Rất nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ra thực trạng đáng buồn này tại nhiều cơ quan hưởng lương ngân sách nhà nước, trong khi đó chính sách tuyển dụng người tài thì vẫn dậm chân tại chỗ. Tình trạng này bao giờ mới được cải thiện?
Kém đức, kém tài, nhưng giỏi chạy
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt ra vấn đề cần phải làm rõ: "Hiện nay có bao nhiêu trường hợp học giả, bằng thật? Có bao nhiêu trường hợp học giả, bằng giả? Giải pháp nào để cơ cấu lại cụm từ mà dư luận xã hội đang nói về tuyển dụng cán bộ hiện nay là "tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, trí tuệ". Cũng có ý kiến cho rằng, đầu tư cho việc được tuyển dụng, được thẳng tiến giống như đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh. Khi đạt được mục đích thì tìm mọi cách để thu hồi vốn".
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng có chung tâm trạng này. Ông Tính cho biết, hiện nay nhiều cán bộ và cử tri lo ngại và phản ánh đó là việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức biểu hiện nhiều tiêu cực.
"Tình trạng chạy chức, chạy việc ngày càng lộ diện rõ hơn và có nơi gần như công khai, đó là "nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ". Kém đức, kém tài, nhưng giỏi chạy ngày càng nhiều. Thực trạng là thế nhưng ít người chịu thừa nhận", ông Tính cho hay.
Nhiều Đại biểu Quốc hội nêu thẳng vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy công chức diễn ra phổ biến. Ảnh minh họa: VNN |
Trong khi đó, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề cập tới những thủ tục rườm rà tại nhiều cơ quan nhà nước hiện không phải do luật mà do cán bộ tự nghĩ ra để hành dân.
"Tìm hiểu về nguyên nhân vì sao thủ tục hành chính ở một số ngành, một số lĩnh vực vẫn rườm rà, phức tạp, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, xét về nguyên nhân, rất tiếc không phải là chúng ta thiếu các quy định, mà cơ bản xuất phát từ chính những người trong cuộc. Một bộ phận cán bộ, công chức không muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà tìm mọi cách để hành dân và hành doanh nghiệp. Đây là một nhận xét cách đây 20 năm nhưng rất tiếc vẫn còn đúng với ngày hôm nay. Tôi cho rằng nếu không có bước đột phá thì có thể 10 năm sau vẫn lặp lại nhận xét này", ông Hùng nói.
Thi tuyển "cào bằng", không chọn được người tài
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) dẫn thí hai thí dụ chứng minh sự bất cập trong chính sách tuyển dụng người tài vào cơ quan nhà nước:
Chuyện thứ nhất, vào ngày 31/7 vừa qua, tại Hội thảo về Tự chủ các trường đại học, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ đã phát biểu: "Tôi và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể ký được mức lương cho Giáo sư Ngô Bảo Châu" và chỉ rõ: "Đây là một hiện tượng chỉ mang tính đơn lẻ nhưng lại phản ánh những bất cập của cơ chế, chính sách về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập về thu hút người có tài, có kinh nghiệm vào công tác tại các cơ quan nhà nước".
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): "Hiện nay có tình trạng người có năng lực không vào cơ quan nhà nước, có vào rồi thì lại ra, đi khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều. Ngược lại người kém năng lực lại gia tăng trong khu vực nhà nước, chính điều này làm gia tăng con người hành chính sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Vì sao số công chức tận tâm với công việc và sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhát, chỉ một dạ hai vâng, lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính, cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?
Chuyện thứ hai, vào tháng 8/2014, thầy Đặng Minh Tuấn giáo viên hợp đồng của Trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam trượt viên chức Hà Nội. Thầy Tuấn đã từng đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý; Tốt nghiệp đại học Paris 11; Thạc sỹ tại đại học Lyon - Pháp; từng thực tập tại trung tâm hạt nhân Châu Âu.
Khi giảng dạy tại Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, thầy đã có nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh đi thi quốc tế đạt nhiều giải cao. Thầy có khả năng giảng dạy môn Lý bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tuy nhiên, thầy Tuấn lại được nhắc đến trên báo chí vì đã trượt trong kỳ thi tuyển viên chức trong năm 2014 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Được biết thầy Tuấn đạt 60/100 điểm với cách tính điểm dựa trên tổng số điểm học tập tại trường đại học và dạy một tiết học.
"Qua tìm hiểu có thể nói rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam đều đã làm đúng theo các quy định của Sở và Bộ Nội vụ về tuyển cán bộ. Nhưng kết quả tuyển dụng lại không thuyết phục và chưa thật phù hợp với thực tế khách quan. Qua hiện tượng nêu trên và còn nhiều hiện tượng như vậy trong thực tế, tôi nhận thấy cách thức ra đề thi, quy trình tuyển công chức, viên chức hiện nay không đảm bảo tính phân loại để tuyển chọn được những người giỏi, người tài, người phù hợp, mà còn mang tính cào bằng", bà Hải chỉ rõ.