“Cách hành xử của ông Phước không thể chấp nhận được”

05/11/2014 14:53
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Đó là nhận định của TS. Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội về bài viết trên blog cá nhân bêu xấu Đại biểu quốc hội.

Ba ngày qua, dư luận đang sôi lên vì vụ việc ông Hoàng Hữu Phước - Đại biểu Quốc hội viết bài trên blog cá nhân bêu xấu Đại biểu Quốc hội cùng đoàn TP. HCM – ông Trương Trọng Nghĩa (đồng thời là một luật sư có uy tín lớn được nhiều cử tri quý trọng).

Cụ thể, trong bài viết của mình, ông Phước đã dùng những từ: mông muội, ngu muội, mê muội… để nói về ông Nghĩa – người trước đây từng dạy lớp thạc sĩ quản trị kinh doanh mà ông Phước học.

Chia sẻ với báo chí về việc này, ông Nghĩa cho rằng, những gì ông Phước đã làm vi phạm pháp luật và vi phạm tư cách đại biểu Quốc hội. Tuy vậy, ông Nghĩa khẳng định sẽ không sử dụng biện pháp yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc này bởi ông muốn giải quyết nhanh để Quốc hội tập trung giải quyết nhiều việc khác.

Không thể chấp nhận được!

“Cách hành xử của ông Phước không thể chấp nhận được”  ảnh 1

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về vụ việc này, TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho hay: “Tôi đã từng tìm hiểu sự việc này thông qua đoàn đại biểu TP. HCM để xem thực hư chuyện thế nào, nhưng các vị đó chỉ có cười trừ chứ không trả lời cụ thể”.

Ông Thảo nói thêm, mọi đại biểu quốc hội đều có trách nhiệm của người ta trong việc phát ngôn. Trong trường hợp người ta phát biểu không đúng hoặc sai trái, tự người ta sẽ xem xét và rút kinh nghiệm. Nếu họ phát biểu chính thức tại nghị trường theo phản ánh của cử tri hay theo nhận thức chung mà phát biểu của họ gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ai đó hoặc mang tính vụ lợi cho chính bản thân họ thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Dù là đại biểu đó có phát biểu sai đi chăng nữa thì phương pháp, cách góp ý cũng phải chân thành, đúng mực chứ dùng ngôn từ thóa mạ rồi phát tán linh tinh là điều sai trái. Một người dân bình thường hành xử như thế đã là không chấp nhận được rồi huống chi ông Phước lại là đại biểu quốc hội.

Nên nhớ tự do ngôn luận phải đúng pháp luật và đúng với đạo đức chứ không phải muốn nói thế nào cũng được. Nếu thế đó không còn là tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận cũng phải có quy tắc, quy chuẩn của nó và còn phải có đạo đức xã hội, quan hệ cộng đồng chứ không thể tùy tiện”, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nhấn mạnh.

Nói về việc có nên xem xét lại tư cách đại biểu quốc hội của ông Phước sau vụ việc này hay không, ông Thảo khẳng định: “Về mặt tổ chức tôi thấy cũng cần phải có trách nhiệm và các cử tri – những người đã bỏ lá phiếu cho ông Hoàng Hữu Phước cũng có quyền thể hiện ý kiến của mình trong vụ việc này”.

Nên để họ tự xử?

Trong khi đó, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM lại cho rằng, đó là chuyện của hai người, không có gì đáng bàn luận.

“Tôi không có bình luận gì bởi mọi sự thêm bớt giờ chỉ làm to chuyện. Nên để họ tự giải quyết với nhau. Đoàn Đại biểu TP.HCM đã trao đổi với hai người trên và để họ tự xử lý với nhau chứ chúng tôi không có ý kiến gì thêm”, ông Trần Du Lịch cho biết.

Đây không phải lần đầu ông Hoàng Hữu Phước có bài viết xúc phạm đại biểu khác trên blog cá nhân của mình. Trước đó, vào năm ngoái, ông Phước đã phải gỡ bỏ bài viết xúc phạm đến Đại biểu Dương Trung Quốc.

Với vụ việc lần này, ông Phước một mực khẳng định: “Đó là tranh luận của tôi, còn đối với người đọc báo, cử tri không quen nghe những lời tranh luận kiểu đó của tôi thì tôi sẽ bỏ, không sử dụng từ đó nữa. Chứ không phải tôi nhận là tôi sai!".

Thay lời kết, xin nhắc lại lời bình của ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về bài viết xúc phạm đại biểu Dương Trung Quốc của ông Hoàng Hữu Phước trên báo Tuổi trẻ:

“Tôi cho rằng việc các đại biểu Quốc hội tranh luận, trao đổi với nhau là chuyện bình thường, sẽ làm tăng sức hấp dẫn và tính dân chủ trong sinh hoạt nghị trường. Tuy nhiên, việc dùng blog cá nhân để đánh giá, nhận xét đại biểu khác bằng những lời lẽ thóa mạ, thiếu tôn trọng như dùng từ “ngu”, “ngậm miệng lại”... thì không thể chấp nhận được!

Đây là việc chưa có tiền lệ trong sinh hoạt nghị trường ở Việt Nam. Là người theo dõi lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng sẽ có nhiều người không đồng tình với cách làm của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Cách làm này không thể chấp nhận đối với một người bình thường chứ chưa nói anh Phước là một đại biểu Quốc hội.

Tôi có đọc trên các diễn đàn mạng thì có những ý kiến đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Hữu Phước. Tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội nên có ý kiến về vấn đề này”. 

PHONG NGUYÊN