Khủng hoảng Ukraine: Phương Tây thất bại vì không đoán được Putin

27/10/2014 14:19
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và mục tiêu tiếp theo của ông là làm tê liệt Kiev.

Tờ Business Week dẫn lời các chuyên gia cho rằng có thể nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và mục tiêu tiếp theo của ông là làm tê liệt Kiev và củng cố sự ủng hộ tại Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang khiến Ukraine và đồng minh phương Tây đau đầu đối phó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang khiến Ukraine và đồng minh phương Tây đau đầu đối phó. 

Tờ báo dẫn lời George Soros, một tỷ phú sinh ra tại Hungary cho rằng ông Putin đã tỏ ra "cao hơn một cái đầu" so với Liên minh châu Âu trong cuộc khủng hoảng và đang lợi dụng mong muốn của họ để tránh một cuộc xung đột quân sự với Nga. 

Trong khi đó theo Soros, chính quyền Kiev đang được hỗ trợ bởi một nhóm đồng minh "ít chất xám" đằng sau và nền kinh tế Ukraine đang khủng hoảng trầm trọng. 

Gérard Araud - Đại sứ Pháp tại Mỹ thừa nhận với Bloomberg hôm 22/10 rằng ông Putin đã giành được phần thắng trong cuộc khủng hoảng Ukraine vì "chúng tôi không sẵn sàng chết cho Kiev". 

Trong bài phát biểu phản ánh quan điểm cá nhân, Đại sứ Araud so sánh ông Putin với một người chơi poker đã đánh lừa được các đối thủ khác để giành chiến thắng. 

Peter Wittig, Đại sứ Đức tại Mỹ nói với Bloomberg gần đây rằng, Tổng thống Putin đã giành được thế thượng phong trong cuộc khủng hoảng Ukraine bởi phương Tây không thể phán đoán được các bước đi tiếp theo của ông.

Tỷ phú Hungary - George Soros, người cho rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 ở Ukraine, ông Putin chỉ cần ngồi và chờ sự sụp đổ kinh tế, tài chính của láng giềng.
Tỷ phú Hungary - George Soros, người cho rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 ở Ukraine, ông Putin chỉ cần ngồi và chờ sự sụp đổ kinh tế, tài chính của láng giềng. 

Radek Sikorski - Chủ tịch Quốc hội, cựu Ngoại trưởng Ba Lan từ năm 2007 đến tháng 9/2014 - trong cuộc phỏng vấn hôm 19/10 với Politico cho biết, Tổng thống Putin đã sử dụng cuộc xung đột tại láng giềng Ukraine để củng cố sự ủng hộ trong nước bằng cách khơi dậy lòng yêu nước của người Nga.

Liam Halligan - một nhà báo và nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về Nga tại Anh - lại dự đoán rằng: Phương Tây sẽ đầu hàng trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Nga.

Trong bài viết đăng trên tờ Spectator xuất bản ngày 18/10, ông Halligan nhận định, các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga đang tạo ra các tác động ngược gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Đức và Pháp. 

Cho đến thời điểm này, Tổng thống Putin vẫn giữ thế thượng phong khi mùa đông đang đến gần và nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu phụ thuộc vào Nga, ông nói thêm.

Hơn nữa, các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine đã nhấn mạnh đến sự thất bại của các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế sự can thiệp của Nga ở đây.

Gérard Araud - Đại sứ Pháp tại Mỹ: Khả năng lớn là ông Putin sẽ tiếp tục để phương Tây thấp thỏm dự đoán động thái tiếp theo của mình là gì và khi nào mọi thứ sẽ dừng lại.
Gérard Araud - Đại sứ Pháp tại Mỹ: Khả năng lớn là ông Putin sẽ tiếp tục để phương Tây thấp thỏm dự đoán động thái tiếp theo của mình là gì và khi nào mọi thứ sẽ dừng lại.

Động thái tiếp theo của Tổng thống Putin là gì? Làm thế nào phương Tây có thể ứng phó với nó? Đó là những câu hỏi đang được nhiều chính trị gia phương Tây, các nhà phân tích đặt ra từng giờ nhưng chưa thể tìm thấy câu trả lời. 

Tỷ phú Soros cho rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 ở Ukraine, ông Putin chỉ cần ngồi và chờ sự sụp đổ kinh tế, tài chính của láng giềng. 

Lý giải cho lập luận này, ông Soros cho rằng phương Tây phải bơm ngay lập tức ít nhất 20 tỷ USD tiền mặt cho Ukraine mới có thể ngăn chặn được nền kinh tế của quốc gia này sụp đổ. Và họ cần phải cung cấp cho Kiev hàng chục tỷ USD nữa để cải cách kinh tế cơ bản.

Nhà báo Halligan cho biết, mặc dù Tổng thống Putin sử dụng tình trạng tài chính tuyệt vọng của Ukraine như một đòn bẩy chống lại phương Tây vì ông biết rõ chính Mỹ và EU đang đau đầu vì các vấn đề kinh tế và không có khả năng hỗ trợ Ukraine hàng tỷ USD. 

Ông Halligan nói rằng để cứu được nền kinh tế Ukraine cần phải có thêm tiền của cả Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện Bắc Kinh có lập trường ủng hộ Nga và Moscow sẽ không thuyết phục đồng minh và bản thân mình chi tiền nếu phương Tây không dừng xử phạt hoặc đưa ra một cam kết rõ ràng như vậy.

Khả năng lớn là ông Putin sẽ tiếp tục để phương Tây thấp thỏm dự đoán động thái tiếp theo của mình là gì và khi nào mọi thứ sẽ dừng lại, Đại sứ Araud nhận định./.

Nguyễn Hường