"Trung Quốc đang dùng đồng tiền đúng cách"

18/11/2014 14:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Đối với Trung Nam Hải thì sự mềm mại trên mặt trận kinh tế hay đi đôi với sự cứng rắn, hung hãn về an ninh, chủ quyền, bà Varrall bình luận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã gặt hái thành công trong chính sách đối ngoại hậu APEC, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ xuống thang ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã gặt hái thành công trong chính sách đối ngoại hậu APEC, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ xuống thang ở Biển Đông.

The Wall Street Journal ngày 17/11 bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo ra một cơn lốc ngoại giao mới khi thể hiện trước cộng đồng quốc tế rằng Bắc Kinh khá thoải mái tìm kiếm những điểm chung với các quốc gia láng giềng đang cảnh giác với Trung Quốc.

Trong một loạt hoạt động ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Myanmar và G20 tại Úc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ vẻ hòa dịu hơn với Nhật Bản, đạt được các hiệp định về biến đổi khí hậu, hợp tác quân sự với Mỹ, cung cấp một hiệp định hợp tác "tình bạn" vơi Đông Nam Á và gợi ý thành lập một mặt trận quốc tế chống tham nhũng.

Bề rộng và chiều sâu của các hoạt động ngoại giao này đã vẽ ra bức tranh về Trung Quốc đã sẵn sàng đặt sang một bên việc phô diễn sức mạnh và những lời dọa nạt, ít nhất là trong thời gian tạm thời. Hôm qua ông Tập Cận Bình tuyên bố tại Úc, Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng vũ lực để đạt được mục đích, phát triển bản thân bằng cách làm tổn hại lợi ích của nước khác.

Đòn tấn công quyến rũ mới nhất của Bắc Kinh đánh dấu một sự tương phản với sự hung hăng của họ trong việc theo đuổi yêu sách lãnh thổ (vô lý và phi pháp - PV) hồi đầu năm nay đã gây ngạc nhiên đối với một số nhà quan sát. 

Những động thái ngoại giao này của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản tìm cách tạo đối trọng có sức thuyết phục trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, còn Washington vẫn bị phân tâm bởi khủng hoảng Ukraine, Thủ tướng Nhật Bản phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.

Merriden Varrall, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện Chính sách quốc tế Lowy, một cơ sở nghiên cứu tại Sydney cho biết, Trung Quốc đang thử nghiệm sử dụng viện trợ và thuyết minh như một công cụ của quyền lực mềm. Họ nhận ra rằng nếu sử dụng đúng cách, nó có thể giúp Bắc Kinh làm ấm quan hệ với những nước khác.

Phát biểu tại Úc hôm Thứ Hai, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng vũ lực để đạt được mục đích.
Phát biểu tại Úc hôm Thứ Hai, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng vũ lực để đạt được mục đích.

Phương pháp tiếp cận mới của Trung Quốc được đưa ra sau một cuộc tranh luận nội bộ dữ dội ở trong nước năm vừa qua, trong đó Bắc Kinh ưu tiên phát triển kinh tế và tránh đối đầu, nhưng lại tỏ ra cứng rắn (hung hăng) trong những gì họ cho là "lợi ích quốc gia cốt lõi".

Hoàng Tĩnh, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore bình luận, các cuộc tranh luận ở đây là liệu Trung Quốc có nên theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên khả năng của mình hoặc dựa trên lợi ích quốc gia một cách phù hợp với những gì họ muốn có được. 

Hiện tại Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở "những gì họ nên làm" chứ không còn là "những gì họ có thể làm", đó là một thay đổi lớn. Phần lớn viện trợ mà Bắc Kinh đang sử dụng cung cấp cho các nước láng giềng là có hiệu quả.

Mặc dù vậy nhiều nước láng giềng vẫn tỏ ra thận trọng, không mấy tin tưởng vào ý định thực sự của Bắc Kinh, bởi đối với Trung Nam Hải thì sự mềm mại trên mặt trận kinh tế hay đi đôi với sự cứng rắn, hung hãn về an ninh, chủ quyền, bà Varrall bình luận.

Tại Myanmar, ASEAN hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về việc tăng cường viện trợ kinh tế và đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và Trung Quốc, trong khi Việt Nam và Philippines đã phải chịu đứng gánh nặng của sự hung hăng từ Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc, Lý Khắc Cường tuyên bố cung cấp 20 tỉ USD cho các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển tại ASEAN. Trong khi Myanmar đang tìm kiếm thắt chặt quan hệ với Mỹ sau nhiều năm bị cấm vận, Bắc Kinh đã cam kết dành cho nước này 8 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, viễn thông và tài chính.

Singapore từ lâu giữ mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ và Trung Quốc nay cũng đã trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng Châu Á do Trung Quốc khởi xướng, bất chấp nỗ lực của Mỹ "reo rắc nghi ngờ" trong các đồng minh châu Á về ý tưởng này. Úc cũng đã chào đốn Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo Trung Quốc "hiểu người Úc nhất" từ trước tới nay.

Hồng Thủy