Giáo dục và câu chuyện “gãi từ vai trở xuống”

20/11/2014 13:51
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Nhiều người đặt câu hỏi “tại sao nền giáo dục Việt Nam lại như vậy” nhưng chính họ lại rất ít có câu trả lời, thậm chí biết mà không dám trả lời.

Người Việt đã xuất khẩu tầu ngầm sang Malaysia, đã chế tạo xe bọc thép cho Campuchia, đã chế tạo máy bay trực thăng, dù chưa bay cao, bay xa cũng được trưng bày như một minh chứng cho nghệ thuật đương đại ở viện bảo tàng New York (Mỹ) và Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Busan (Hàn Quốc). 

Điều đáng suy ngẫm là các sản phẩm đó, tuy chưa phải là hoành tráng, tân tiến song lại đáp ứng được nhu cầu của người mua và kỳ lạ hơn lại chỉ do một vài cá nhân sáng tạo ra chứ không phải là của một tập thể các nhà khoa học, của các giáo sư, tiến sĩ.

Quay về quá khứ, hàng vạn mũi tên đồng và các bộ phận nỏ Liên châu tìm được ở di tích Cổ Loa đã chứng minh rằng từ xa xưa người Việt đã sáng tạo ra những thứ độc đáo mà thế giới lúc đó chưa có.

Mũi tên đồng tại Thành Cổ Loa
Mũi tên đồng tại Thành Cổ Loa                                                                      

Ngày nay, công nghiệp ô tô của Việt Nam thua Campuchia, kỹ thuật của Việt Nam chưa thể sản xuất cái ốc vít cho các mặt hàng điện tử của Sam Sung là điều nhiều người cho là bình thường, không phải người Việt nào cũng ứa nước mắt vì sự yếu kém đó.

Vậy thì người Việt thông minh, sáng tạo hay dốt nát, lười biếng?

Nhân loại kinh ngạc vì Việt Nam là một trong những nước uống bia đứng đầu thế giới, là một trong 10 quốc gia mà lượng người “chém gió” trên facebook đứng đầu thế giới.

Còn về khoản “ít sĩ diện” thì người Việt thuộc vào hàng nào?

Giáo dục và câu chuyện “gãi từ vai trở xuống” ảnh 2Làm Bộ trưởng giáo dục khó hay dễ?

(GDVN) - Dựa trên những việc làm còn chưa được như lời hứa của vị tư lệnh ngành giáo dục, người ta dễ tự vấn: Thời nay, ở Việt Nam làm Bộ trưởng thật khó?

Không ít bài báo biện minh cho chuyện vì sao các doanh nghiệp Việt không đầu tư công nghệ sản xuất ốc vít, rồi cũng có bài viết biện minh cho hành động của người đàn ông nước mắt đầm đìa vì bị bắt chẹt khi mua điện thoại di động ở nước ngoài…Đi khắp Thủ đô, chỗ nào cũng có thể ngồi ăn, từ vỉa hè đến thảm cỏ công viên, ngay cả bên cạnh… lỗ cống, chỗ nào cũng có thể vứt rác,… Có ai xấu hổ khi đọc dòng chữ “cấm đái bậy” kẻ ở khá nhiều vị trí công cộng? Sĩ diện thế là cao hay thấp?

Ăn ngon hơn ngày xưa, mặc đẹp hơn ngày xưa, đồ dùng cá nhân “xịn” hơn ngày xưa, mỹ phẩm nhiều hơn ngày xưa nhưng không ít người Việt bây giờ tầm vóc và sức khỏe kém hơn thời chống Mỹ. Khá nhiều người, nhất là lớp trẻ bây giờ xấu hơn ngày xưa, kém hơn ngày xưa xét về phương diện đạo đức và văn hóa cộng đồng.

Có quan chức, học giả kể cả người dân quy lỗi cho ngành Giáo dục, rằng giáo dục Việt Nam tụt hậu so với khu vực vài chục năm chứ chưa cần so với phương tây, rằng lãnh đạo ngành Giáo dục hứa nhiều mà làm được chẳng bao nhiêu, rằng vân vân và vân vân.

Nói nhiều như thế nhưng câu hỏi “tại sao nền giáo dục Việt Nam lại như vậy” thì lại rất ít câu trả lời, thậm chí biết mà không dám trả lời.

