Biệt phái viên chức đối với giáo viên phổ thông

24/10/2014 08:56
Luật gia Vũ Thùy Trang
(GDVN) - Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định.

Tôi là viên chức đang giảng dạy bậc trung học cơ sở. Năm trước, tôi nhận quyết định tăng cường đến công tác tại một trường vùng cao. Đến nay, tôi lại nhân được quyết định đi biệt phái có thời hạn . Đề nghị Phòng Tư vấn pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành,việc điều động giáo viên đi biệt phái pháp luật quy định như thế nào?.

Trần Văn Báu

Điều 36 Luật viên chức 2010 quy định về biệt phái viên chức như sau: 1.Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức. 2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định. 3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến. 4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. 5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. 6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức. 7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Đồng thời, tại Điều 26 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định về biệt phái viên chức như sau: 1. Việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách; b) Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định. 2. Thời hạn biệt phái viên chức không quá 03 năm. Trường hợp một số ngành, lĩnh vực đặc thù yêu cầu phải có thời hạn biệt phái dài hơn thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.  3. Cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái tiếp tục quản lý, theo dõi trong thời gian viên chức được cử đi biệt phái. 4. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận viên chức biệt phái có trách nhiệm phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác đối với viên chức đó. 5. Viên chức được cử biệt phái được hưởng quyền lợi quy định tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 36 Luật viên chức.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Căn cứ vào các quy định trên, theo thông tin ông đã cung cấp, ông là viên chức nhận được quyết định đi biệt phái có thời hạn, do đó, các vấn đề về các trường hợp biệt phái, thời hạn biệt phái, các chế độ chính sách hỗ trợ đối với giáo viên được cử biệt phái sẽ được thực hiện như các quy định đã trích dẫn ở trên.

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0938.766.888

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe

Luật gia Vũ Thùy Trang