Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Myanmar. |
Bloomberg News ngày 14/11 đưa tin, tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các nước không làm thay đổi thực trạng các bãi đá, rặng san hô và bãi cát ngầm ở Biển Đông. Đây cũng là câu trả lời bằng văn bản của Thủ tướng gửi Bloomberg News sau khi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Việt Nam đang theo đuổi các cuộc đàm phán để xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông trong khi công khai phản đối các hành động (xâm phạm chủ quyền Việt Nam) của Trung Quốc và tìm kiếm mối quan hệ hợp tác kinh tế, quốc phòng gần gũi hơn với Mỹ và các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ.
Alexander Vuving, một nhà phân tích châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tân Nghiên cứu an ninh Hawaii cho rằng Việt Nam đang nỗ lực cân bằng ảnh hưởng, bởi có những yếu tố cạnh tranh và hợp tác trong chiến lược. Cách tiếp cận này một mặt là để ngăn chặn Trung Quốc (bành trướng, xâm phạm lãnh thổ - PV), mặt khác cũng để trấn an Trung Quốc về ý định hòa bình của mình.
Cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Obama diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung xấu đi sau vụ Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam. Theo giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc, Việt Nam đang tìm cách đảm bảo (xác nhận) rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiến lược tái cân bằng sang châu Á.
Tuong Vu, một giáo sư khoa học chính trị tại đại học Oregon nói với Bloomberg News qua điện thoại, nếu không có các tổ chức quốc tế hoặc một bên quyền lực thứ 3 tham gia vào vấn đề Biển Đông, Trung Quốc sẽ dễ dàng (tìm cách) khống chế Việt Nam. Bắc Kinh muốn làm chậm mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.
Theo Alexander Vuving, nếu Việt Nam hướng trọng tâm vào quan hệ với Trung Quốc trong khi phải bảo vệ lợi ích chủ quyền và kinh tế của mình sẽ "gây nguy hiểm" cho ngoại giao của Việt Nam.
Tờ The Wall Street Journal ngày 12/11 bình luận, trong bối cảnh gần đây Trung Quốc thực hiện thủ đoạn tiếp cận kết hợp "cây gậy và củ cà rốt" ở Biển Đông với một chính sách sẵn sàng "thưởng" cho đối tác trong khu vực bằng cách hợp tác thương mại và phát triển quan hệ sâu sắc hơn sẽ khó có thể hình thành một mặt trận thống nhất đối phó, ngăn chặn các hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Philippines đã từng hy vọng sự hung hăng của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam sẽ khiến các nước láng giềng lo ngại và thống nhất hơn trong đối phó. Nhưng với những gì diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á tuần này ở Myanmar, khả năng này đã giảm xuống nhanh chóng.