Một số quy định phong hàm bất hợp lý
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) khi Quốc hội bàn về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) chiều nay (6/11).
Ông Phúc nói: “Tôi cho rằng, Giám đốc Công an Hà Nội là Trung tướng, còn Giám đốc Công an TPHCM là Thiếu tướng, vì Hà Nội khác TPHCM. Hà Nội là trung tâm chính trị quốc gia, TPHCM rất quan trọng, nhưng ta phải ưu tiên cho Thủ đô. Như vậy sẽ có tương quan: Giám đốc Công an TP Hà Nội và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ Thủ đô là Trung tướng. Còn Giám đốc Công an TPHCM và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM là Thiếu tướng. Rất là phù hợp và rất đẹp, không có gì phải thắc mắc cả”.
Bên cạnh đó, ông Phúc nêu ra sự bất hợp lý trong dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi): Về cấp bậc hàm sĩ quan Công an nhân dân, lập luận Thứ trưởng – Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương không được hàm Đại tướng; trong khi đấy lại lập luận Tổng cục phó – Phó Bí thư Đảng ủy có hàm cao bằng Tổng cục trưởng.
“Trong Bộ công an, Tôi nhận thấy Cục trưởng một số cục có trần cấp trung tướng, trong khi đấy không phải các tổng cục phó đều có trần Trung tướng. Như vậy sẽ sẽ có tình trạng Cục trưởng thì Trung tướng còn Tổng cục phó thì Thiếu tướng. Đã là cấp cục thì dù thuộc Bộ thì cũng không thể hơn tổng cục phó. Còn nếu thấy xứng tầm thì nâng lên thành Tổng cục. Giải thích thế nào về cái sự không tương quan này. Mấy hôm nay một số đồng chí trong ngành công an, quân đội rất tâm tư”.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh). |
Đề cập tới vấn đề tương quan lực lượng công an các địa phương, ông Phúc chỉ ra sự bất cập khi dự thảo luật quy định: Giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội và TP.HCM) là Đại tá, trong khi Trưởng công an quận của Hà Nội và TP.HCM cũng là Đại tá.
Đồng thời, ông Phúc đề xuất giải pháp: “Nếu Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc là Đại tá thì Trưởng công an quận của Hà Nội và TPHCM chỉ là Thượng tá; hoặc nếu Trưởng công an các quận này là Đại tá thì Giám đốc công an các tỉnh là Chuẩn Tướng. Tôi đề nghị Chuẩn Tướng rồi mà không ai giải trình. Không phải ý kiến của riêng tôi đâu, mà còn là ý kiến của một số đồng chí khác nữa.
Hối lộ trong lĩnh vực y tế bằng cách nào?
Đề nghị quy định tôn trọng dân, phục vụ dân và giáng cấp
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị, bên cạnh việc quy định phong, thăng sỹ quan thì cũng cần quy định giáng cấp, giáng chức với sỹ quan vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, không hoàn thành nhiệm vụ.
“Ở nhiều địa phương có thực trạng là tình hình an ninh trật tự ở địa bàn được giao thì luôn để tội phạm hoành hành, liên tục có những vi phạm pháp luật diễn ra và kéo dài. Nhưng dường như người đứng đầu ở đó không bị xem xét trách nhiệm, không chịu trách nhiệm gì cả. Ví dụ ở biên giới Việt Trung, hàng lậu sang như thế, bây giờ Bộ phải về làm. Vậy công an địa phương, biên phòng địa phương và các đơn vị chức năng ở địa phương có phải chịu trách nhiệm gì không? Phải truy cứu trách nhiệm chứ ạ. Nếu không câu chuyện chống buôn lậu chúng ta nói mãi mãi là như thế.
Do đó, tôi nghĩ là việc quy định trong luật công an nhân dân dành điều luật về giáng chức và giáng cấp. Điều về thăng cấp có, nhưng giáng cấp chúng ta lại không nêu. Không có quy định trường hợp nào thì bị giáng cấp. Đề nghị thiết kế nội dung này trong luật để có tính thực tế cao”, Đại biểu Nam nói.
Đại biểu Lê Nam - đoàn Thanh Hóa. |
Tại nguyên tắc tổ chức, hoạt động của công an nhân dân có quy định hoạt động của công an nhân dân phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, theo nguyên tắc cấp dưới phải phục tùng cấp trên, dựa vào nhân dân và phải chịu sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), quy định như vậy chưa đủ.
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Không phong Tướng, anh em tâm tư
Ông Học đề nghị: “Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và bổ sung hai nội dung quan trọng: Thứ nhất phải tôn trọng nhân dân. Thứ hai phải phục vụ nhân dân. Ngoài việc công an nhân dân trong hoạt động phải dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân thì phải tôn trọng và phục vụ nhân dân.
Đây là vấn đề mang tính cốt lõi và chi phối tất cả hoạt động của lực lượng công an nhân dân. Bác Hồ đã nói với lực lượng công an nhân dân là phải vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Vì thế tinh thần phục vụ nhân dân của công an nhân dân phải được ghi vào như là một nguyên tắc”.
Trong khi đó, Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) thì nêu vấn đề cử tri thắc mắc "phong tướng quá nhiều. Hầu hết các giám đốc, lãnh đạo các cục, vụ đều được phong thăng Thiếu tướng. Luật quy định là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt và địa bàn trọng yếu có thể cao hơn một bậc. Tư tưởng đó gắn liền với công tác khoa học, chỉ huy, tư tưởng để cho việc cao hơn một bậc không phải là phổ biến, nhưng thực tiễn lại có khoảng cách xa.
“Từ 2005 đến nay, 9 năm các cục vụ viện gần như làm nhiệm vụ đặc biệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, biểu hiện là gần 100% các viện trưởng quân hàm cao hơn hiện hành. Các tỉnh gần như 100% đều được thăng quân hàm cấp tướng. Nếu việc phong thăng đó là cần thiết và để chỉ huy hiệu quả thì đề nghị Quốc hội cân nhắc duy trì điều này, để không lạc hậu so với thực tiễn, để ý chí của Quốc hội với ý chí của người có thẩm quyền thống nhất phù hợp với sự phát triển. Dù giải thích thế nào thì cử tri cũng chưa thông, làm sao có nhiều nhiệm vụ đặc biệt như thế”, ông Tường nói.