Báo Đa Chiều của người Hoa ở hải ngoại vừa có bài phân tích cho biết, thêm một trong những dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và đối tác Nga đang ở vào giai đoạn xích lại gần nhau nhất đó chính là việc cả Moscow và Bắc Kinh sẽ cùng nhau tiến hành các cuộc tập trận hải quân trên Thái Bình Dương và Địa Trung Hải vào năm tới 2015.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoygu và Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường |
Kế hoạch diễn tập trung giữa hai nước đã được thông báo trong chuyến đi tới Bắc Kinh của Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoygu vừa được thực hiện trong tuần này.
Trong các cuộc tiếp xúc với người đồng cấp của Trung Quốc là bộ trưởng quốc phòng Thường Vạn Toàn cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Sergey Shoygu đã nói rằng hai nước Trung Quốc và Nga đều hài lòng về mức độ các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quân sự.
Trong tháng 5/2014 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn thứ ba liên tiếp trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Trong các cuộc tâp trận vào năm tới, tại địa bàn biển Địa Trung Hải sẽ là cuộc tập trận lớn thứ hai giữa hải quân Moscow và Bắc Kinh kể từ thời điểm tháng 1 năm 2014.
Báo Đa Chiều cho biết hoạt động hợp tác giữa Nga và Trung Quốc được tiến hành trong bối cảnh có lợi cho Nga và cả Trung Quốc bởi Nga đang ngày càng bị Mỹ và phương Tây cô lập trong khi đó Trung Quốc là nước đang trỗi dậy với thái độ ngày càng quyết đoán và thù địch với nhiều quốc gia láng giềng.
Trong cuộc diễn tập hải quân giữa Trung Quốc và Nga ở Địa Trung Hải trong tháng 1 vừa qua, trang web thông tin Đài Tiếng nói nước Nga phiên bản tiếng Trung Quốc – một trong những cơ quan ngôn luận do chính quyền Nga kiểm soát cho biết rằng đây là cuộc tập trận được tiến hành để đánh tín hiệu với phương Tây rằng Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn, trong bối cảnh Nga bị trừng phạt còn Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình tuyên bố TQ có lợi ích rõ ràng ở Địa Trung Hải.
Tháng 2/2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình sau cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra ở Ucraine. Chính điều này đã khiến phương Tây và Mỹ liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt chống Moscow.
Tình cảnh với Nga bắt đầu tệ hại hơn nữa khi xảy ra vụ việc một chiếc máy bay chở khách của Malaysia bị bắn rơi ngay gần khu vực tiếp giáp biên giới giữa Nga và Ucraine. Các quốc gia phương Tây đã đổ lỗi vụ việc này cho Nga bởi họ cho rằng thủ phạm bắn rơi máy bay là phiến quân do Nga hỗ trợ và cung cấp vũ khí.
Chính sự kiện này đã khiến cho chính quyền Nga cho đến bây giờ vẫn chưa thoát khỏi thực tế bị phương Tây chỉ trích.
Bằng chứng là tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 vừa được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 tổ (Brisbane, Australia), Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tiếp bị chỉ trích, cảnh báo từ các nguyên thủ quốc gia, đáng chú ý nhất là của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thử tướng Canada Stephen Harper…
Nhiều phân tích cho biết áp lực và các lời lẽ chỉ trích được xem là một trong những lý do thúc đẩy ông Putin trở thành lãnh đạo đầu tiên tham gia hội nghị G-20 khởi hành lên đường về nước sớm hơn lệ thường.
Về phần mình, Trung Quốc vẫn duy trì một lập trường không hề thoải mái về cuộc khủng hoảng Ucraine, trong khi vẫn tuyên bố rằng “Bắc Kinh tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của Ucraine” nhưng “vấn đề lịch sử và các nhân tố hiện nay” cần phải được cân nhắc. Và cuối cùng, như lệ thường Trung Quốc luôn đưa ra tuyên bố thường thấy là “không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác”.
Trong bối cảnh như vậy, Moscow liên tiếp có những động thái được các nhà phân tích ví như “sởi ấm” mối quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt là kể từ thời điểm nước Nga liên tiếp phải hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây.
Các động thái của Nga thực sự đã mang lại nhiều lợi ích cho TQ hơn là những gì Bắc Kinh tính toán. Ngành công nghiệp ngân hàng của Trung Quốc thu được nhiều lợi lộc từ các thỏa thuận tài chính liên chính quyền Nga – Trung có giá trị hàng chục tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Bắc Kinh. |
Ngược lại ngành công nghiệp năng lượng của Nga cũng đã có sự bùng phát mới khi ký kết với đối tác Trung Quốc hai dự án cung cấp năng lượng dài hạn trị giá hàng trăm tỷ USD với khối lượng khí đốt bán cho đối tác khoảng 68 tỷ mét khối mỗi năm.
Quyết định tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga vào năm tới tại Thái Bình Dương và Địa Trung Hải giữa lúc phát sinh nhiều căng thẳng trên thế giới, đặc biệt là việc Mỹ xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương là động thái chứng minh mối quan hệ song phương giữa Moscow và Bắc Kinh đang ở cao trào.
Tờ Đa Chiều cho hay, Bộ trưởng quốc phòng Nga đã nói rằng: “Trong các cuộc đàm phán với ông Thường Vạn Toàn, cả Nga và Trung Quốc cùng bày tỏ mối quan ngại về những nỗ lực đang được Mỹ thực hiện nhằm củng cố thế đứng và ảnh hưởng chính trị - quân sự của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Theo thông tin của tờ báo này, phái đoàn của Nga cũng đã đề cập đến hiện tượng chống đối chính trị ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đồng thời so sánh hiện tượng này với các cuộc cách mạng màu sắc đã từng diễn ra ở các nước Sô Viết cũ trong đó có Ucraine. Cả Nga và Trung Quốc đều đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh là chủ mưu thúc giục các cuộc “cách mạng này”.