Khủng bố IS cai trị Mosul, Iraq. |
The Guardian ngày 27/10 đưa tin, nhiều người Hồi giáo dòng Sunni ở thành phố Mosul, Iraq đã vui mừng thấy quân chính phủ rút chạy khi lực lượng khủng bố IS tấn công, nhưng cuộc sống của họ giờ đây còn tồi tệ hơn cả thời Saddam Husein.
Điều kiện sống ở thành phố này đã xấu đi nhanh chóng sau khi IS chiếm đóng. Lương thực, thực phẩm, nước uống thiếu hụt nghiêm trọng và không một tổ chức nào hoạt động. Nền kinh tế địa phương trong tình trạng gần như sụp đổ.
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn, người dân địa phương này vẽ ra một bức tranh ảm đạm dưới sự cai trị của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Sự bất mãn của người Sunni với IS đang ngày càng gia tăng, hầu hết các cửa hàng dịch vụ đã đóng cửa, các hoạt động tư nhân cũng như các dự án do chính phủ tài trợ bị đình trệ. Hàng ngàn người thất nghiệp.
Những tháng gần đây IS đã tổ chức tấn công một loạt các địa điểm và giành thắng lợi, chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria. Chúng đang bao vây thị trấn Kobani ở Syria cũng như thành phố Anbar phía Tây Iraq.
Cư dân Mosul nói rằng thực tế đang diễn ra ở thành phố này khác xa với những gì IS tuyên truyền. Họ không có gì cho mùa đông lạnh giá sắp tới. Nhiều người bây giờ không có thu nhập trong khi giá cả hàng hóa tăng vọt từng ngày. Rác chất đống khắp nơi trong thành phố không có ai thu dọn.
Ziad, một công nhân xây dựng 34 tuổi nói với The Guardian, phần lớn thời gian anh ở nhà lo lắng về tương lai của gia đình. Không có công việc, dù có thì chủ sử dụng lao động cũng trả lương rất thấp.
"Chúng tôi chỉ được sử dụng điện 2 giờ trong 4 ngày, thậm chí có khi cả tuần", Khaleda, một nhân viên nhà nước 49 tuổi cho biết. Có máy phát điện riêng để cung cấp điện bổ sung, nhưng người dân không có tiền để trả. Trước đây thời Saddam Husein người dân còn được cung cấp khẩu phần ăn bao gồm đường, gạo, dầu ăn và bột mỳ. Nhưng chúng đã bị cắt khi IS cai trị Mosul.
Khi IS chiếm Mosul, nhiều người theo dòng Hồi giáo Sunni đã chịu đựng gánh nặng do chính sách phân biệt tôn giáo của cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki gây ra đã cảm thấy hạnh phúc khi quân đội và cảnh sát chính phủ phải tháo chạy. Nhiều người dân Mosul đã kết luận rằng IS tồi tệ hơn những gì họ đã phải chịu đựng trước đó.
Trong những tháng gần đây, một bầu không khí của đàn áp và đe dọa đã bao trùm Mosul. IS đã buộc những người theo đạo Thiên Chúa hay các nhóm dân tộc thiểu số khác phải rời khỏi Mosul.