Đóng cửa Khu du lịch Đại Nam sẽ là một tiền lệ xấu

05/11/2014 13:15
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế, vụ việc đóng cửa Khu du lịch Đại Nam có thể tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp các địa phương khác...

PCI của Bình Dương bị hạ thấp

Không chỉ là tuyên bố bằng lời, chiều ngày 4/11 trên trang web của Khu du lịch Đại Nam đăng thông báo cho biết, khu dụ lịch này tạm thời được đóng cửa từ ngày 10/11 – 31/12/2014 và chưa ấn định thời gian hoạt động trở lại.

Thông báo trên như một lần nữa khẳng định, phát ngôn đóng cửa Khu du lịch Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam không phải là lời “dọa” suông. Nguyên nhân khiến ông Dũng quyết định đóng cửa Khu du lịch Đại Nam vì cho rằng doanh nghiệp ông đang bị chính quyền tỉnh Bình Dương o ép, bức tử.

Dễ thấy, việc ông Dũng đóng cửa Khu du lịch Đại Nam như cách phản đối những quyết định của chính quyền tỉnh Bình Dương đối với doanh nghiệp này. Mặc dù cách làm  của người đứng đầu Công ty cổ phần Đại Nam nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên có một điều chắc chắn khi Khu du lịch Đại Nam đóng cửa sẽ ảnh hưởng không nhỏ về khía cạnh kinh tế cho Công ty Đại Nam nói riêng và Bình Dương nói chung.

Khu du lịch Đại Nam sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 10/11 - 31/12/2014
Khu du lịch Đại Nam sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 10/11 - 31/12/2014

Ở góc nhìn người làm chính sách, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc Khu du lịch Đại Nam tạm đóng cửa có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền tỉnh Bình Dương, “Nói cách khác Bình Dương đã không khéo léo xử lý vấn đề tồn tại của địa phương”.

Khéo léo ở đây chính là việc trong thời gian ngắn tỉnh Bình Dương ra đến 12 văn bản liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng đất gửi tới Công ty cổ phần Đại Nam. Bình thường sẽ không có gì đáng nói, tuy nhiên ở hoàn cảnh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đang bị ông Dũng tố cáo, rõ ràng cách làm trên của Bình Dương dù đúng hay sai cũng dễ khiến người ngoài cho rằng chính quyền o ép, làm khó doanh nghiệp.

Từ đó hình ảnh chính quyền Bình Dương sẽ xấu xí đi trong mắt doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Bình Dương.

Hình ảnh xấu đó của Bình Dương cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương này. “Chỉ số PCI là thang điểm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh. Chỉ số PCI cao hay thấp sẽ là yếu tố được doanh nghiệp xét đến trước khi đầu tư vào một địa phương”, PGS.TS Thọ cho biết.

Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp Việt Nam - VCCI, năm 2013 chỉ số PCI của Bình Dương chỉ ở mức khá, đứng thứ 30 trong 63 tỉnh thành của cả nước sau hàng loạt các địa phương như Trà Vinh, Bắc Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa… Điều đáng nói, PCI 2013 của Bình Dươngtụt giảm mạnh sau các năm, nếu như năm 2007 Bình Dương đứng đầu, năm 2008 và 2009 đứng vị trí thứ 2, đến năm 2010 chỉ số PCI của Bình Dương đứng vị trí thứ 5, rồi thứ 10, 19 và 30 trong các năm tiếp theo.

Với đà sụt giảm đó, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng với việc Khu du lịch Đại Nam đóng cửa cùng câu chuyện chưa có hồi kết giữa chính quyền tỉnh Bình Dương và Công ty cổ phần Đại Nam, chắc chắn chỉ số năng lực cạnh tranh của Bình Dương sẽ ngày một xuống thấp, có thể từ khá xuống trung bình.

Tiền lệ xấu

Trước việc Khu du lịch Đại Nam đóng cửa tạm thời, điều lo ngại không chỉ dừng lại ở những thiệt hại kinh tế, lãng phí tiền của xã hội mà đây sẽ là tiền đề xấu khiến doanh nghiệp tại các địa phương khác học theo. 

“Từ khúc mắc không được chính quyền địa phương và doanh nghiệp giải quyết, doanh nghiệp quyết định đóng cửa không hoạt động kinh doanh sản xuất. Nếu ở địa phương khác doanh nghiệp cũng lấy việc đóng cửa hoạt động để phản đối rõ ràng đây là tiền lệ không tốt”, PGS.TS Thọ cho biết.

Để giải quyết vấn đề tại Bình Dương, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ chính quyền và Công ty cổ phần Đại Nam cần ngồi lại với nhau, làm rõ vấn đề doanh nghiệp đang khúc mắc đưa ra hướng giải quyết.

Cái thiếu của chính quyền tỉnh Bình Dương hiện nay là vấn đề truyền thông, trên báo chí đưa thông tin về việc UBND tỉnh Bình Dương thu hồi đất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thanh tra thuế... tại Công ty cổ phần Đại Nam tuy nhiên tỉnh Bình Dương không lên tiếng lý giải văn bản mình ban hành. Chính điều này khiến dư luận càng đặt nghi vấn việc tỉnh Bình Dương o ép, bức tử doanh nghiệp.

Trong khi đó đứng khía cạnh Công ty cổ phần Đại Nam, liệu ông Huỳnh Uy Dũng có quá vội vàng khi đưa ra quyết định tạm thời đóng cửa Khu du lịch Đại Nam? Có thể hiểu việc đóng cửa Khu du lịch Đại Nam của ông Dũng nhằm tạo sức ép khiến Bình Dương phải thay đổi. Tuy nhiên nếu giả thiết tỉnh Bình Dương vẫn giữ thái độ kiên quyết câu chuyện rồi sẽ đi đến đâu?.

Mặt khác lúc này dư luận nóng lòng chờ kết quả của Thanh tra Chính phủ kết luận những nội dung tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Đây là mấu chốt vấn đề nhằm giải tỏa căng thẳng giữa Công ty cổ phần Đại Nam và tỉnh Bình Dương.  

Mai Anh