Ông Hoàng Hữu Phước nói bà Phạm Chi Lan: "Rất tăm tối, mơ hồ"

07/11/2014 08:07
Diệu Linh
(GDVN) - "Cách phát biểu này rất tăm tối mơ hồ và an toàn một cách khôn ngoan vì Bà Lan không nêu cụ thể bất kỳ một giải pháp nào để hiến kế với nhà nước...".

Đây là nội dung mà ông Hoàng Hữu Phước viết trên trang cá nhân nhằm vào chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với tên gọi “Hội chứng bầy đàn” đăng trên trang cá nhân vào ngày 20/8/2013.

Ông nghị Phước giới thiệu rằng, ông ta đưa ra quan điểm này khi đọc báo Kiểm Toán số 30(56) ra ngày 25-7-2013 có bài “Ta đang ở đâu trên thế giới này?” của Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan.

"Tôi thấy cực kỳ thất vọng. Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan đã dựa vào hai báo cáo của Ngân hàng Thế giới gồm bản Cập nhật kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2013 và dự báo triển vọng cả năm; còn báo cáo kia là bảng xếp hạng 177 nền kinh tế thế giới trong đó Việt Nam đứng thứ 42 trên thế giới và thứ 6 trong khối ASEAN, để nêu ra vài chi tiết mang tính so sánh xem Việt Nam thua những ai và những ai đã vượt qua Việt Nam để rồi kết luận như một kẻ chưa-bao-giờ-làm-chuyên-gia bằng câu hỏi: “Làm thế nào đây để không phải nhìn con tầu kinh tế khu vực và thế giới chạy vun vút, bỏ ta lại sân ga?”.

Ông Hoàng Hữu Phước gọi phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là "rất tăm tối mơ hồ". Ảnh TTO.
Ông Hoàng Hữu Phước gọi phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là "rất tăm tối mơ hồ". Ảnh TTO.

Cũng giống như giọng điệu thiếu văn hóa, xúc phạm ông Dương Trung Quốc, ông Phước bình luận phát biểu của bà Phạm Chi Lan là "tăm tối mơ hồ".

Cụ thể: "Cách phát biểu này rất tăm tối mơ hồ và an toàn một cách khôn ngoan vì Bà Lan không nêu cụ thể bất kỳ một giải pháp nào để hiến kế với nhà nước hoặc chí ít cũng phân tích vấn đề một cách đầy đủ trên cương vị một chuyên gia đã từng được nhà nước đào tạo và giao trọng trách làm lãnh đạo cao cấp của VCCI trong suốt nhiều năm".

Sau đó, ông Phước bình luận: Làm “chuyên gia” hưởng lương nhà nước kể cả lương hưu – tức sống bằng tiền thuế của người dân – thì có bốn việc phải hoàn thành đối với mộtchuyên gia, đó là (a) làm tròn trọng trách chuyên môn vì là chuyên gia, (b) làm tròn trọng trách chuyên môn ở mức độ chất lượng cao nhất và hiệu quả cao nhất vì đó là thể hiện tính chuyên nghiệp vốn luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, (c) chuyên tâm với công việc chuyên môn của đẳng cấpchuyên gia, và (d) chuyên chú vào việc đem chuyên môn ra phục vụ quốc gia, dân tộc".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: VNN.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: VNN.

Ông này viết tiếp: "Nhiều chuyên gia kinh tế đã không làm tròn trọng trách chuyên môn, không tuân thủ tính chuyên nghiệp, không chuyên tâm vào nhiệm vụ được giao, và không chuyên chú đem chuyên môn ra phục vụ đất nước, trả món nợ với nhân dân. Không giúp ích gì được cho đất nước này, đề xuất toàn những sách lược kinh tế vô trách nhiệm, đẩy đất nước không vào vị thế tối ưu, không đủ khả năng viết lách bất cứ công trình công trình nào cho hậu thế như các nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, mà chỉ dựa vào cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ, hay cái tước hiệu chuyên gia, để núp trong chiếc áotrí thức mà không biết thế nào mới được gọi là nhà trí thức, và cái ô nhân sĩ mà chớ hiểu phải ra sao mới được gọi là nhân sĩ.

Rồi cứ như để chữa thẹn bản thân không làm gì nên thân, chả viết gì được nên hồn, hễ ai rủ rê là cứ ký tên vào kiến nghị hay thỉnh nguyện thư hay cái vớ vẩn gì đấy theo bầy đàn để được công chúng hiểu lầm là có đóng góp công sức tạo nên cái công trình kiến nghị tâm huyết ấy, và để được gọi là nhân sĩ, là trí thức". 

Không hiểu bà Phạm Chi Lan nghĩ gì và sẽ hành động thế nào khi biết ông Hoàng Hữu Phước nói bà "phát biểu tăm tối mơ hồ".

Liệu đây có phải là một cuộc tranh luận đúng nghĩa với tư cách chuyên gia, học giả, nhà khoa học... hay chỉ là cái cớ để ông Hoàng Hữu Phước bêu xấu bà Phạm Chi Lan, như cách ông này làm với hai Đại biểu Quốc hội là ông Dương Trung Quốc và ông Trương Trọng Nghĩa?

Ông Hoàng Hữu Phước tự giới thiệu:

- Tổng Giám Đốc Công ty Doanh Thương Mỹ Á

- Thạc sĩ kinh doanh quốc tế, Cử nhân Anh văn

Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Bầu cử ngày 22 tháng 5 năm 2011

Đơn vị bầu cử số 1: Quận 1, Quận 3, Quận 4

Sinh ngày 09 tháng 4 năm 1957 tại Sài Gòn, quê quán Nam Định.

Quá trình công tác như sau:

- Từ năm 1976 đến năm 1981: Sinh viên Đại Học Tổng Hợp (Khoa Anh Văn) TP.HCM

- Từ năm 1982 đến năm 1988: Giáo viên Anh văn tại trường Cao Đẳng Sư Phạm TP.HCM

- Từ năm 1988 đến năm 1989: Đại Diện cho Công ty TICO LTD (Nhật Bản) tại TP.HCM

- Từ năm 1989 đến năm 1996: Trợ lý đại diện cho Công ty CIMMCO  (Ấn Độ) tại TP.HCM

- Từ năm 1996 đến năm 1999: Chuyên viên Công ty Dịch vụ Cơ Quan Nước Ngoài (FOSCO), Hiệu trưởng trường FOSCO Khai Minh, TP.HCM

- Từ năm 1999 đến năm 2000: Giám Đốc Điều Hành American Business College (Cao Đẳng Doanh Thương Hoa Kỳ) 100% vốn nước ngoài tại TP.HCM

- Từ năm 2001 đến năm 2005: Giám đốc Tuyển dụng và Giám đốc Nhân sự Công ty Manulife (Canada) tại thành phố Hồ Chí Minh;

- Từ năm 2006 đến nay: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ – Tư vấn – Đầu tư Doanh Thương Mỹ Á.

Diệu Linh