Sáng nay tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng đã trình bày về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với mức tổng đầu tư khái toán giai đoạn 1 là 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng). Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo mới chỉ đưa những thông tin triển vọng chứ không đề cập tới rủi ro, do đó chưa có đủ căn cứ để Quốc hội quyết định.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Quốc hội sáng nay. Ảnh: TTBC. |
Theo báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong giai đoạn đến năm 2030, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Việt Nam sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời dự báo đến những năm 2015, 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của Việt Nam đạt tương ứng 55 triệu, 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm. Trong đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là khu vực TP.Hồ Chí Minh được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách thông qua vào năm 2030.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nước ta nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh và ổn định nhất trên thế giới; hiện đang quản lý điều hành 2 vùng thông tin bay (FIR) Hà Nội và TP.HCM với những đường hàng không nhộn nhịp nhất thế giới; có nền chính trị ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu cao, ổn định; dân số 90 triệu người, đứng thứ 2 trong khu vực; tiềm năng du lịch to lớn; đông kiều bào tại nước ngoài. Với các yếu tố đó, thị trường hàng không Việt Nam có tính cạnh tranh cao, đứng đầu về tốc độ phát triển trong khu vực.
Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp, Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, lượng khách thu hút đến với sân bay Long Thành là dự báo “trên trời”, đề nghị phải cân nhắc hết sức cẩn trọng tính khả thi và hiệu quả dự án (trong đó bao gồm cả nợ công); đấy là chưa kể tới đời sống người dân vùng giải tỏa, dự kiến thu hồi khoảng 5.000 ha đất, khoảng hơn 4.000 hộ dân với hơn 14.000 người.
"Nhiều dự án công trình quốc gia đã thông qua khi đi vào triển khai tới giờ đã thấy hệ lụy về sinh kế. Không phải chúng ta giải tỏa, di dời là xong, mà sau đó phải quan tâm tới đời sống của người dân vùng giải tỏa như thế nào, sinh kế lâu dài sẽ như thế nào?
Đấy là chưa kể liên quan tới tổng mức đầu tư, dự kiến trong phương án bồi thường thành hai giai đoạn. Tính toán tổng mức bồi thường thiệt hại có đúng không vì Luật đất đai 2013 quy định giá đất cụ thể, phải tính toán mặt bằng theo giá thị trường xác định theo hàng năm của dự án. Giờ anh tính tới 2019 tôi đã thấy sợ rồi, còn phân kỳ tới 2026 nữa, mà lại đưa ra dự toán hơn 20.000 tỷ đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng là phải hết sức cân nhắc", Đại biểu Minh nêu vấn đề.
Đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị cân nhắc thận trọng khi dự án có ảnh hưởng tới 14 nghìn người dân. |
Cũng theo Đại biểu Minh, còn một điểm rất quan trọng nữa là Luật đầu tư công đã quy định dự án phải đưa ra tổng mức đầu tư, nhưng cũng chưa thấy cam kết của Chính phủ không cho phép tăng tổng mức đầu tư của dự án để ĐBQH yên tâm.
“Tôi đề nghị phải làm rõ chỗ này. Khi ĐBQH bấm nút quyết định một chủ trương đầu tư thì phải biết tương đối cụ thể. Theo tôi phải làm qua quy trình hai kỳ họp, lần này đồng ý cho Chính phủ lập đề án khả thi. Sau đó tất cả mọi việc đặt lên bàn để Quốc hội xem xét thận trọng, khách quan. Tôi đồng ý về chủ trương, nhưng tôi đề nghị là cho chủ trương lập dự án khả thi, báo cáo QH tại kỳ họp sau để xem xét quyết định có được làm hay không. Có những dự án trọng điểm QH phải bàn đi bàn lại mấy kỳ họp cơ mà.
Trong tờ trình của Bộ GTVT xin một số cơ chế đặc biệt cũng phải rất thận trọng chỗ này, vì cơ chế đặc biệt cũng chính là ngân sách nhà nước đầu tư vào đây, thí dụ như nhập khẩu một số thiết bị xây dựng cảng hàng không này; hay dùng tiền cổ phần hóa của Tổng công ty hàng không để đầu tư vào dự án này… thực tế đây chính là tiền Nhà nước. Cho nên khi xem xét phải hết sức thận trọng, vấn đề này còn liên quan tới nợ công”, ông Minh nói.
TS.Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đại biểu đoàn Sóc Trăng): “Quốc hội đồng ý về chủ trương thì Chính phủ mới triển khai tiếp được. Trong báo cáo đấy, Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình những vấn đề mà các chuyên gia đã nêu, chứ giờ chưa có điều kiện thì chưa làm được. Trong luật định, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sau đó mới làm báo cáo khả thi rồi mới duyệt dự án. Hiện giờ, chúng ta mới ở giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư”.
Trước đó, tại một phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6 vừa qua, ông Lê Văn Học – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cũng đề nghị Chính phủ xem lại quy hoạch cảng hàng không, sân bay.
Ông Học phát biểu: "Trong thời gian qua, báo chí và các nhà khoa học đã lên tiếng rất nhiều về quy hoạch cảng hàng không và sân bay của nước ta. Nhiều sân bay quá, có những sân bay chỉ cách nhau hơn 100km, thí dụ như sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi, sân bay Thanh Hóa... và sẽ xây dựng sân bay rất lớn là sân bay Long Thành, tốn rất nhiều kinh phí, trong khi đó chúng ta đã có 4 sân bay quốc tế vệ tinh gần sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Long Thành, đó là sân bay Phú Quốc, sân bay Cần Thơ, sân bay Cam Ranh và sân bay Đà Lạt".
Theo ông Học, hiện tại chưa cần mở rộng thì 4 sân bay vệ tinh nói trên đã đủ khả năng đạt đến hơn 20 triệu hành khách/năm đến năm 2020 và năm 2025.
Thí dụ từ số liệu thống kê của TP.HCM hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất có 76.800 chuyến/năm, trong khi số liệu để làm dự án sân bay Long Thành hoặc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì lấy số liệu là 120 nghìn chuyến/năm, như vậy gấp 1,5 lần. Vậy theo số liệu của TP.HCM thì đến năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất chưa hề quá tải.
Ngoài ra, phải dựa vào một số tiêu chí khác để điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không, sân bay. Thí dụ, vận tải hàng không có số lãi trên số vốn rất thấp, 10 năm qua thị trường vận tải hàng không quốc tế lỗ hơn 50 tỷ USD, có số lãi chỉ khoảng 5%, có lúc lãi -4% như năm 2001 vì có vụ khủng bố 11/9.
"Ngành hàng không dân dụng và giao thông vận tải không thể dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch gây lãng phí, hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội", ông Học nói.