Vụ việc vật thể ngầm xâm nhập lãnh hải Thụy Điển gần đây đã bộc lộ sự yếu kém trong khả năng chống ngầm của nước này cũng như các thành viên châu Âu, về thách thức trong quan hệ của họ với NATO.
Tuần trước, truyền thông Thụy Điển cho biết quân đội nước này đang tìm kiếm một chiếc tàu ngầm, có thể là tàu của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc này.
Tàu Hải quân Thụy Điển truy lùng tàu ngầm bí ẩn xâm nhập lãnh hải nước này từ tuần trước. |
Hiện Hải quân Thụy Điển vẫn tiếp tục tìm kiếm chiếc tàu ngầm không xác định trên và cảnh báo không loại trừ khả năng dùng vũ lực để buộc nó nổi lên mặt nước.
CNN ngày 22.10 dẫn lời James Stavridis, hiện là Hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts cho biết, cuộc chiến chống ngầm rất phức tạp và khó thực hiện đúng cách.
Khi di chuyển trong đại dương, tàu ngầm có lợi thế ẩn mình rất lớn. Ngoài ra, các núi đá trong biển Baltic có thể giúp cho nó tránh các cuộc truy lùng của tàu, máy bay tìm kiếm.
Ngoài ra, sự cố xảy ra trong bối cảnh Hải quân Thụy Điển đang bị cắt giảm ngân sách đáng kể. Mặc dù lực lượng Hải quân nước này có khả năng và chuyên nghiệp, nhưng họ đã không được đầu tư nhiều vào khả năng tác chiến chống ngầm kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ông cho rằng không chỉ riêng Thụy Điển mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đã cắt giảm ngân sách đối với khả năng chống ngầm của họ.
Mặc dù Thụy Điển không phải là một thành viên của NATO, nhưng là một đối tác mạnh mẽ của liên minh này trong nhiều chiến dịch ở nước ngoài. Do đó, nếu Thụy Điển yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm lạ, NATO có thể sẽ đáp lại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này không có sự giúp đỡ nào như vậy đã diễn ra.
Nga đã lên tiếng gợi ý rằng tàu ngầm lạ trên có thể là của Hà Lan. Nhưng Stavridis cho rằng khả năng này rất khó xảy ra. Ông cho rằng nếu nó là tàu ngầm của các quốc gia khác gặp nạn, chắc chắn họ sẽ liên lạc với các nhà chức trách Thụy Điển tìm cách giúp đỡ.
Stavridis tin rằng đó rất có thể đó là chiếc tàu ngầm của Nga hoạt động thu thập tin tình báo.