Công chức ma, hưởng lương không làm việc, chỉ muốn làm quan

31/10/2014 19:57
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Đỗ Văn Đương: "Hiện nay nhiều người đi học nghề lãnh đạo quá. Làm lãnh đạo để chỉ tay năm ngón, thậm chí còn chỉ Đông, Tây, Nam, Bắc...".

Cuối giờ chiều nay tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có 7 phút phát biểu với nhiều lời "gan ruột", thẳng thắn, hẳn là những ai thực tâm trăn trở với những khó khăn của nước nhà sẽ cảm thấy rất hài lòng.

Ông Đương nêu thí dụ ở Nhật Bản có một tỉnh thuần nông nghiệp, năng suất nông nghiệp cao gấp 150 lần năng suất của ta. Do vậy, tổng thu của địa phương này một năm bằng tổng thu địa phương của cả Việt Nam cộng lại.

"Sao không sang đấy mà học, có công nghệ gì tốt thì mua về mà áp dụng, nếu cần thì mời họ vào mà hợp tác, đừng có nghiên cứu gì cả mất thời gian. Từ đó phải thay đổi nhận thức hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa trong nông nghiệp, giống như khoán 10 trước đây, tức là phải có đột phá trong nông nghiệp", ông Đương nói.

Ông Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: TTBC.
Ông Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: TTBC.

Đề cập tới các biện pháp chống thất thu, ông Đỗ Văn Đương nêu ra bốn vấn đề cụ thể:

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương làm quyết liệt chống thất thu thuế, gian lận thuế, trốn thuế. Nếu làm tốt chỗ này sẽ thu được vài chục nghìn tỷ.

Thứ hai, đề nghị Thủ tướng ra chỉ thị năm 2015 giảm 5-10% chi hội thảo, hội nghị, đi công tác nước ngoài… dẫn tới tiết nghiệm được vài chục nghìn tỷ.

Thứ ba, giảm bớt bộ máy hành chính và cả các tổ chức đoàn thể.

"Tới đây thông qua Luật tổ chức Chính phủ thì tôi đề nghị thu gọn bộ máy hoạt động thì mới tinh giản biên chế được. Tới năm 2020 mới giảm được 100 nghìn thì không thấm tháp gì so với 2,8 triệu công chức, mà nhiều người nói rằng khoảng 1/3 vô dụng, sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Đây là công chức ma, ăn lương không làm việc rồi bóc lột dân. Dân không chịu đâu", ông Đương nhấn mạnh.

Công chức ma, hưởng lương không làm việc, chỉ muốn làm quan ảnh 2

Vì sao chúng ta vẫn cứ nghèo?

Nổi tiếng là một trong số ít các Đại biểu Quốc hội luôn có những phát ngôn mạnh mẽ, ông Đương nói thẳng rằng, luật thì có rồi nhưng phải cắt bớt lãnh đạo đi: "Hiện nay nhiều người đi học nghề lãnh đạo quá. Mà nếu như nhiều lãnh đạo thế thì chỉ tay năm ngón, thậm chí còn chỉ Đông, Tây, Nam, Bắc. Phấn đấu thành người công chức tận tụy thì ít, nhưng mà ngước lên phấn đấu làm lãnh đạo thì nhiều quá. Dân người ta kêu lắm. Đề nghị Quốc hội xem lại chỗ này, vừa là để chống lãng phí, và cũng là để tìm ra được trung thần tận tụy với sự phát triển của đất nước".

Vấn đề thứ tư Đại biểu Đỗ Văn Đương đề cập là phải đổi mới nhận thức về phòng chống tham nhũng, tức là địa phương nào phát hiện nhiều tham nhũng thì phải khen ngợi, cất nhắc đề bạt người đứng đầu địa phương đó. Còn địa phương nào không phát hiện ra tham nhũng mà khi kiểm tra phát hiện ra nhiều thì kỷ luật người đứng đầu.

"Phải làm sao để công tác sau thanh tra, kiểm tra cần phải áp dụng cơ chế đặc biệt để thu hồi triệt để tài sản sai phạm. Có lẽ chỗ này cũng sẽ thu về thêm được vài chục nghìn tỷ nữa", ông Đương nói.

Ở kỳ họp trước, ông Đỗ Văn Đương từng đề nghị Chính phủ nên có nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính và kỷ luật thu chi ngân sách, kể cả trung ương và địa phương. Cương quyết thu hồi các khoản chi sai mục đích, tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm người mắc sai phạm phải mạnh mẽ hơn trước. Thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu tối đa các đoàn ra nước ngoài.

Còn tại nghị trường chiều nay, ông Đương đề nghị: "Chính phủ phải công khai danh tính dự án nào, công trình nào lãng phí, dở dang để quy trách nhiệm xử lý, chứ cứ để thế này nói gì thì nói thì chỉ là sự rung động trong không khí. Nếu làm tốt chỗ này là hàng nghìn héc-ta, rồi hàng nghìn tỷ. Cộng tất cả các món tôi tham gia thế này thì có hàng trăm nghìn tỷ, quá đủ để tăng lương".

Đồng tình với quan điểm của một số đại biểu là đã lỡ hẹn tăng lương 2 năm, do đó không thể trì hoãn thêm và nhất là phải lo toan cho những người nghèo, thu nhập thấp.

Ông Đương bày tỏ: "Phải nhìn xuống dưới thương lấy cái người có hệ số lương thấp, từ ba phẩy trở xuống và những người về hưu trước năm 1993, người ta tham gia kháng chiến, sắp chết cả rồi. Thôi thì Quốc hội và Chính phủ dành tình cảm cho họ đi, bớt ăn đi... riêng cái chỗ cắt giảm 5-10% hội thảo, hội nghị là đủ".

Ngọc Quang