Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc |
Tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore ngày 20 tháng 10 đưa tin, Quân đội Trung Quốc đang đẩy nhanh chuyển đổi hiện đại hóa, đang hình thành năng lực điều động quân sự tầm xa.
Chuyên gia quân sự Nga cho rằng, ngoài tàu sân bay, Trung Quốc cũng đang phát triển năng lực vận tải quân sự hàng không chiến lược để có thể vận chuyển đường không một sư đoàn bộ binh tới bất cứ nơi nào trên toàn cầu.
Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cơ quan nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Nga, ngày 16 tháng 10 đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Vassily Kashin, Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược Đông Bắc Á, Đại học Viễn Đông Nga, cho rằng, từ giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 trở đi, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã trải qua một cuộc chuyển đổi nhanh chưa từng có, mục tiêu là xây dựng thành một đội quân công nghệ cao ngang hàng với Mỹ, Nhật Bản về huấn luyện và trang bị.
Vassily Kashin cho rằng, Trung Quốc đã có tàu sân bay Liêu Ninh và đang chế tạo 2 tàu sân bay khác, tiếp theo Trung Quốc sẽ chuyển sang phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân ngang hàng với tàu chiến Mỹ.
Đồng thời, lực lượng tác chiến đổ bộ cũng đang phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đang chế tạo tàu đổ bộ Type 071, tàu đổ bộ toàn năng Type 081 cũng ở trong giai đoạn thiết kế.
Bài báo còn cho rằng, Trung Quốc đang mua sắm máy bay vận tải quân sự hạng nặng IL-76 và máy bay tiếp dầu IL-78 của Nga, Belarus và Ukraine, đồng thời cũng đang tự nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải hạng nặng Y-20, mục đích là chế tạo được khoảng trăm chiếc máy bay vận tải hạng nặng, đồng thời hình thành năng lực điều động đường không sư đoàn bộ binh tới bất cứ nơi nào trên thế giới.
Trung Quốc đang phát triển máy bay vận tải hạng nặng Y-20 |
Bài báo cho rằng, dựa vào kế hoạch của Bắc Kinh, Quân đội Trung Quốc muốn chuyển hóa thành lực lượng tác chiến thế hệ mới vào năm 2020, thực hiện "thành công chuyển đổi hiện đại hóa quan trọng", sau đó Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng năng lực tác chiến tự thân, đến năm 2050 xây dựng thành công lực lượng vũ trang có thể sử dụng công nghệ thông tin để đánh thắng chiến tranh.
Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành nhà cung ứng vũ khí chủ yếu, đa số vũ khí bán cho các nước bị hạn chế hợp tác kỹ thuật quân sự (lượng xuất khẩu vũ khí cho Pakistan trên 50%).
Ngoài ra, một số hệ thống của Trung Quốc như lựu pháo PLZ-45 155 mm đã rất tiên tiến, đủ để xâm nhập các thị trường cạnh tranh quyết liệt của khu vực Trung Đông như Kuwait, Saudi Arabia và Algeria.
Phương tiện mang theo vũ khí hạt nhân sẽ vượt Mỹ, Nga
Trên phương diện phát triển vũ khí hạt nhân, bài viết cho rằng, phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc rốt cuộc sẽ đi bao xa, hiện còn quá sớm. Nhưng, trên phương diện đa dạng hóa và trình độ kỹ thuật của phương tiện vận tải vũ khí hạt nhân, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Nga và Mỹ, vượt tất cả các nước hạt nhân khác.
Nhưng bài viết cũng cho rằng, sự phát triển của Quân đội Trung Quốc cũng tồn tại một số điểm yếu như vấn đề khó tuyển được binh sĩ có học lực cao.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Côn Luân Sơn số hiệu 998, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Bài viết cho rằng, ngay từ năm 2000, nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng đến năm 2010 tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học trong tổng số binh sĩ gọi nhập ngũ năm 2010 trên 60%. Hiện nay còn chưa thực hiện được mục tiêu này, năm 2009 con số này chỉ có 30%, hiện nay cũng chỉ tăng lên một chút.
Mãi đến cách đây không lâu, an sinh xã hội của quân nhân và gia đình của họ cũng vẫn là một vấn đề lớn. Tuy từ năm 2006 đến năm 2010, tiền lương của sĩ quan đã tăng hơn gấp đôi, đạt 5.373 nhân dân tệ, nhưng thu nhập này còn chưa hoàn toàn có thể cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân.
Trên phương diện năng lực công nghệ nghiên cứu phát triển và sản xuất vũ khí, bài viết cho rằng, vào thập niên 1990 và đầu thế kỷ này, chính quyền Bắc Kinh thừa nhận trình độ công nghệ của Trung Quốc lạc hậu so với các nước công nghiệp hóa, nhưng vào năm 2009 điều này có sự thay đổi.
Sự phát triển của khoa học công nghệ quốc phòng đã thực hiện được bước nhảy 1 - 2 thế hệ, đã rút ngắn khoảng cách với các nhà sản xuất vũ khí và trang bị quân sự quốc tế. Tuy nhiên, chất lượng vẫn là trở ngại chính, hơn nữa trên phương diện nhập khẩu vũ khí tiên tiến, Trung Quốc vẫn chủ yếu lệ thuộc vào nhập khẩu của Nga, đây là một khâu yếu.
Trung Quốc tìm mọi cách xuất khẩu vũ khí để kiếm tiền. Trong hình là máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo |