Sau khi rút giàn khoan 981, Trung Quốc tiếp tục có hành động nguy hiểm, đó là việc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta. Trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cảnh báo: “Đừng ảo tưởng về mối quan hệ với Trung Quốc”.
Mọi việc cốt ở lòng dân
Sau khi bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên án gay gắt, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan 981. Tuy nhiên, các học giả trong và ngoài nước đều cho rằng, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tư tưởng cố hữu là độc chiếm Biển Đông. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để đòi lại chủ quyền ở những nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho đây là một bài toán rất khó chứ không đơn giản và để giải quyết vấn đề này thì quan trọng nhất là sự tụ tâm, tức là người dân tin tưởng ở nhà nước và nhà nước tin tưởng ở nhân dân.
Hiện nay vẫn còn có nhiều việc làm của Chính phủ mà người dân cònbăn khoăn vì chưa được giải thích cụ thể. Tôi cho rằng điều này là hết sức quan trọng, không phải chỉ là vấn đề ngoài Biển Đông, mà quan trọng hơn là còn về nền tảng kinh tế đất nước.
Lương thấp, tham nhũng vặt và những chiếc phong bì bôi trơn
Chúng ta biết rằng nền kinh tế có liên quan nhiều với Trung Quốc. Trung Quốc là một nước láng giềng lớn ở bên cạnh, và nếu biết cách khai thác thì sẽ đem lại nhiều kết quả thiết thực với nước ta. Nhưng dường như những gì đang diễn ra thì chưa đạt được mong muốn như vậy.
Tôi nói là ngay cả về mặt lập pháp cũng có vấn đề, bởi vì khi có hiện tượng nảy sinh thì họ lách được luật, ví dụ như chuyện cho thuê đất, chuyện đấu thầu... Vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng chấn chỉnh.
Đây là nhiệm vụ của toàn dân. Lâu nay, chúng ta chỉ nghĩ là Chính phủ đứng ra gánh vác là chưa đúng. Tôi cho rằng bản thân người dân cũng phải có ý thức trong vấn đề này. Thí dụ, đơn giản nhất là chuyện của một doanh nhân. Đương nhiên kinh doanh thì phải tìm đến cái lãi, nhưng anh phải nghĩ đến cái lợi chung của quốc gia để tìm ra phương thức nào tốt nhất.
Nhìn rộng hơn, nhà nước cũng phải tìm được những biện pháp tránh sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Tôi nghĩ tuyên bố là tốt, nhưng phải làm thực tế. Dù sao thì lần này trong những báo cáo của Chính phủ cũng đã nói thẳng tên Trung Quốc chứ không còn phải ám chỉ gì, tôi cho đó cũng là sự thay đổi nhận thức, những việc như thế cần phải được công khai.
ĐBQH Dương Trung Quốc: "Đừng ai ảo tưởng về mối quan hệ với Trung Quốc". Ảnh: Ngọc Quang. |
Nhiều người vẫn còn nhớ ở kỳ họp thứ 5, ông đã có một bài phát biểu ấn tượng trên nghị trường, cảnh báo: “Chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với một nước Trung Hoa đang trỗi dậy, luôn gợi lại những bài học quá khứ của ông cha ta phải đương đầu”. Những diễn biến trong thời gian qua quả đúng như vậy. Theo ông, chúng ta nên ứng xử thế nào với những hành động thô bạo của Trung Quốc?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi không dám có cao kiến gì. Chỉ biết rằng với những diễn biến Trung Quốc tạo ra thời gian qua thì có thể ví như là họ đang đánh cờ thế với ta. Họ tính vài bước, còn ta cứ tính từng bước một, tức là chúng ta ứng phó nhiều hơn là có một sự chủ động.
Truyền thống của ông cha chúng ta luôn luôn đặt hòa hiếu làm mục tiêu, nhưng phương thức đạt được mục tiêu ấy chính là nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, chứ không phải là chúng ta cứ nhún nhường thì sẽ đạt được. Việt Nam muốn thế giới biết rằng, chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng, nhưng nhân nhượng cũng phải có giới hạn của nó.
Trung Quốc sẽ không thay đổi
Có một điều rất rõ là Việt Nam luôn tôn trọng hòa bình, luôn muốn giải quyết mọi vấn đề trên nguyên tắc ngoại giao. Tuy nhiên, sau khi rút giàn khoan, Trung Quốc lại tiếp tục các hoạt động xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Dường như họ đang phớt lờ thiện chí của chúng ta?
Ông Dương Trung Quốc: Những diễn biến xây dựng trái phép gần đây tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta cho thấy Trung Quốc sẽ không thay đổi đường lối và vì vậy đừng có ai ảo tưởng về mối quan hệ này.
Công chức ma, hưởng lương không làm việc, chỉ muốn làm quan
Phải nói rằng trong thời gian gần đây nhìn vào hoạt động đối ngoại của nhà nước, chúng ta đã làm được nhiều việc rất mạnh và tạo được những hiệu ứng rất tốt. Chúng ta đã đưa được vấn đề trở thành lợi ích chung của thế giới, là sự chuẩn mực của thế giới hiện đại, tôi cho rằng đấy là một định hướng đúng.
Tuy nhiên, có một điều khác mà tôi luôn muốn nhấn mạnh, đó là cần sự đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân. Đây là vấn đề khó cần sự tin tưởng và giao phó, có những vấn đề không thể nói công khai ngay được, nhưng quan trọng là phải xây dựng niềm tin, không chỉ là niềm tin giữa các quốc gia mà quan trọng hơn nữa là niềm tin ngay trong nội bộ quốc gia.
Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm thì những cuộc chiến với mọi triều đại đến từ phương Bắc đều không phải do chúng ta chủ động tấn công, nhưng luôn bình tĩnh bảo vệ được nền độc lập. Nhưng dường như chính vì đất nước ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với một nước Trung Hoa hiện đại đang muốn trỗi dậy, cho nên cuộc đấu tranh sẽ khó khăn hơn nhiều lần những gì ông cha ta từng phải đương đầu?
Ông Dương Trung Quốc: Chỉ có thấm nhuần những bài học về lịch sử thì mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Chúng ta có truyền thống chống ngoại xâm, có thể hiện tại chưa đủ tiềm lực nếu đó chỉ thuần tuý là cuộc đương đầu về sức mạnh, giống như trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử. Những thế lực xâm chiếm ban đầu bao giờ cũng rất mạnh, trước những thử thách ấy, chúng ta không có cách nào khác là phải kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền. Ví như thời kỳ bị thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta đã có gì trong tay đâu, thậm chí lúc đó nước ta còn không có bất kỳ một đồng minh nào, nhưng vẫn từng bước vượt qua mọi khó khăn để giành chiến thắng cuối cùng.
Hãy nhìn vào lịch sử để chúng ta có lòng tin. Như lời Bác Hồ đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Trân trọng cảm ơn ông!