Tạp chí Tồn tại số 34 thuộc tờ QQ News, Trung Quốc có một loạt phóng sự ảnh về sự "hồi sinh" của rác thải nhựa khắp nơi trên thế giới đổ về và biến thành đồ chơi cho trẻ em và vật dụng giá rẻ. Ngược lại, môi trường ô nhiễm và sức khỏe người dân bị đe dọa là những hậu quả thảm khốc mà những người dân nghèo Trung Quốc đang phải gánh chịu từ nền sản xuất công nghiệp giá rẻ đặc biệt này.
Trong hình là một bãi rác trong trung tâm phân loại rác California, Hoa Kỳ. Sau khi được phân loại đơn giản, thủy tinh và kim loại được thu gom xử lý, còn lại toàn bộ rác thải nhựa và giấy sẽ được ép lại và xuất sang Trung Quốc.
Giám đốc kinh doanh trung tâm này nói rằng, xuất rác thải nhựa sang Trung Quốc vừa có thị trường lớn, lại được trả giá cao gấp đôi và bản thân họ cũng không biết người Trung Quốc mua rác này về làm gì.
Ruồi bâu lên đầu lên mặt một đứa trẻ của một công nhân nhà máy chế biến rác thải ở miền Bắc Trung Quốc. Đứa bé được phụ huynh cõng theo trên lưng vào kho rác nồng nặc mùi xú uế, ruồi nhặng bu đầy.
Những thân phận công nhân nghèo ở đây không đủ tiền để gửi con đi nhà trẻ, họ phải mang theo con vào kho rác. Ngày mưa nước đen chảy thành dòng, ngày nắng mùi hôi thối nồng nặc.
Rác thải là thứ hỗn hợp và phức tạp, mất nhiều công sức để phân loại nên không thể dùng máy móc mà chỉ có thể dùng sức người. Nhiều người dân nghèo ở nông thôn nhờ các điểm thu gom xử lý rác thải như thế này mà có công ăn việc làm, trong khi một số giàu lên nhờ nghề chế biến rác.
Những đống rác khổng lồ nhập khẩu từ phương Tây đã góp phần nuôi sống nhiều gia đình đói khổ, nhưng cũng mang đến cho họ không ít bệnh tật.
Cho con bú ngay giữa đống rác thải. Vừa làm vừa có thể trông con, thậm chí bọn trẻ cũng được người lớn huy động tham gia phân loại rác.
Cái gọi là "ngành công nghiệp phế liệu" ở Trung Quốc hầu hết đều tồn tại và phát triển ở quy mô hộ gia đình. Trong khi lợi nhuận của "công nghiệp đồng nát" chỉ tập trung vào tay một số người, những hộ sản xuất nhỏ lẻ như thế này và các tiểu thương buôn bán rác thải chỉ kiếm "bạc cắc".
Như người phụ nữ trong ảnh là chủ cơ sở phân loại và sơ chế rác cũng phải trực tiếp làm. Sau mỗi mẻ nghiền rác, chị luôn có cảm giác bỏng rát mũi.
Một cái ao bị vây quanh bởi rác trong "tiểu khu công nghiệp chế biến rác" ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc nước biến thành màu đỏ vì ô nhiễm. Mặc dù địa phương cũng đã hô hào tổ chức xử lý ô nhiễm nguồn nước, nhưng chẳng có thứ sinh vật nào sống được ở ao nước như thế này.
Trong quá trình xử lý, tái chế rác thải nhựa các xưởng tái chế phải khai thác một lượng lớn nước ngầm nhưng đồng thời cũng xả ra một lượng tương đương nước thải độc hại.
Những con sông, con suối xung quanh các khu làng nghề tái chế rác trở thành sông chết. Không sinh vật nào có thể sống được trong dòng nước đen ngòm và nặng mùi này, nhưng nó lại đang góp phần cho GDP của địa phương.
Ngoài ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, các làng nghề thu gom tái chế rác thải ở Trung Quốc còn gây ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí.
Trong khi đó hầu hết các lao động tham gia nghề độc hại này không có bất cứ thiết bị phòng độc nào, dù đơn giản nhất như khẩu trang, găng tay và kính mắt. Các công nhân ở đây cho biết, ngửi rác quanh năm suốt tháng quen rồi, mũi họ giờ chỉ nhận biết được mùi rác.
Những đứa trẻ thiếu may mắn con cái công nhân nghèo được bố mẹ mang theo vào phân loại rác từ khi còn bú mẹ đã nhiễm đủ thứ bệnh về da, về hô hấp. Đứa trẻ trong ảnh không phải trường hợp cá biệt, mà đại đa số trẻ em ở các làng nghề tái chế rác đều gặp phải vấn đề về sức khỏe.
Một cậu bé bật khóc vì giẫm phải vật nhọn khi đang chạy chơi trong kho rác. Những đống rác thải cao ngồn ngộn luôn ẩn chứa hiểm họa khôn lường nên hầu hết các công nhân ở đây tay ai cũng có sẹo. Trẻ con chơi trong kho rác không giẫm phải mới lạ.
Trong những đống rác thải nhựa này không hiếm rác thải y tế độc hại. Những chiếc bơm kim tiêm đã qua sử dụng lại vô tình trở thành món đồ chơi ưa thích của con nhà nghèo.
Chúng không biết rằng chính cái gọi là "đồ chơi" chúng đang cầm trên tay có thể chứa những mầm bệnh nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của mình.
Bản thân các nhà xưởng tái chế rác cũng tiêu điều không khác gì rác, vô cùng rách nát và nguy hiểm. Hàng năm đều xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong các xưởng tái chế rác ở Trung Quốc. Có những công nhân mất đi cả bàn tay khi đang làm việc.
Hỏa hoạn còn là nỗi sợ kinh hoàng hơn với những ngôi làng chuyên tái chế rác. Nhựa là chất liệu rất dễ cháy, một khi bén lửa xung quanh bốn bề đều là nhựa thì hậu quả khôn lường.
Đằng sau bệnh tật và cái chết dần chết mòn của những người dân nghèo ngày ngày phân loại và sơ chế rác, rác thải nhựa mua tận trời Tây đã biến thành các món đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng đủ màu sắc với giá cả rất rẻ.
Điều ngạc nhiên là, trong số đơn đặt hàng những món đồ chơi này có cả Anh, Nhật Bản, New Zealand, Ý, và thậm chí cả Mỹ.
Trong hình ảnh là các sản phẩm giá rẻ nguồn gốc từ rác thải do Trung Quốc sản xuất tràn ngập một góc siêu thị ở California, Hoa Kỳ, nơi rác thải được phân loại và xuất bán sang Trung Quốc.