Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng chi phí dự kiến 18,7 tỷ USD vẫn là một vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều tại giữa các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội. Chiều nay (14/11), Quốc hội sẽ dành thêm thời gian để thảo luận về tính khả thi của dự án.
Làm cách nào thu hút khách?
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP.HCM) chỉ rõ, việc Bộ GTVT đưa ra các con số ở giai đoạn 1 là 25 triệu khách, giai đoạn 2 đạt 50 triệu khách và giai đoạn 3 là 100 triệu khách, nhằm cạnh tranh với 3 sân bay của Thái Lan, Singapore và Malaysia, nghe qua thì tưởng là đúng, nhưng phân tích kỹ thì sẽ thấy nhiều điểm chưa rõ.
“Nếu so sánh với Thái Lan, Malaysia, Singapore về kinh tế nội lực và thương mại xuất nhập khẩu thì chúng ta đều thua xa”, ông Thiện nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam kỳ vọng đạt 8 triệu khách du lịch năm 2014, trong khi đó Singapore chỉ với 5,5 triệu dân đã đạt con số 15,5 triệu khách du lịch quốc tế (tức là gần gấp hai lần Việt Nam); Thái Lan với 65 triệu dân cũng đã đạt 25 triệu khách du lịch quốc tế (gấp 3 lần Việt Nam); Malaysia với 30 triệu dân cũng đã có 30 triệu khách du lịch (cao hơn gần 4 lần Việt Nam).
“Chúng ta nói tới công suất thiết kế mới chỉ là kỳ vọng còn thực tế thì có thể hoàn toàn khác, vì chúng ta chưa phân tích các yếu tố về vận hành tại cảng hàng không cũng như kỹ thuật công nghệ. Về mức độ thu hút khách du lịch qua các dịch vụ cũng chưa được phân tích, làm rõ. Tôi lấy thí dụ, cảng hàng không quốc tế HongKong với diện tích 1.255 héc-ta năm 2010 đã đạt 50 triệu khách/năm, năm 2013 đạt gần 60 triệu khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa. Một thí dụ khác là sân bay Chandi của Singapore chỉ có 1.300 héc-ta nhưng đạt công suất 43 triệu khách/năm. Như vậy ở đây không phải vấn đề diện tích (tức là hoàn toàn có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất – PV)”, ông Thiện cho hay.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Thiện đề nghị sau năm 2020 mới tính đến triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Diệu Linh. |
Bên cạnh đó, có một câu chuyện mà không nhiều người biết, đó là Hãng hàng không Lufthansa (Đức) đã hủy đường bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất và chuyển sang Thái Lan. Trước sự việc này, Đại biểu Thiện đặt vấn đề: “Chúng ta đã làm gì mà họ lại hủy việc hợp tác? Ấy vậy mà khi đầu tư dự án thì vẫn nói là 25 triệu khách, 50 triệu khách, rồi 100 triệu khách, còn làm thế nào để thu hút khách du lịch thì chưa hề nói đến. Tôi được biết thông tin mới nhất chỉ có 6% khách quốc tế muốn trở lại Việt Nam”.
Sau 2020 mới nên tính chuyện đầu tư dự án
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cũng cho rằng, cần phải làm rõ tính ưu tiên và thứ tự ưu tiên của dự án Cảng hàng không Long Thành trong quy hoạch của ngành giao thông vận tải.
Dự án sân bay Long Thành chưa đủ căn cứ để Quốc hội quyết định
Ông Thiện dẫn thí dụ: Về quy hoạch của ngành giao thông vận tải nói chung là quá lớn và đầu tư dàn trải. Quy hoạch đường bộ có 5 hệ thống xuyên quốc gia là Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường cao tốc Bắc – Nam; Quy hoạch 55 cảng biển và thực hiện 39 cảng biển; đường sắt hiện nay rất kém và đang quy hoạch lại; Đối với hàng không thì có 21 sân bay hàng không dân dụng, trong khi đó lại dồn cho sân bay Long Thành 18,7 tỷ USD là chưa thỏa đáng.
“Quy hoạch của ngành giao thông vận tải là rất lớn cho nên phải liệu cơm gắp mắm, vì cùng một lúc làm nhiều dự án là bất hợp lý, trong khi tiến độ chậm, chất lượng thấp, nhiều dự án đầu tư xong khai thác chưa có hiệu quả. Nợ công của chúng ta đã đạt ngưỡng tương đương 114 tỷ USD, bội chi ngân sách là 224 nghìn tỷ, trong khi tỷ lệ trả nợ là 208 nghìn tỷ.
Tôi đưa ra những con số này để đặt câu hỏi rằng: Liệu đầu tư sân bay Long Thành lúc này đã thực sự cần thiết chưa? Trong khi đó đầu tư cho con người thì lại rất phải suy nghĩ, như là chuyện tìm đâu ra tiền để tăng lương. Đấy là còn chưa kể dự án của các bộ ngành khác cũng đều cho rằng dự án đều cần thiết, tính cấp thiết rất cao. Nếu sau này đầu tư, tôi đề nghị nên xây dựng phương án mời các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư dự án để tính đúng, tính đủ khai thác có hiệu quả dự án này”, ông Thiện nói.
Bên cạnh đó, ông Thiện cũng đề nghị phải hết sức lưu tâm tới vấn đề giải tỏa bồi thường đất với 5.000 héc-ta trong giai đoạn 1 có ảnh hưởng tới 14 nghìn người dân. Đa số các dự án từ trước tới nay chỉ tính đến bồi thường hỗ trợ cho người dân và coi như xong, trong khi đó vấn đề tái định cư vẫn là nỗi nhức nhối lớn, vì người dân trong vùng dự án không được an cư theo đúng nghĩa, đến nơi ở mới chưa chắc đã có được đời sống bằng nơi ở cũ.
Vì vậy, dự án này phải có cách tính khác, phải làm rõ vấn đề tái định cư, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp do không còn trồng được cây cao su. Người dân ở vùng dự án phải di chuyển tức là chịu thiệt thòi. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền là Thủy điện Thác Bà sau khi xây dựng 40 năm thì nhiều thôn bản ở địa phương vẫn không có điện kéo về.
Ông Thiện chốt lại: “Dự án này về tính cấp thiết đề ra mới chỉ là tính toán chủ quan, do đó tôi đề nghị dự án này lùi lại ít nhất sau năm 2020 nền kinh tế phát triển tốt hơn, GDP tăng trưởng hơn, lúc đó sẽ có điều kiện để đầu tư”.