Mới đây, khi nhận xét về phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng ông Thăng trả lời quá ngắn gọn, chưa rõ ràng, đầy đủ.
Tuy nhiên, TS Trần Đình Bá thuộc Hội khoa học kinh tế Việt Nam lại không nghĩ vậy.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả bài viết sau của TS Trần Đình Bá:
Có thể nói từ Đổi mới 1986 đến nay, tất cả các bộ ngành và địa phương đều chuyển mình đổi mới và gặt hái được nhiều thành công. Duy chỉ có Bộ Giao thông vận tải “co rúm” lại trong một “pháo đài bảo thủ “ gần như bất khả xâm phạm.
Ts Trần Đình Bá |
Hậu quả mà toàn xã hội phải gánh là thảm họa giao thông quốc gia mỗi năm làm chết khoảng 13.000 người, gấp hai lần số này là người bị thương, thiệt hại kinh tế mỗi năm 1 tỷ USD. Tư duy “đường sắt đồ cổ “, “tàu biển đồ cổ” , “đường bay đồ cổ” đã đưa 3 “binh đoàn” chủ lực cơ giới thiện chiến nhất là Đường sắt, Hàng không, Hàng hải tụt hậu, chỉ còn đạt 1% thị phần vận tải về hành khách và 4% thị phần về hàng hóa.
Điều đó đã gây quá tải trầm trọng trên đường bộ kèm theo thảm họa giao thông quốc gia tới mức quốc nạn. Đã thế còn gây ra một loạt các vụ chấn động dư luận như PMU18, Vinashin, Vinalines, CPI, JTC… Các dự án đường bộ, đường sắt sân bay…dang dở, ngổn ngang và cả một nội bộ của ngành sao nhãng công việc rủ nhau đi chơi golf.
Lĩnh vực ông Thăng đang đảm nhận như một mặt trận nóng bỏng không kém mặt trận quân sự trong chiến tranh. Có thể ví Bộ trưởng Thăng như một “tướng quân tại ngoại” thấy đúng là làm, dám làm và dám chịu trách nhiệm, nghiêm khắc với cán bộ thuộc cấp quản lý.
Hôm 19/11 vừa qua là lần thứ 2, Bộ trưởng Thăng đăng đàn. Ở lần đăng đàn thứ nhất, tân Bô trưởng Giao thông vận tải đã nhận được tới tấp câu hỏi xoáy, đầy hoài nghi, thách thức từ phía các đại biểu, nhưng cách ông trả lời vẫn chiếm được cảm tình của cử tri.
Đến lần thứ 2 này, tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời chất vấn thẳng vào nhiều vấn đề nóng và trả lời khá chính xác cả về phương diện khoa học công nghệ GTVT, kinh tế GTVT – Xây Dựng đồng thời chiếm được nhiều cảm tình từ đại biểu quốc hội cũng như cử tri cả nước.
Xứng danh "Bộ trưởng hành động"?
Không hổ danh là “Bộ trưởng hành động”, ông Thăng đã trả lời đúng những vấn đề thuộc về chuyên ngành GTVT mà đến cả những vị giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành GTVT trả lời còn khó. Quả thật, ông đã hứa là làm, nhờ vậy thuộc cấp của ông đã hứa trước ông thì phải thực hiện đúng.
Từ thực tế, có thể thấy, ông là người coi trọng thực tiễn, dám đưa ra quyết định “khai tử” tất cả các siêu dự án đường sắt cao tốc 300 km/h HN- Vinh , TP HCM – Nha Trang. Ông là người bác hoàn toàn dự án đường sắt “đồ cổ“ 1 mét 2 chiều riêng biệt do các tiến sỹ “Bộ Đường sắt” đưa ra để tái cơ cấu lại quy hoạch giao thông.
Bộ trưởng Thăng kiểm tra công trường Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Ảnh: Dautu) |
Việc hướng tới cải tạo nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường sắt hiện đại tiêu chuẩn quốc tế, kế hoạch hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao 160 tới dưới 200km/h nối HN- TP HCM như mơ ước của cử tri cả nước cho thấy ở ông có tầm nhìn chiến lược vĩ mô về đường sắt.
Tầm nhìn chiến lược đó cụ thể, rạch ròi chứ không mơ màng như một số vị Bộ trưởng tiền nhiệm.
Về công tác phòng chống tham nhũng, ông Thăng thẳng thắn cho biết, giao thông luôn là lĩnh vực sử dụng vốn lớn (cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA). Để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai đó là việc thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng-cục trưởng – các vụ viện…Có thể nói đây là tư lệnh ngành đầu tiên đi tiên phong về thi tuyển công khai và công bố ngay sau khi có kết quả.
Khi trả lời đại biểu quốc hội về vấn đề giá thành và chất lượng công trình, an toàn thi công, Bộ trưởng đã nói rất chuẩn xác: Đắt hay rẻ từng km đường, giá cước phí vận tải cao hay thấp, phí giao thông đã hợp lý hay chưa…đã có pháp lệnh kế toán, pháp lệnh thống kê, pháp lệnh đo lường, kiểm soát chế tài, thậm chí còn có các cơ quan bảo vệ pháp luật phân minh và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về chức năng chuyên môn của mình.
Về phần mình, ông đã yêu cầu nâng hạn bảo hành công trình lên gấp đôi (từ 2 lên 4 năm). 3 tháng trước khi hết hạn bảo hành, cơ quan quản lý cũng sẽ tổ chức kiểm tra toàn diện, thấy hạng mục nào có khả năng hỏng trong thời gian ngắn sẽ yêu cầu xử lý ngay.
Dù cam kết cố gắng đảo bảm cao nhất chất lượng công trình là vậy, nhưng Bộ trưởng GTVT cũng xin đại biểu thông cảm, chia sẻ vì khó tránh khỏi việc gặp một số sự cố, nhưng khi đó, chắc chắn có ràng buộc về bảo hành, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.
Tôi thấy tầm khái quát của một tư lệnh ngành như thế là đã quá sức tưởng tượng và thành quả mà Bộ trưởng GTVT mang lại đã được ghi nhận bằng lá phiếu tín nhiệm của ĐBQH vừa qua.
Tóm lại, không khó để nhận thấy Bộ trưởng Thăng đang tuyên chiến với “Bộ Đường sắt”, đột phá vào Hàng không, đường biển để giảm tải cho đường bộ theo đúng tầm chiến lược GTVT để cân đối lại thị phần 5 loại hình giao thông vận tải.
Mới chỉ hơn 3 năm đảm đương nhiệm vụ mà vị tướng tư lệnh đã “tả xung hữu đột” làm nên những đột phá đáng nể trên toàn mặt trận giao thông và làm rung chuyển cả một bộ GTVT vốn được coi là “pháo đài bảo thủ”.
Là cử tri, tôi gửi niềm tin đến Bộ trưởng Thăng và ủng hộ những việc làm sáng suốt của bộ trưởng!