Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc muốn sống hòa hợp với các nước láng giềng

10/11/2014 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - "Chúng tôi có trách nhiệm tạo ra và thực hiện một giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương cho người dân trong khu vực", ông Tập Cận Bình phát biểu.
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Giám đốc điều hành APEC tại Bắc Kinh ngày hôm qua. Ảnh: Yahoo News.
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Giám đốc điều hành APEC tại Bắc Kinh ngày hôm qua. Ảnh: Yahoo News.

South China Morning Post ngày 9/11 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa cung cấp cho cộng đồng quốc tế một tầm nhìn mới của người Trung Quốc theo định hướng "ước mơ châu Á - Thái Bình Dương", lặp đi lặp lại câu nói cửa miệng nhưng không bao giờ xác định rõ "giấc mộng Trung Hoa" của mình.

"Chúng tôi có trách nhiệm tạo ra và thực hiện một giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương cho người dân trong khu vực", ông Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Giám đốc điều hành APEC tại Bắc Kinh, một cuộc họp của các nhà lãnh đạo kinh doanh trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC.

Một giấc mơ như vậy được ông Bình miêu tả là "dựa trên một vận mệnh chung của tất cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương", hòa bình kết hợp với phát triển và cùng có lợi. Khu vực hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bao gồm 40% dân số thế giới, gần một nửa tổng giá trị thương mại toàn cầu và hơn một nửa tổng GDP toàn thế giới.

Trung Quốc sẽ tập trung vào quản lý tốt công việc của mình trong khi tìm cách mang lại nhiều lợi ích cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới nhờ sự phát triển của riêng mình, Tập Cận Bình nói.

"Là một quốc gia có sức mạnh tổng thể phát triển, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp những sáng kiến và tầm nhìn mới để tăng cường hợp tác khu vực. Trung Quốc muốn sống hòa hợp với tất cả các nước láng giềng", ông Tập Cận Bình phát biểu.

Tuy nhiên Bắc Kinh đang lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã khẳng định tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp - PV) của mình một các vững chắc hơn ở cả hai khu vực.

Kể từ khi nhậm chức gần 2 năm trước, Tập Cận Bình đã thường xuyên nhắc đến "giấc mơ Trung Quốc", một thuật ngữ không xác định nhưng tạo ra nhiều cuộc thảo luận với ý nghĩa của sự hồi sinh, và ông đã nói đến "sự phục hồi vĩ đại của dân tộc Trung Hoa".

Bắc Kinh là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết và đã tận dụng những thập kỷ dài bùng nổ để biến mình thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới để tăng sức mạnh tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Nhưng đồng thời Trung Quốc không muốn bị lôi kéo vào các cuộc xung đột ở những nơi khác, luôn nhấn mạnh một chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, một lập trường có thể kích hoạt khả năng hợp tác kinh tế với các nhà lãnh đạo phương Tây.

Ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư hơn 1,25 ngàn tỉ USD ra nước ngoài trong thập kỷ tới, trong khi khách du lịch Trung Quốc đi nước ngoài sẽ vượt con số 500 triệu lượt trong 5 năm tiếp theo. "Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội rất lớn với lợi ích và hứa hẹn lâu dài, vô hạn".

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng theo ông Tập Cận Bình, không có gì phải lo lắng. "Một số người lo lắng về việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm tốc độ tăng trưởng và thất bại trong việc vượt qua khó khăn. Thật vậy, có những rủi ro, nhưng chúng không phải điều gì ghê gớm. Ngay cả với tốc độ tăng trưởng khoảng 7% vẫn đặt Trung Quốc ở vị trí những nền kinh tế hàng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng cũng như mức độ tăng trưởng".

Hồng Thủy