10 thói quen xấu khi nấu ăn gây hại cho sức khỏe

01/11/2014 11:21
Phạm Ngà
(GDVN) - Hãy chú ý đến 10 thói quen nấu ăn có hại phổ biến nhất dưới đây và tìm cách thay đổi chúng để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình bạn!

Khi nấu ăn, những thao tác hàng ngày bạn vẫn làm có thể trở thành thói quen xấu mà bạn không hề lưu tâm và biết đến.

Những thói quen tưởng chừng như vô hại lại có thể gây nguy hiểm khôn lường cho sức khỏe qua con đường tiêu hóa trực tiếp nguồn thức ăn được chế biến không đúng cách. 

Hãy chú ý đến 10 thói quen nấu ăn có hại phổ biến nhất dưới đây và tìm cách thay đổi chúng!

Đun dầu ăn quá nóng

Hầu hết các công thức nấu ăn bắt đầu với việc đun nóng dầu trong chảo.

Thông thường, bạn sẽ cho dầu vào trước rồi bật lửa để cho bếp nóng lên. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta hay tranh thủ làm những công đoạn khác.

Khi có làn khói xuất hiện, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để thêm nguyên liệu vào. 

Thao tác này mang tính phản khoa học bởi khi đun dầu quá nóng, các phân tử trong đó bắt đầu bị phá vỡ, phá hủy chất chống oxy hóa có lợi của dầu và hình thành các hợp chất có hại.

Hãy thay đổi thói quen này bằng cách làm nóng dầu vừa phải trước khi nấu nướng thực phẩm.

Khuấy (đảo) đồ ăn quá nhiều

Rất nhiều người đi nấu nướng có thói quen khuấy hoặc đảo thực phẩm quá nhiều vì sợ chúng sẽ bị dính vào đáy nồi và cháy.

Điều này vô tình ngăn chặn quá trình hóa nâu thực phẩm – quá trình làm tăng hương vị cho món ăn thêm hấp dẫn.

Khuấy, đảo quá nhiều còn khiến thực phẩm dễ bị nát, vụn, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của món ăn.

Hãy hạn chế khuấy, đảo đồ ăn trừ khi công thức bạn nấu yêu cầu bắt buộc phải có công đoạn này.

Cho nhiều nguyên liệu vào cùng một lúc

Nấu ăn đôi khi đòi hỏi sự kiên nhẫn của người nội trợ.

Nếu thực phẩm bạn chuẩn bị quá nhiều, hãy chia ra làm từng mẻ chứ không nên dồn tất cả cùng một lúc làm chiếc chảo đầy lên tận miệng.

Thao tác này khiến bạn nấu (đun) mất nhiều thời gian hơn, làm đồ ăn bị mềm và kém hấp dẫn. Một số chất dinh dưỡng có thể bị bay hơi.

Đặc biệt khi chế biến các món thịt, cho quá nhiều thịt trong chảo sẽ làm giảm nhiệt độ của chảo nhanh, có thể gây dính và gây một loạt các vấn đề khác.

Cắt nhỏ thịt ngay sau khi nấu xong

Bạn cảm thấy quá đói và muốn thưởng thức ngay món thịt vừa chế biến ngay sau khi tắt bếp. Bạn cắt (thái) thịt ngay lập tức mà không chờ thêm một khoảng thời gian để thịt nguội. 

Điều này làm một lượng dinh dưỡng đáng kể trong thịt bị mất đi bởi cắt nó quá sớm sẽ khiến phần nước bên trong tràn ra ngoài mà không kịp ngấm kĩ. 

Sau khi nấu, hãy để miếng thịt từ 10-15 phút, cho nước được ngầm đều vào từng thớ thịt rồi mới đem đi thái nhỏ.

Rửa sạch thịt trước khi nấu

Rửa thịt dưới vòi xả nước trực tiếp có thể làm loại bỏ được chất nhờn và bụi bẩn bám vào nhưng vô tình làm bẩn bồn rửa nhà bếp với nhiều loại vi khuẩn có khả năng lây bệnh.

Thấm miếng thịt bằng một chiếc khăn giấy sạch, mềm để loại bỏ những tạp chất không mong muốn là cách làm được các nhà khoa học ủng hộ. 

Sử dụng chảo chống dính ở nhiệt độ cao

Nhiệt độ cao có thể ảnh hướng đến lớp chống dinh được tráng đều trên bề mặt chảo, giải phóng PFCs (perfluorocarbons) dưới dạng khói.

Hợp chất PFCs có liên quan đến tổn thương gan và các vấn đề về phát triển con người.

Sử dụng dụng cụ bằng kim loại trên chảo chống dính

Đây hoàn toàn không phải là một thói quen tốt. Bạn có thể vô tình làm xước lớp chống dính, cũng khiến hợp chất PFCs ngấm vào đồ ăn một cách dễ dàng.

Dùng các dụng cụ làm bằng gỗ hay cao su chịu nhiệt để thay thế là một giải pháp an toàn.

Dùng nồi thủy tinh chịu nhiệt khi nướng

Nồi thủy tinh chịu nhiệt là lựa chọn tuyệt vời khi bạn chế biến các món hầm.

Nhưng nếu bạn nướng đồ ăn, hãy dùng nồi làm từ kim loại để thay thế ngay cả khi thời gian nướng là rất ngắn.

Nồi thủy tinh chịu nhiệt không được thiết kế để chịu được nhiệt độ khi nướng. Khi quá nóng, chúng sẽ bị nứt vỡ ngay lập tức.

Trộn bột quá lâu khi làm bánh nướng

Khi nhào bột cho món bánh nướng hay những món ăn dùng bột khác,  bạn muốn tất cả mọi thứ được trộn thật đều và đồng nhất.

Nhưng cần biết rằng trộn bột quá nhiều và lâu không phải việc làm có lợi.

Các tác động cơ học khi nhào bột là nguyên nhân tạo ra gluten trong bột, không thích hợp cho việc làm bánh nướng.

Vì vậy, nhẹ nhàng trộn cho đến khi bột thống nhất thành một khối, sau đó sử dụng máy trộn và tiếp tục công việc.

Phạm Ngà