán thành phẩm của công ty Việt Hà.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 6 tại khu vực cầu Thăng Long đã được điều động đến ngay hiện trường. Lúc này, lửa đã bốc lên quá lớn và lan rộng nên Sở đã điều động tổng cộng 16 xe, vừa chữa cháy vừa cứu thương; có sự hỗ trợ thêm 4 xe của Bộ Tư lệnh Thủ đô và 30 xe chở nước của Công ty Môi trường đô thị cùng tham gia. Tuy nhiên, phải tới 24 tiếng đồng hồ thì lực lượng chức năng mới khống chế hoàn toàn được đám cháy.
Trước những băn khoăn của người dân về công tác chữa cháy diễn ra trong thời gian quá dài, Đại tá Sơn cho biết, sau 3 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã sơ tán toàn bộ số hàng trong KCN ra ngoài; phun nước làm mát, bao vây xung quanh khu vực cháy, ngăn chặn bức xạ nhiệt, chống cháy lan sang các nhà xưởng bên cạnh cũng đều là những kho chứa gỗ lớn. Tuy nhiên, công tác chữa cháy gặp khó khăn do nguồn nước quá ít, bể nước tại KCN chỉ có 100 khối; trụ nước chữa cháy công suất không đáp ứng được yêu cầu, khu vực cháy lại có quá nhiều vật liệu dễ bắt lửa, do đó tới rạng sáng ngày 19/10 thì ngọn lửa mới cơ bản được khống chế.
Theo Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội thì cơ quan chức năng đã tới khám nghiệm hiện trường, nhưng chưa xác định được nguyên nhân vụ hoả hoạn.
Về thiệt hại của vụ hoả hoạn, Đại tá Sơn cho biết: "Vụ cháy không gây thiệt hại về người, không có ai bị thương. Về vật chất thì chưa có thống kê cụ thể, sơ bộ ban đầu thì thiệt hại vào khoảng 130 tỷ đồng. Trong đó, xưởng gỗ và gỗ của Công ty Việt Hà thiệt hại khoảng 30 tỷ, Công ty Nippon thiệt hại khoảng 100 tỷ".
Lý giải về nguyên nhân chữa cháy lâu, sau khi ngọn lửa được dập tắt thì hàng nghìn m2 kho chứa hàng tại đây đã bị thiêu rụi thành tro, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, kho hàng này chứa nhiều vật liệu dễ cháy, đặc biệt là gỗ.
Vụ cháy thứ hai xảy ra tại lô E5 phố Dương Đình Nghệ (sau tòa nhà Keangnam) vào khoảng 21h tối 18/10 trên diện tích khoảng 1000m2, có kết cấu khung thép, mái tôn.
Diện tích cháy thuộc 5 đơn vị, trong đó có một công ty nội thất, một xưởng gỗ, 2 ki-ốt ăn uống. Một số tài sản lớn bị đốt cháy và bị hư hỏng trong đó có 2 ô tô, 2 xe máy... sau 5 giờ đồng hồ đám cháy mới được khống chế hoàn toàn. Thiệt hại về tài sản sơ bộ khoảng 3,5 tỷ đồng.
Đại tá Sơn nói: "Một trong những khó khăn lớn trong tổ chức chữa cháy 2 vụ hỏa hoạn lớn trên là do nguồn nước tại chỗ không có. Sở Cảnh sát PCCC đã tham mưu thành phố tiếp tục xây dựng các trụ nước; các đơn vị cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố phải có trách nhiệm lắp đặt đường nước phòng cháy chữa cháy".