Triều Tiên bất ngờ trả tự do cho 2 công dân Mỹ

09/11/2014 08:11
Nguyễn Hường
(GDVN) - Triều Tiên đã trả tự do cho 2 công dân Mỹ bị kết án còn lại và giúp họ trở về nước vào ngày 8/11.

Kenneth Bae và Matthew Todd Miller, hai người Mỹ bị kết án tù lao động khổ sai tại Triều Tiên đã trở về Mỹ cùng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI)James Clapper. 

Bae, một nhà truyền giáo bị bắt tại Triều Tiên vào tháng 10/2012 và bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì "những tội ác chống lại nhà nước". Miller bị bắt giam hồi tháng 4 năm nay với cáo buộc gián điệp và bị kết án lao động khổ sai 6 năm.

Matthew Todd Miller (giữa).
Matthew Todd Miller (giữa).

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng trả tự do cho các công dân của mình với lý do nhân đạo. Nhưng hiện chưa rõ lý do Triều Tiên quyết định trả tự do cho hai người Mỹ trên. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi đây là một sự kiện "tuyệt vời" và vai trò của ông Clapper. Trong khi đó, một quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters rằng động thái này của Bình Nhưỡng sẽ không làm Washington thay đổi lập trường của mình về phi hạt nhân hóa và nhân quyền đối với Triều Tiên.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng hoan nghênh việc Bình Nhưỡng trả tự do cho hai công dân Mỹ và bày tỏ hy vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục tích cực cải thiện quan hệ và hòa bình, an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Hai công dân Mỹ được trả tự do chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu một chuyến công du đến châu Á, trong đó sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về cách Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia này.

Kenneth Bae - nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Quốc.
Kenneth Bae - nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Quốc. 

Theo truyền thông phương Tây, ông Clapper đã bí mật đến thăm Triều Tiên như một "đại diện" của Washington để thảo luận với Bình Nhưỡng về việc trả tự do cho hai người Mỹ trên. 

Vụ thả hai công dân người Mỹ được thảo luận vài ngày trước và Triều Tiên đã yêu cầu một đặc phái viên cao cấp của Mỹ tham gia. Ông Clapper đã được chọn làm đại diện tới Bình Nhưỡng, nhưng không có dấu hiệu cho thấy ông đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến đi lần này. 

Lý giải về động thái bất ngờ trên của Bình Nhưỡng, Victor Cha từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng điều đó có nghĩa là Triều Tiên muốn trấn an ông Obama trước chuyến đi Châu Á và rằng Bình Nhưỡng đang cảm thấy sức nóng quốc tế từ các nghị quyết của LHQ.

Tuy nhiên, hồi đầu tuần này, Triều Tiên tuyên bố sẽ không nhượng bộ trong các cuộc đối thoại về nhân quyền và hạt nhân với "kẻ thù" của mình./.

Nguyễn Hường