Tổng thống Myanmar và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. |
South China Morning Post ngày 15/11 đưa tin, Trung Quốc và Myanmar đã ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 8 tỉ USD khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kết thúc chuyến thăm Myanmar, động thái cho thấy Bắc Kinh đang tham gia tranh giành ảnh hưởng với Washington tại quốc gia Đông Nam Á này.
Các thỏa thuận thương mại bao gồm 200 triệu USD dành cho xóa đói giảm nghèo và một thỏa thuận xuất khẩu 100 ngàn tấn gạo Myanmar sang Trung Quốc. Lý Khắc Cường đã hội đàm với Tổng thống Myanmar Thein Sein và đến thăm một trường học trước khi trở về Bắc Kinh.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà, ông Cường cho biết Trung Quốc rất ủng hộ Myanmar tiếp tục phát triển theo con đường phù hợp và Bắc Kinh cam kết sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác song phương.
"Myanmar là quốc gia đầu tiên ở châu Á giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ổn định biên giới chung đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ song phương và sự giao lưu hợp tác giữa nhân dân hai nước", ông Lý Khắc Cường bình luận.
Tuyên biên giới Trung Quốc - Myanmar dài 2200 km được phân định bằng một hiệp ước ký năm 1960 giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng U Nu, loại bỏ tất cả các tranh chấp lãnh thổ.
Cam kết hỗ trợ tài chính được Lý Khắc Cường đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Obama gặp lãnh đạo đảng đối lập Myanmar bà Aung San Suu Kyi. Trong chuyến thăm ông Obama tái khẳng định cam kết của Washington giúp Myanmar thông qua quá trình chuyển đổi dân chủ hơn.
Các thỏa thuận được ký kết giữa Trung Quốc với Myanmar một quốc gia có vị trí chiến lược, giàu tài nguyên nông nghiệp, tài chính và năng lượng. Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đã được cung cấp đủ gạo nhưng vẫn nhập thêm từ Myanmar sau khi "xem xét nhu cầu" của Naypiydaw.
Trung Quốc và Myanmar đã có truyền thống quan hệ chặt chẽ dựa vào nhau, Myanmar cần dựa vào một nước láng giềng hùng mạnh để hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao khi bị phương Tây trừng phạt trước khi bắt tay vào cải cách chính trị 4 năm về trước. Những cải tổ này khiến Bắc Kinh lo lắng chính phủ kế tiếp chính quyền quân sự Myanmar có thể ngả về Washington.