Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tuyển dụng các chuyên gia có tay nghề cao thông qua thị trường chợ đen để giúp quản lý các nhà máy lọc dầu với mức lương 210.000 USD/năm.
Lực lượng an ninh Iraq đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát mỏ dầu ở thành phố Banji, cách Baghdad khoảng 130 dặm. Đây được cho là nơi đem lại nguồn thu chính cho IS. |
IS đã đánh chiếm ít nhất 11 mỏ dầu ở Iraq và Syria và được cho là kiếm được 3 triệu USD mỗi ngày nhờ bán dầu từ các mỏ này chỉ trong tháng 6/2014. IS đã bán ra khoảng 80.000 thùng dầu mỗi ngày từ các mỏ dầu chúng kiểm soát ở Iraq và Syria, nhưng sản lượng này đã giảm một nửa trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, do một loạt sự cố gây tử vong và thiếu các kỹ sư có tay nghề cao tại các cơ sở trên đã khiến lợi nhuận của IS sụt giảm hơn 2/3 trong những tháng qua.
Cho đến nay, IS vẫn điều hành các mỏ dầu thông qua đe dọa. Những kẻ khủng bố ép buộc mọi người làm việc cho chúng tại các mỏ dầu bằng cách đe dọa sát hại gia đình họ.
Tuy nhiên, phương pháp này khiến IS không thể tìm được các lao động trung thành với chúng và buộc những kẻ khủng bố phải thay đổi phương thức tuyển dụng.
Theo The Times, IS đang tuyển người cho vị các vị trí quản lý cấp cao trong các nhà máy lọc dầu của mình thông qua các đại lý tại chợ đen với hứa hẹn về một mức lương hấp dẫn.
Ảnh IS tấn công mỏ dầu lớn nhất Iraq ở Banji hồi tháng 6. |
Robin Mills thuộc Manaar Energy, một công ty tư vấn ở Dubai, đã xác nhận báo cáo tuyển dụng trên, nhưng cho biết đây không phải là một mức thu nhập xứng với rủi ro làm việc cho IS.
Một số quan chức tại Công ty dầu khí Bắc Iraq, công ty đã bị mất một số mỏ dầu vào tay IS, cho biết: "Ban đầu chúng ép buộc các nhân viên, đe dọa sát hại gia đình họ. Bây giờ chúng đưa ra củ cà rốt để thay thế".
Người ta tin rằng IS cũng đang nỗ lực để thu hút những khách hàng lớn để mua dầu mỏ của chúng.
Matthew M. Reed, một nhà tư vấn trụ sở tại Washington, chuyên gia phân tích dầu và chính trị ở Trung Đông, nói với CBC News tháng trước, không có khách hàng lớn nào dám làm ăn với IS vào thời điểm này. Do đó, IS buộc phải bán phần lớn dầu mỏ của mình thông qua một bên trung gian khiến lợi nhuận bị hao hụt.
Các trung gian này được cho là những người kết nối với mạng lưới buôn lậu dầu ở khắp miền Bắc Syria, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nhà máy lọc dầu địa phương ở Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ.