Kim Jong-un phái đặc sứ đi Nga đề nghị gặp Putin

18/11/2014 15:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Cuối cùng Kim Jong-un cũng quyết định bỏ qua Bắc Kinh sau thái độ lạnh lùng của Trung Nam Hải kể từ khi ông nhậm chức năm 2011.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang ra chỉ thị cho các thuộc cấp. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang ra chỉ thị cho các thuộc cấp. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 18/11 đưa tin, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang muốn xoay trọng tâm chính sách đối ngoại của mình từ Trung Quốc sang Nga và đang cố gắng dàn xếp một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin sau khi Trung Nam Hải nhiều lần từ chối cuộc gặp với Tập Cận Bình.

Ông Kim Jong-un đã trở lại trước ống kính truyền thông sau hơn 1 tháng vắng mặt. Nhà lãnh đạo này đã phái tướng Choe Ryong-hae đi Moscow hôm Thứ Hai với thời gian 8 ngày, nội dung ý định cụ thể của chuyến đi không được tiết lộ. Các nhà phân tích tin rằng Choe Ryong-hae sẽ gặp Putin và cố gắng thiết lập một hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo.

Tướng Choe Ryong-hae cũng sẽ dừng lại thăm Khabarovsk và Vladivostok trên đường từ Moscow trở về nước. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng chuyến đi này của Choe Ryong-hae là một nỗ lực của Bình Nhưỡng để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Tương tác giữa Bình Nhưỡng với Moscow đã tăng vọt trong những tháng gần đây khi Kim Jong-un cố gắng để chấm dứt sự cô lập đối với đất nước mình, trong khi Putin tiếp tục tìm kiếm những giải pháp khác chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Phó nguyên soái Hyon Yong-chol, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Triều Tiên đã sang Moscow và chuyển lời chào của Kim Jong-un đến Putin hôm 8/11. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong cũng đã đến thăm Nga khoảng 10 ngày từ ngày 30/9 vừa qua.

Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae (trái) tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng trước khi lên máy bay đi Moscow ngày hôm qua 17/11.
Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae (trái) tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng trước khi lên máy bay đi Moscow ngày hôm qua 17/11.

Cuối tháng 10, nga thông báo rằng nước này sẽ giúp Triều Tiên nâng cấp khoảng 3000 km đường sắt để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này. Trong tháng 11 Nga cũng tuyên bố xóa 90% nợ cho Bắc Triều  Tiên.

Sự gần gũi ngày càng tăng giữa Moscow với Bình Nhưỡng cho thấy cuối cùng Kim Jong-un cũng quyết định bỏ qua Bắc Kinh sau thái độ lạnh lùng của Trung Nam Hải kể từ khi ông nhậm chức năm 2011. Bắc Kinh không những ủng hộ lệnh trừng phạt Triều Tiên từ Liên Hợp Quốc, mà còn liên tục từ chối thu xếp 1 cuộc gặp gỡ giữa Kim Jong-un với Tập Cận Bình.

Ngoài ra Bắc Triều Tiên cũng đã tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Mông Cổ cũng như một số nước ở châu Âu và châu Phi. Kang Sok-ju, Bí thư Ban bí thư đảng Lao động Triều Tiên thăm châu Âu và Mông Cổ trong tháng 9, Ngoại trưởng Triều Tiên thăm Iran, Nga và Hoa Kỳ. 3 người Mỹ bị Triều Tiên giam giữ cũng đã được thả như một cử chỉ thiện chí.

Trong khi đó Trung Quốc dường như đã có nhiều nỗ lực để "rút chân" khỏi Bắc Triều Tiên. Cựu đại sứ Trung Quốc Vương Ngu Thắng tin rằng Bắc Triều Tiên là một "tài sản tiêu cực" đối với Bắc Kinh. Trung Quốc dường như đang thiếu các nghiên cứu để tìm ra những gì có thể làm với Bình Nhưỡng mặc dù không chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ ngồi yên khi Triều Tiên và Nga gần gũi nhau hơn.

Hồng Thủy