Thảo luận tại nghị trường ngày 31/10, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước tình hình nợ công và nợ xấu.
Ngành nào vượt chi cần phải biết xấu hổ
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (tỉnh Bình Dương) chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ về thực hiện chi ngân sách nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp kinh tế vượt chi hơn 4.400 tỷ đồng, chi giáo dục đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ đồng, ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi. Chỉ có ngành dân số, kế hoạch hóa gia đình cà chi sự nghiệp khoa học, công nghệ không có chi vượt.
“Kỷ luật tài khóa như vậy là kém. Trong tình hình khó khăn về ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi cần phải biết xấu hổ, người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên phải biết xấu hổ”, ông Đáng nhấn mạnh.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cảnh báo cần phải thận trọng với những thị trường dễ tính. |
Cũng trong Báo cáo Chính phủ cho thấy năm nay chúng ta tiếp tục có xuất siêu, có ý kiến cho đó là tích cực và vui mừng, nhưng theo Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng thì sự xuất siêu đó không nói lên chuyển biến, tích cực nào cả khi mà hàng chục ngàn doanh nghiệp đang đình đốn sản xuất hay giải thể, ta đang phải đôn đáo tìm thị trường mới để nhập các nguyên liệu, vật tư mà ngành công nghiệp phụ trợ của ta không đảm đương nổi vì quá yếu kém. Để tiến lên xuất siêu thật sự phản ánh sự lớn mạnh của nền kinh tế cần nỗ lực nhiều hơn trong tái cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Đáng cũng nhắc nhở rằng, khi phát triển thêm thị trường mới, đa dạng hóa, không để phụ thuộc vào một thị trường, cần cảnh giác với các loại thị trường dễ tính.
"Ở thị trường dễ tính hàng của ta chất lượng thấp cũng bán được, bẩn một chút cũng bán được, mẫu mã xấu cũng bán được, có hợp đồng hay không có không hợp đồng đều mua bán được. Nhiều người thấy thế lấy làm mừng, nên ngày càng bị cột chặt vào loại thị trường này. Hậu quả là ta cứ yên tâm để duy trì một nền sản xuất đáp ứng cho loại thị trường cấp thấp, ta cứ quen theo lối kinh doanh kiểu cũ. Tư duy và thói quen này không thay đổi thì nền kinh tế của ta chỉ mãi sản xuất ra các hàng hóa vừa kém, vừa bẩn về chất, xấu về mẫu, không biết đến hàm lượng khoa học công nghệ, bất chấp các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn và chỉ kinh doanh theo lối chụp giật, xa lạ với các tập quán văn minh của kinh doanh hiện đại.
Hiện nay nền sản xuất của chúng ta chưa phát triển, buộc chúng ta còn phải dính líu đến loại thị trường cấp thấp này, nhưng về lâu dài cần tích cực tái cơ cấu kinh tế để sớm chia tay với loại thị trường thô sơ này. Chúng ta cứ cặp kè, gắn bó, thậm chí lệ thuộc loại thị trường này thì mãi mãi nền kinh tế của ta sẽ không thể cất cánh”, ông Đáng nói.
Tiêu tiền thì đạt, làm ra tiền không đạt
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (đại biểu tỉnh Sóc Trăng) dẫn ra báo cáo về kinh tế xã hội của Chính phủ tăng sản xuất là ngành linh kiện máy tính và điện tử, tăng tồn kho cũng là linh kiện điện tử, rồi thay đổi thị trường xuất khẩu cũng là ngàng máy tinh và linh kiện điện tử. Nhưng nếu đối chiếu với số liệu năm 2013 lĩnh vực này nhập khẩu chỉ 17,7 tỷ, xuất khẩu 10 tỷ. Đến năm 2014 nhập khẩu 18 tỷ, xuất khẩu 10 tỷ.