Nền giáo dục của chúng ta là một “nền giáo dục định hướng”, một khi đã định hướng thì khó tránh khỏi có lúc duy ý chí. Giáo dục vì thế không thể dạy cho học sinh, sinh viên những gì cuộc sống cần mà chỉ trang bị cho họ cái mà ý chí cần.

Minh họa của Ngọc Diệp (dantri.com.vn)
Minh họa của Ngọc Diệp (dantri.com.vn)

Khi ý chí muốn số giáo sư, tiến sĩ của chúng ta phải dẫn đầu Đông Nam Á thì lập tức giáo dục đáp ứng đủ, khi ý chí muốn tỷ lệ tốt nghiệp phải  “đẹp” thì con số sẽ là xấp xỉ 99%, khi ý chí bảo ưu tiên hàng đầu cho công nghiệp thì việc đào tạo đội ngũ giáo viên các cấp chỉ còn “ưu tiên áp chót”, khi ý chí bảo đội ngũ công chức viên chức Việt Nam có chất lượng rất cao thì tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là 0,46%... [1]

Trở lại chuyện giáo dục, dù có yếu đến mấy về chuyên môn cũng chưa bao giờ có một thầy, cô giáo, một ngôi trường nào dạy học sinh thói ăn cắp, các nhà khoa học cũng chưa bao giờ cho rằng thói ăn cắp là một đặc tính di truyền. Vậy ăn cắp từ đâu mà có?

Câu trả lời không phải tìm đâu xa, ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ĐBQH đoàn Lâm Đồng, ông Nguyễn Bá Thuyền nêu câu hỏi: “Từ năm 1949 -1975 chỉ một ông quản gia quản lý dinh Bảo Đại nhưng không mất thứ gì, sau này bàn giao đầy đủ. Hiện nay, cán bộ quản lý các con dấu, nhưng tài sản vẫn hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân?” [2]

“Tài sản hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân” tức là mất cắp, mà đã mất cắp thì tất phải có kẻ ăn cắp, đạo lý ấy người dân hiểu rất rõ, chỉ có một số người “quản lý các con dấu” (như cách nói của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền) là chưa chịu tìm hiểu hoặc tìm mà không hiểu!

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) khi đề cập đến trường hợp nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nêu ý kiến: “nếu chỉ công khai từ vai trở xuống, nhân dân sẽ không tin...”. [1]

Điều mà đại biểu Lê Nam ví von càng nghĩ càng thấy chí lí.

Giáo dục và câu chuyện “gãi từ vai trở xuống” ảnh 4Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa

(GDVN) - Giáo dục bằng cách “cấm” là giáo dục từ ngọn, phải giáo dục cho học sinh nhận thức được cách tôn trọng người khác thông qua sự tôn trọng chính bản thân mình.

Bởi vậy, phê phán, đánh giá một số chức danh có phiếu tín nhiệm cao còn thấp, quả thật mới chỉ  “từ vai trở xuống” thì lỗi không hoàn toàn ở phía các Bộ trưởng. Nói thế không phải là bảo Y tế, Giáo dục, Nội vụ, Văn hóa, Công thương… không có lỗi mà chỉ muốn nêu một ý kiến chân thành, rằng chẳng việc gì phải xấu hổ một khi các vị tư lệnh ngành có ý định quay về lĩnh vực chuyên môn, dư luận chắc chắn sẽ rất… rất thông cảm!

Cho đến hôm nay, khi chúng ta nói về đổi mới toàn diện giáo dục, khi mà Quốc hội bàn về sách giáo khoa, thì người dân vẫn cho con đi học không phải với mục đích làm thợ, ít nhất phải trở thành công chức, viên chức nếu không muốn nói là phải trở thành quan chức. Ngay cả nhà giáo còn thích hàm tướng hơn hàm giáo sư thì đừng nói nhiều đến chuyện đổi mới giáo dục.

Giáo dục đã thành công trong việc xóa nạn mù chữ, nhưng vẫn chưa thực sự được xem là phương tiện duy nhất đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Vậy thì, nhìn vào Giáo dục nên thương hay nên giận?

Tài liệu tham khảo

[1] http://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/bo-truong-bo-noi-vu-nguyen-thai-binh-vuot-cap-pho-do-hop-nhieu-510068.html

[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dai-bieu-de-nghi-loai-bo-viec-sap-xep-can-bo-theo-hau-due-tien-te-3108298.html

XUÂN DƯƠNG