Bên lề kỳ họp chiều 14/11, TS.Trần Du Lịch (đại biểu đoàn TP.HCM) đã chia sẻ với báo chí về ý tưởng đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển nhằm khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển có khả năng đóng góp tới 40% GDP.
- Thưa ông, vì sao ông và một số Đại biểu Quốc hội ủng hộ thành lập Bộ Kinh tế biển?
TS. Trần Du Lịch: Phát triển kinh tế biển có rất nhiều vấn đề trong đó có tài nguyên biển đảo, ngư nghiệp, dầu khí, cảng biển và kể cả các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Đây là một lợi thế của phát triển kinh tế Việt Nam mà tôi gọi là có cái mặt tiền. Tiềm năng đó có thể phát triển lên đến 40% GDP nhưng hiện nay bị chia ra quá nhiều bộ ngành quản lý.
Chúng ta có Tổng cục biển đảo của Bộ Tài nguyên; Cục ngư nghiệp của Bộ Nông nghiệp; Du lịch thì thuộc Tổng cục du lịch; các khu công nghiệp ven biển thì do Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Điều tra khoa học cơ bản thì thuộc Bộ Khoa học Công nghệ… tất cả những cái đó tản mạn ra và không có sự phối hợp để phát triển tốt nhất.
Ông Trần Du Lịch: Kinh tế biển sẽ chiếm 40% GDP Việt Nam, do đó thành lập Bộ Kinh tế biển là rất cần thiết. Ảnh: Ngọc Quang. |
Nhằm phát huy thế mạnh này, chúng tôi từ lâu đã đề xuất phải có một Bộ Kinh tế biển, từ khâu thăm dò khai thác nghiên cứu khoa học cho đến quy hoạch, đầu tư… Tôi nói là có thể phải bớt bộ khác, nhưng mà phải có bộ này. Tôi nói thật sự là hiện nay nhiều bộ chúng ta cứ đẻ ra Tổng cục, rồi các cục quá nhiều, trong khi cái chúng ta cần thì lại cứ sợ nên không làm.
Vấn đề tiếp theo một bộ quản lý nhà nước như vậy thể hiện đánh giá đất nước ta hoàn toàn độc lập, tầm quan trọng nằm ở đó, thành ra cần phải thành lập một bộ như vậy. Chúng tôi đề nghị trong nhiệm kỳ này thì chưa đẻ bộ này nhưng khi vào nhiệm kỳ mới tổ chức lại các cơ quan bộ và ngang bộ thì tính toán lại để làm sao có được Bộ Kinh tế biển.
Tôi nói lại là có nhiều ý kiến này sau Hội nghị trung ương 4 chứ không phải bây giờ mới nói. Nhiều lần chúng tôi dự các hội thảo kinh tế biển đã đưa ra các đề xuất này.
- Như ông nói hiện nay các lĩnh vực liên quan tới biển có nhiều bộ quản lý, vậy khi thành lập ra Bộ Kinh tế biển thì gom tất cả về bộ này?
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): "Chủ trương chung trong nghị quyết đại hội Đảng đã nêu rõ trong những năm tới thu từ kinh tế biển phải chiếm 40% GDP của đất nước, nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để đạt được? Nếu thực sự kinh tế biển mà chiếm được từ 40% GDP trở lên thì đáng có một cơ quan quản lý biển, ví như Bộ quản lý biển. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn là hiện đất nước đang khó khăn, chúng ta đang tinh giảm biên chế thì có nên thành lập bây giờ hay chờ thời điểm khác". Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): "Việc quản lý biển nên quy về một đầu mối, chứ hiện nay việc quản lý rất chống chéo. Ở một số nước họ thành lập Bộ biển và hải dương, ở Nhật Bản thì có Bộ phòng vệ bờ biển... quản lý chuyên về lĩnh vực biển thì rất tốt. Việc thành lập bộ ngành như hiện nay theo tôi cần nghiên cứu thêm vì ở nhiều nước không thành lập nhiều bộ, ngành như ở nước mình đâu, làm gì mà có những 22 bộ ngành, theo tôi cần phải sắp xếp lại các bộ ngành hiện nay".
TS. Trần Du Lịch: Tôi không nói là dồn hết về Bộ đó, nhưng nó sẽ là đầu mối tổng hợp để điều hành, chứ không phải lập ra rồi lấy hết các tổng cục, các cục ở những bộ khác đưa về đó. Cần phải thống nhất về chính sách để phát triển và thống nhất về mặt quy hoạch. Thí dụ đó là vấn đề ngư nghiệp mà Bộ Nông nghiệp đang quản lý, hay là xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá, rồi huấn luyện cho ngư dân… Cho nên chúng ta cần một bộ như vậy để đặt Bộ Kinh tế biển để làm một động lực trong cạnh tranh.
- Thành lập ra một Bới sẽ phình biên chế, thưa ông?
TS. Trần Du Lịch: Tôi nghĩ rằng phình ra thì chúng ta phải bớt chỗ khác, không làm thì lâu nay nó vẫn phình cơ mà. Chúng ta phải giảm đầu mối, tôi nói thật là một số Bộ trước đây nhập lại số thứ trưởng có giảm đâu; ba bốn bộ nhập lại có giảm được đâu mà sợ phình.
- Bộ này khác Bộ Thủy sản ngày trước không, thưa ông?
TS. Trần Du Lịch: Bộ này hoàn toàn khác Bộ Thủy sản, vì nó quản lý tất cả tài nguyên biển đảo, gồm các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật; rồi vấn đề bảo vệ bờ biển, môi trường biển. Tôi cũng đề nghị xây dựng luật kinh tế biển, chứ còn luật hiện nay Luật tài nguyên môi trường biển không chế định được cái gì cả. Tại điều 8 của Luật này quy định các điều cấm thì luật khác quy định hết cả rồi.
Đối với luật này phải chú trọng bốn vấn đề: Thứ nhất đối tượng kinh tế là gì? Thứ hai là phải quy định cho được nội dung kinh tế biển là gì? Thứ ba là vấn đề khai thác trong kinh tế biển? Thứ tư là các biện pháp chế tài trong vấn đề vi phạm các quy tắc bảo vệ chủ quyền biển. Trên quản lý tổng thể như vậy thì việc quản lý nhà nước sẽ thống nhất, tạo ra sức mạnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!