Trước một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã lên tiếng, chia sẻ quan điểm của mình.
Theo ông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nên có bao nhiêu Đại tướng?
Từ khi thành lập quân đội, đặc biệt khi có quân hàm (1958), chúng ta vẫn duy trì 3 Đại tướng: Đại tướng với Bộ trưởng Quốc phòng, với Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị và với Tổng Tham mưu trưởng. Đó là truyền thống từ xưa được nối tiếp tới tận bây giờ.
Bộ Quốc phòng đúng nghĩa của nó là lực lượng vũ trang, lực lượng nòng cốt để bảo vệ đất nước khi xảy ra xung đột, chiến tranh. Do vậy việc duy trì 3 Đại tướng của Bộ Quốc phòng tôi nghĩ không có gì phải bàn cãi.
Với Bộ Công an, chúng ta bắt đầu có Đại tướng đầu tiên là ông Mai Chí Thọ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Cho đến nay, Bộ này vẫn chỉ có 1 Đại tướng và tôi nghĩ thế là đủ.
Sáng 6/11, khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Phùng Quanh Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng đã nói: “Không phong tướng, anh em tâm tư”. Ông nghĩ sao về lời phát biểu này?
Tôi cho rằng phát ngôn như thế là không ổn. Không thể nói về vấn đề tình cảm khi phong tướng như thế được. Và tôi tin rằng nhiều tướng lĩnh cũng sẽ không hài lòng với câu nói đó.
Tâm tư là chuyện bình thường, ai chẳng có tâm tư, nhưng khi đặt một vấn đề chiến lược mà lại nói tới tâm tư là không đúng lúc.
Ông nghĩ sao khi Giám đốc Công an Hà Nội và Tư lệnh Quân khu Thủ đô hàm Trung Tướng, còn GĐ Công an TPHCM và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM chỉ là Thiếu tướng?
Đó là do việc phong hàm mang nhiều cảm tính. Hà Nội là thủ đô nên người ta cho rằng việc phong tướng to hơn các tỉnh còn lại 1 bậc là quan trọng. Trên thực tế, nếu đem so sánh chưa chắc đã biết được địa bàn nào giữ vị trí quan trọng hơn địa bàn nào đâu.
Bùn và Ngọc trong “văn hóa công chức Việt”
(GDVN) - Đã là “giặc” thì phải tiêu diệt, thỏa hiệp với giặc có nghĩa là đầu hàng. Chống giặc nội xâm cũng có ý nghĩa như một cuộc cách mạng nhằm quét sạch tham nhũng,
So với Hà Nội, địa bàn TP. HCM cũng là địa bàn cực kỳ quan trọng. Do vậy, khi đã đặt ra mức trần phong tướng thì nên xem Hà Nội hay TP. HCM như nhau chứ không nên có sự “ưu tiên”. Việc gì phải phân biệt hơn kém 1 cấp khi phong tướng cho giám đốc công an các tỉnh? Đó là chuyện vô lý đùng đùng!
Hơn nữa, sao chỉ dừng lại ở Trung tướng mà không phong cho người ta làm Thượng tướng nếu họ xứng đáng? Tôi nghĩ chuyện phong là Trung tướng hay Thiếu tướng không quan trọng bằng việc họ có thực sự xứng đáng để được phong tướng hay không.
Tôi nghĩ tư duy kiểu này không ổn, phải sớm có sự điều chỉnh. Vừa qua việc phong tướng trong quân đội, công an hơi ồ ạt. Nhiều người được phong tướng, nhưng chất lượng rất thấp.
Vậy theo ông để được phong tướng, người đó phải có những tố chất gì?
Muốn được phong tướng cần phải hội tụ đủ các yếu tố sau: Trước hết họ phải có ảnh hưởng xã hội nhất định. Hai là có năng lực. Ba là có trí tuệ. Cuối cùng là sức khỏe.
Thời của chúng tôi muốn được phong tướng phải có công lao và thường là tướng chiến trận. Còn trong thời bình như hiện nay, muốn được công nhận là tướng thì phải có ảnh hưởng xã hội nhất định.
Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Thế nhưng, nhiều đại biểu quốc hội vẫn cho rằng hiện nay chúng ta đang phong quá nhiều tướng. Ông có nghĩ vậy không?
Riêng với việc phong tướng, tôi xin khẳng định không ai có thể nói chính xác bao nhiêu tướng là phù hợp. Tôi không hiểu sao lại có con số không quá 415 tướng?
Có một điều tôi và nhiều đồng đội đã trăn trở từ lâu: lẽ ra phải chọn một số sư trưởng làm tướng bởi chính họ là một trong những trụ cột cho sự phát triển của quân đội đặc biệt trong chiến đấu. Quân đội của các nước xung quanh ta đều có hàm tướng cho sư trưởng.
Chúng ta đang ở trong thời bình, do quá say sưa làm kinh tế nên Việt Nam chỉ quan tâm phong tướng cho các vị bên kinh tế, văn hóa…mà quên mất các sư trưởng. Sư trưởng là trụ cột của quân đội, nhưng rất tiếc nhiều năm nay ta không lưu ý chuyện này.
Cùng với đó, các đại biểu quốc hội cũng cho rằng có quy định thăng cấp thì cũng phải có quy định giáng cấp. Ông có đồng tình với đề xuất trên không?
Nếu vị đó bị kỷ luật đáng giáng cấp thì phải giáng cấp chứ. Chuyện đó là bình thường và trong lịch sử cả ngành công an lẫn quân đội đều đã từng xảy ra. Vấn đề ở chỗ phải đưa quy định trên vào luật thế nào?
Tôi thấy việc cấp hàm hiện nay còn nhiều bất cập mà dăm ba câu thì không thể nói hết được.
Xin cảm ơn ông!