Thi ca nhạc, nhảy múa “chiếm sóng” truyền hình
Chưa bao giờ phong trào ca hát lại được phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các cuộc thi ca nhạc liên tiếp được tổ chức. Có những thời điểm, ba bốn cuộc thi “tranh nhau” chiếm sóng truyền hình vào những dịp cuối tuần.
Các cuộc thi tìm kiếm tài năng "chiếm sóng" truyền hình vào dịp cuối tuần |
Từ Vietnam Idol, Ngôi sao Việt, Ngôi sao trẻ, Sao mai, Sao mai Điểm hẹn, Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt, Chinh phục đỉnh cao… Không chỉ dành cho người lớn, các cuộc thi như Đồ-rê-mí, Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids),… đang giúp các bậc cha mẹ thực hiện ước mơ biến con cái của mình trở thành ca sỹ.
Ngoài những cuộc thi dành cho các nhân tố mới kể trên, các ca sỹ trẻ cũng có cơ hội tham gia khá nhiều “cuộc thi” ca nhạc để khẳng định mình như Đố ai hát được, Tôi dám hát, ai dám hát… Không chỉ thế, cuộc thi ca nhạc dành cho “người nổi tiếng” khác mang tên Gương mặt thân quen “bắt” các thí sinh (đa số là những người nổi tiếng) hóa thân thành những người khác để “chấm điểm’.
Ngoài thi ca hát, những người có sở thích nhảy múa cũng thỏa sức tung hoành trên sóng truyền hình với Bước nhảy hoàn vũ, Vũ điệu đam mê, Bước nhảy hoàn vũ nhí…
Nghệ sỹ Việt "biến mình" thành người khác trong Gương mặt thân quen |
Nhiều người hài hước cho rằng: Việt Nam có chỉ số hạnh phúc cao bởi suốt ngày được nghe hát. Phải chăng người Việt vốn có năng khiến ca hát. Vì vậy, các cuộc thi ca nhạc hết năm này sang năm khác vẫn không thể “phát hiện” hết những tài năng?
Nhưng liệu khán giả có thực sự có được những bữa tiệc âm nhạc đúng nghĩa? Câu trả lời là… không!
Chi tiền khủng làm truyền hình thực tế: Kinh doanh là chính?
Nhìn vào các cuộc thi ấy, nhiều người lạc quan tin rằng âm nhạc Việt Nam đang phát triển một cách rực rỡ. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại bởi không ít cuộc thi âm nhạc này không phải được tổ chức để chọn ra những tài năng.
Hàng chục cuộc thi ca nhạc được tổ chức hàng năm. Mỗi cuộc thi lại tìm ra một quán quân và những á quân của mình. Lẽ dĩ nhiên, chất lượng và tài năng của các quán quân, á quân ấy ngày càng giảm sút. Bởi các “tài năng” âm nhạc ngày càng cạn kiệt.
Không ít tiêu cực trong các show truyền hình thực tế (Ảnh nhạc sỹ Phương Uyên, Giám đốc Cát Tiên Sa và Hà Hồ trong buổi họp báo sau clip tố cáo dàn xếp kết quả ở The Voice mùa đầu tiên |
Trong khi đó, không khó nhận ra mục đích đầu tiên của các nhà tổ chức các cuộc thi ca nhạc kể trên là lợi nhuận. Bởi họ mua bản quyền từ nước ngoài bằng hàng ngàn đô la, mời những người nổi tiếng ngồi “ghế nóng” với cát-sê gần nửa tỉ đồng; chưa kể giải thưởng của các cuộc thi này cũng được tính bằng tiền tỉ. Ngoài ra, chi phí cho một ekip hùng hậu, chi cho công tác truyền thông… cũng là một con số không hề nhỏ.
Chỉ nhìn những “chi phí” như vậy, chúng ta cũng có thể nhận ra khi chương trình phát sóng sẽ phải mang về cho họ khối lượng tiền lớn như thế nào để bù đắp những chi phí đã bỏ ra.
Hơn thế, việc tổ chức các cuộc thi ca nhạc thực chất là một hoạt động kinh doanh. Mà kinh doanh phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu là điều dễ hiểu. Nhưng tiền đó lấy ở đâu ra? Xin thưa, khán giả là người phải chịu!
Đầu tiên là “chịu đựng” những đoạn quảng cáo dài bằng nửa thời lượng của chương trình phát sóng. Vì vậy, nếu “trót” đam mê cuộc thi nào đó, khán giả sẽ phải có thể đức tính kiên nhẫn để có thể ngồi trước màn hình ti vi đến gần 12 giờ đêm.
Không chỉ “chiếm” thời gian của khán giả, các cuộc thi ca nhạc này còn “móc túi” của khán giả một cách chuyên nghiệp khi tất cả các cuộc thi ca nhạc đều trao cho khán giả cái quyền được “định đoạt” số phận của thí sinh bằng tin nhắn bình chọn.
Trẻ em là đối tượng được nhiều show truyền hình thực tế hướng tới... |
Khi chấp nhận thực hiện “quyền” của mình, đồng nghĩa với việc khán giả phải bỏ tiền để “góp” vào sự thành công của chương trình.
Tuy nhiên, cái gọi là quyền quyết định thuộc về khán giả đó chỉ là tương đối bởi các nhà tổ chức luôn “giấu nhẹm” số lượng tin nhắn dành cho các thí sinh. Họ chỉ công bố “tỉ lệ phần trăm” tin nhắn của khán giả cho mỗi thí sinh. Và như thế, “số phận” của các thí sinh không thực sự “nằm trong tay khán giả”.
Nói cách khác, khi khán giả vẫn còn “ngây thơ” tin vào cái thứ “quyền rơm” mà Ban tổ chức các cuộc thi ca nhạc trên sóng truyền hình trao cho mình cũng có nghĩa họ chấp nhận là người thiệt thòi.