Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi |
Ấn Độ đã có 5 lô dầu khí ở Biển Đông
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 30 tháng 10 đăng bài viết tuyên truyền cho rằng "Báo Ấn Độ: Ấn Độ khai thác thêm 2 lô dầu khí ở Biển Đông, Ấn-Việt chống lại Trung Quốc".
Bài báo dẫn tờ "The Times of India" Ấn Độ ngày 29 tháng 10 cho biết, ngày 28 tháng 10 Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, doanh nghiệp hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác khai thác dầu mỏ ở Biển Đông. Việt Nam trước đó cung cấp 5 lô cho công ty Ấn Độ khai thác, Ấn Độ đã tiếp nhận 2 lô, những lô này được bài báo cho là "đều nằm trong lãnh thổ mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền" (yêu sách này là bất hợp pháp và vô giá trị).
Trên thực tế, 2 lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Trung Quốc không có bất cứ quyền lợi gì ở 2 lô này, Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, không thể vẽ bậy ra bản đồ rồi đòi chủ quyền và quyền lợi biển một cách tùy tiện và hết sức lố bịch.
Theo bài báo, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, công ty con OVL của Công ty dầu mỏ và khí đốt (Oil and Natural Gas Corporation, ONGC) Ấn Độ ngày 28 tháng 10 đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, công ty Ấn Độ sẽ có 40% cổ phần ở lô 102/10, 50% cổ phần ở lô 106/10, 2 lô này đều nằm ngoài phạm vi lãnh thổ yêu sách (bất hợp pháp) của Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi |
Công ty Việt Nam sẽ giữ 50% cổ phần ở lô 128 của công ty OVL trên Biển Đông (vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam), lô này do triển vọng kinh tế ảm đạm, công ty Ấn Độ từng chuẩn bị rút đi, nhưng do Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ khuyến nghị, yêu cầu họ kéo dài thời gian thăm dò.
Bài báo cho biết, công ty OVL năm 1988 đi vào thị trường Việt Nam, nhận được quyền khai thác lô 06.1, lô này hiện đã sản xuất khí đốt. Năm 2006, công ty OVL được trao quyền thăm dò lô 127 và lô 128. Báo Trung Quốc tự tiện cho rằng 2 lô này đều "thuộc khu vực tranh chấp", lô 127 do không thấy dầu đã bị bỏ đi, lô 128 vẫn đang thăm dò.
Tờ "Indian Express" cho rằng, Trung Quốc rất "nhạy cảm" (vô lý) đối với việc Ấn Độ khai thác dầu khí ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 28 tháng 10 cho rằng, Trung Quốc không dị nghị về việc các nước liên quan triển khai hợp tác dầu khí chính đáng, hợp pháp ở "vùng biển không có tranh chấp". Nhưng, nếu hợp tác này gây thiệt hại cho "chủ quyền và quyền lợi" của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ "kiên quyết phản đối".
Một trang mạng Ấn Độ ngày 29 tháng 10 cho rằng, công ty Ấn Độ đã tham gia khai thác 3 lô ở khu vực Biển Đông, cộng với 2 lô ký kết ngày 28 tháng 10, Ấn Độ đã tham gia thăm dò, khai thác 5 lô dầu khí ở Biển Đông.
Việt-Ấn ký kết các văn kiện hợp tác |
Theo tờ "First Post", khi tổ chức họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 28 tháng 10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Chính phủ Ấn Độ luôn tập trung tăng cường tham gia vào các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương, điều này rất quan trọng đối với tương lai của Ấn Độ, trong khi đó, Việt Nam ở tuyến đầu nhất của kế hoạch này.
Ngoài khai thác dầu mỏ, Ấn Độ sẽ còn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam. Tờ "First Post" cho rằng, Ấn Độ quyết định cho Việt Nam vay một khoản tín dụng 100 triệu USD, cung cấp 4 tàu tuần tra hải quân cho Việt Nam, kế hoạch này sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 29 tháng 10 đăng bài viết "Việt Nam lôi kéo Ấn Độ can thiệp Biển Đông: mua vũ khí, khai thác dầu khí".
Bài viết cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam ngày 28 tháng 10 đã ký kết một thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, điều này rất có thể "chọc giận" Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố, tàu của Ấn Độ sẽ được phép đến khu vực Biển Đông, cho dù Trung Quốc bày tỏ cái gọi là "phản đối" (vô lý, vô hiệu).
Việt-Ấn tăng cường hợp tác chiến lược |
Trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ ở nhiều cấp độ với các nước Đông Nam Á. Vì tình hữu nghị và giao lưu, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục cho phép tàu của các nước trong đó có Ấn Độ thăm Việt Nam".
"Việt Nam hy vọng Ấn Độ - nước có tầm quan trọng ngày càng tăng lên - đóng góp tích cực và có trách nhiệm cho bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực này và thế giới".
Theo hãng AFP Pháp, Thủ tướng Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, củng cố "liên minh khu vực" trong thời điểm quan hệ Việt-Trung xấu đi.
Tờ "Le Monde" Pháp ngày 28 tháng 10 cho rằng, Việt Nam hy vọng kiềm chế tham vọng biển đảo (bất hợp pháp) của anh láng giềng Trung Quốc (xấu bụng), sau khi xích lại gần với Mỹ và Nhật Bản, hiện nay Việt Nam lại chuyển hướng tới một "đối thủ" khác của Bắc Kinh, đó là Ấn Độ.
Bài báo nhắc đến khoản tín dụng 100 triệu USD Ấn Độ cho Việt Nam vay để mua sắm quốc phòng. Ngoài ra, Việt Nam cũng có cơ hội mua sắm vũ khí từ Mỹ, bởi vì Mỹ vừa tuyên bố nới lỏng cấm vận xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam vào ngày 2 tháng 10 năm 2014. Washington cho rằng, điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải.
Hợp tác Việt-Ấn đem lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước |
Báo Trung Quốc dẫn lời “nhà nghiên cứu Selina Marange, Học viện nghiên cứu chiến lược, trường quân sự Pháp” cho rằng, Washington "sử dụng Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc".
Theo bài báo, Việt Nam đang từng bước xây dựng "tuyến phòng thủ" mang tính khu vực để ứng phó với yêu sách chủ quyền của "láng giềng mạnh" (và xấu tính, tham lam vô đáy, có mưu đồ bành trướng lãnh thổ biển đảo bằng vũ lực, xâm lược).
Một số nhà phân tích cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ đều tồn tại “tranh chấp lãnh thổ” với Trung Quốc, Việt Nam đang tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Ấn Độ đang thực hiện chiến lược “hướng Đông”, muốn có dầu mỏ ở Biển Đông, muốn bảo vệ lợi ích chiến lược ở khu vực, ngăn chặn vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á.