Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Narendra Modi tại New Delhi. |
Tờ Deccan Chronicle ngày 31/6 bình luận, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển thịnh vượng và đang đi đúng hướng. Điều này trái ngược với mối quan hệ Việt - Trung đã xấu đi kể từ khi Trung Quốc cất quân xâm lược Việt Nam năm 1979.
Chính căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung đã trở thành chất xúc tác tự nhiên để Việt Nam mở rộng quan hệ với Ấn Độ, một cường quốc châu Á có sức mạnh ngày một gia tăng. Đồng thời, người Việt còn xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Mỹ ở phương Đông.
Chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây diễn ra trong bối cảnh này. Nó mang thông điệp hai bên cho là thận trọng nhưng không sợ hãi để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, năng lượng trước các việc làm phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ lưu ý, hợp tác quốc phòng Việt - Ấn là một trong những chính sách quan trọng nhất của New Delhi. Ấn Độ cam kết giúp Việt Nam hiện đại hóa lực lượng an ninh, quốc phòng của mình.
Trong một động thái khác có liên quan, tờ Bloomberg News ngày 30/1 bình luận, phát triển lực lượng tàu ngầm là mục tiêu hàng đầu của Tập Cận Bình. Nhưng Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực khó chịu và cảnh giác vì những hành động khẳng định yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Sự đột phá của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc qua eo biển Malacca ra vào Ấn Độ Dương là nguyên nhân khiến Ấn Độ khó chịu. Khi vừa nhậm chức Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố rằng sẽ tăng cường phòng thủ để không ai dám nhìn Ấn Độ một cách khiêu khích ác ý. Trước hết New Delhi tập trung phát triển lực lượng chống tàu ngầm, tàu chiến.
Lo ngại của Ấn Độ không phải không có căn cứ khi ngay trước khi Tập Cận Bình đặt chân đến New Delhi, chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp 039 của Trung Quốc lại chình ình xuất hiện tại Colombo, Sri Lanka. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chiếc tàu ngầm này chỉ dừng lại ở Colombo trên đường qua vịnh Aden ngoài khơi bờ biển Somalia để tham gia nhiệm vụ hộ tống hải quân.
Khi Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của họ, lực lượng hải quân trong khu vực buộc phải đáp ứng. Ấn Độ đang tăng cường hạm đội 15 tàu ngầm và sẽ chi 13 tỉ USD để chế tạo. Tháng trước Ấn Độ biên chế chiếc Boeing P-8I thứ 5 cho lực lượng tuần tra biển. Việt Nam đã nhận 3 chiếc tàu ngầm Kilo từ Nga và sẽ nhận nốt 3 chiếc còn lại năm 2016.
Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, trong đó 51 chiếc chạy động cơ diesel - điện thông thường, 6 chiếc hỗ trợ động cơ hạt nhân. 3 chiếc tàu ngầm chạy động cơ hạt nhân của Trung Quốc có thể phóng tên lửa đạn đạo và Bắc Kinh đang bổ sung thêm 5 chiếc tương tự.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cho rằng các tàu ngầm Trung Quốc trong năm nay sẽ được trang bị tên lửa Cự Lãng 2 có tầm bắn ước tính 7.400 km và sẽ giúp Bắc Kinh nâng cao năng lực chống hạt nhân trên biển đáng tin cậy. Các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình và ngư lôi sẽ giúp Tập Cận Bình thực hiện mục tiêu đánh thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ thời đại công nghệ thông tin.