“Như vậy là con số chênh lệch không lớn, nhưng nhận xét thì cái gì cũng đưa vào, tôi có cảm giác là chúng ta cứ đưa vào có số liệu để báo cáo thôi chứ không giúp cho phân tích kinh tế vĩ mô một cách thực chất”, ông Kiên nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Theo ông Kiên, Chính phủ chưa phân tích rõ: Trong báo cáo dự báo của ADB, IMF, Ngân hàng thế giới đều nói rằng tình hình kinh tế cả thế giới giảm tăng trưởng, nhưng riêng chúng ta vẫn giữ mức 5,8%. Cái gì trong cơ cấu kinh tế giúp chúng ta, cái gì trong điều hành giúp vượt qua được khó khăn để đạt được 5,8%?
Ông Kiên chỉ rõ: “Đối với kế hoạch 5 năm, nếu chúng ta nhìn lại thì 11 chỉ tiêu về tiêu tiền thì chúng ta đạt, còn 7 chỉ tiêu về sản xuất làm ra tiền thì chúng ta không đạt. Ở đây chúng ta phải phân tích với nhau là trong một bối cảnh nền kinh tế của chúng ta đang khó như thế, mà chúng ta cứ đưa ra những chỉ tiêu để tiêu tiền để đảm bảo các thứ khác, liệu chúng ta có nuôi được nguồn thu cho ngân sách nhà nước không, hay đấy là một trong những nguyên nhân làm cho nợ công của chúng ta tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên.
Ở đây cũng phải nói rõ, như báo cáo ngày hôm qua của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính là bắt đầu từ năm 2011 chúng ta phải phát hành trái phiếu để đảo nợ. Chúng ta nhìn thấy vấn đề đảo nợ của chúng ta, tức là tỷ lệ nợ công 65% trong chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2020, chứ không phải đến năm 2015 chúng ta đạt 64% tỷ lệ. Như vậy có phải chúng ta tiêu hết của 6 năm về sau không?".
Quốc hội cũng phải chịu trách nhiệm vì bội chi
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) dẫn lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Quốc hội ngày 30/10, mong muốn Quốc hội hãy cùng chia sẻ, cùng đồng cảm và ủng hộ các quan điểm cũng như các giải pháp của Chính phủ trong giải quyết bài toán nợ công, và nêu quan điểm: “Theo tôi nghĩ Quốc hội không những đồng cảm, chia sẻ mà còn cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ, với các ngành trong việc giải quyết bài toán nợ công, vì Quốc hội chính là người ấn nút thông qua Luật quản lý nợ công, giờ Chính phủ đề nghị phải sửa, đó là trách nhiệm của chúng ta".
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định). |
Nêu dẫn chứng, Quốc hội chính là người bấm nút thông qua các dự án, các chương trình quan trọng quốc gia, những chương trình an sinh xã hội, Đại biểu Sơn nói: "Những nội dung, công trình đó đòi hỏi phải có vốn, vay vốn, huy động vốn, vay ODA, phát hành trái phiếu thì Quốc hội phải cân nhắc chịu trách nhiệm cùng với Chính phủ, đổ lỗi hết cho Chính phủ thì tôi cho rằng không nên mà phải cùng nhau chia.
Quốc hội còn có trách nhiệm tiến hành giám sát việc quản lý, sử dụng vốn vay, vốn huy động như thế nào cho hợp lý, không thất thoát, đó là trách nhiệm của Quốc hội. Ở đây tôi hiểu Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ nói lên mong muốn Quốc hội ủng hộ nhưng tôi nghĩ phải đặt vấn đề khác đi, Quốc hội cùng phải chịu trách nhiệm, cùng gánh vác với Chính phủ và các ngành để giải quyết bài toán nợ công chứ chúng ta không đứng ngoài phê phán”.
Đại biểu Sơn kiến nghị với Quốc hội lưu ý hai vấn đề: “Thứ nhất theo tôi quan trọng nhất của nợ công không phải là cao bao nhiêu, nhiều bao nhiêu, có thể hôm nay chúng ta định là 65, có thể cao hơn nữa, cái đó không quan trọng. Quan trọng nhất là sử dụng vốn đó như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm làm sao đầu tư phải phát huy được hiệu quả.
Thứ hai là không để lãng phí, thất thoát, đừng để người dân hàng ngày nhìn thấy chúng ta xử lý vốn vay một cách lãng phí vào túi những người tham nhũng”.