Chuyện của người nuôi dưỡng hy vọng cho hàng trăm trẻ mồ côi

22/11/2014 08:20
HIỆP HOÀ
(GDVN) - Đó là ông Nguyễn Trung Chắt người mà nhân dân thôn Phú Cường vẫn thường quen gọi với cái tên thân mật “Người nuôi dưỡng hy vọng cho hàng trăm trẻ mồ côi”.

“Hạnh phúc nhất với  tôi là được nhìn thấy bọn trẻ được sống hạnh phúc và nuôi dưỡng hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp cho các em…”. Đây chính là tâm sự của người đàn ông suốt 10 năm qua không ngại khó khăn vất vả, miệt mài xây dựng mái ấm, nuôi dưỡng hy vọng cho hàng trăm đứa trẻ mồ côi ở Hưng Yên và Lạng Sơn. Các em đang cư ngụ ở hai trung tâm bảo trợ xã hội do chính ông Chắt lập ra tại Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu (Kim Động – Hưng Yên) và Trung tâm Lộc Bình (Lạng Sơn). 

Từ tấm lòng của người lính…

Khá khó khăn chúng tôi mới tìm được Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu thuộc xã Hiệp Cường (Kim Động – Hưng Yên) bởi Trung tâm nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, thoạt nhìn ban đầu không ai nghĩ rằng nơi đây chính là ngôi nhà đã nuôi dưỡng tâm hồn của hàng trăm đứa trẻ mồ côi và có hoàn cảnh cơ nhỡ. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông đã bước qua tuổi lục tuần, mái tóc đã điểm bạc và có một cách nói chuyện rất giản dị, cởi mở khi kể về công việc và cuộc đời mình.

Ông Nguyễn Trung Chắt Người nuôi dưỡng hy vọng cho hàng trăm trẻ mồ côi
Ông Nguyễn Trung Chắt Người nuôi dưỡng hy vọng cho hàng trăm trẻ mồ côi

Sau khi nghỉ công tác trong quân đội, năm 1992, ông đã được mời phối hợp với các dự án dành cho trẻ mồ côi của UNESCO ở Việt Nam. Tại đây ông được đi nhiều nơi, thăm nhiều trại trẻ mồ côi và cảm thông hơn với hoàn cảnh éo le, khổ cực với những mảnh đời bất hạnh của các em. 

Từ đó trong ông luôn thôi thúc một điều “phải làm một cái gì đó với chính quê hương mình, giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi để xoá đi mặc cảm, ký ức ám ảnh tuổi thơ, xây dựng một cuộc đời mới tốt đẹp hơn. 

Ông Nguyễn Trung Chắt sinh năm 1952, trong một gia đình làm nông nghiệp. Từ nhỏ, ông đã phải sống trong hoàn cảnh cực khổ, đến năm 1972 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ và đóng quân tại một đồn biên phòng ở biên giới Việt Trung. Phải sống cuộc sống xa nhà, lại được tôi luyện trong khó khăn gian khổ. Ông đã thấu hiểu và luôn quý trọng hạnh phúc cuộc sống gia đình với tình yêu thương con người.

Xuất phát từ ý nghĩ đó, năm 2002 ông Chắt đã hình thành ý tưởng xây dựng một trung tâm cho trẻ mồ côi ngay trên chính quê hương mình với tâm niệm: “để các em có hoàn cảnh cơ nhỡ, mồ côi được sống một gia đình bình thường, quan tâm lắng nghe tình cảm, sẻ chia của các em và để các em đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng một cuộc sống bình yên và tốt đẹp, một mái ấm của những tình thương và sự chở che”. Ý định như vậy, nhưng khi bước vào thực hiện thì khó khăn chất đầy.

Đến xây dựng mái ấm cho trẻ mồ côi

Quá trình mới xây dựng trung tâm, lúc nguyên bản đây là khu đất của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Kim Động, một ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ. Dự định ban đầu ông Chắt định sửa chữa ngôi nhà đó làm nơi ăn ở của bọn trẻ, nhưng trong quá trình sửa nhà do cũ quá nên đã bị sập, do đó muốn ở được lại phải xây nhà mới. Nhưng biết lấy vốn ở đâu ra (?) câu hỏi đó cứ trăn trở mãi trong đầu của ông Chắt. 

Ông Chắt và các em ở trung tâm Hy vọng Tiên Cầu
Ông Chắt và các em ở trung tâm Hy vọng Tiên Cầu

Vì vậy trong suốt hai năm trời, ông đã đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để vận động các nhà hảo tâm quyên góp tài trợ dự án thành lập Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu (Kim Động – Hưng Yên). Nhưng do là trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập nên không được mấy người ủng hộ, cuối cùng ông đã quyết định vay mượn và dồn hết vốn liếng của mình được 300 triệu để xây dựng Trung tâm.

Những ngày đầu khi mới xây dựng trung tâm, có không ít dư luận bàn tán, có người thì khen hành động của ông Chắt vì nghĩ ông là người có tấm lòng, cũng có người lại cho rằng ông bị gàn dở hoặc đang làm với mục đích gì đó (lấy giấy khen hoặc xây dựng tiếng tăm cho bản thân).

Nhưng với sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là từ vợ mình, ông vẫn quyết định làm. Qua bao khó khăn, mãi tới năm 2004 mới thành lập được trung tâm, đến lúc đặt tên cũng khiến ông phải suy nghĩ nhiều điều. Để tránh sự tủi thân của các em, sau khi bàn bạc ông quyết định đặt tên cho trung tâm là “Hy vọng”, bởi theo ông: “hai chữ hy vọng ấy chính là sự mong muốn, kỳ vọng của ông vào tương lai của các em ở trung tâm sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, hy vọng cũng chính là niềm tin vào cuộc đời mới xoá dần đi mặc cảm của các em với những bạn bè cùng trang lứa”.

Ban đầu trung tâm chỉ nhận nuôi dưỡng những em ở độ tuổi đang đi học, ngày đầu là 24 em, em bé nhất là 5 tuổi. Sau đó trung tâm lại quyết định nhận thêm những bé sơ sinh bởi các bé có hoàn cảnh quá đặc biệt. Hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng 56 em với tất cả độ tuổi, trong đó có 8 em đã trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. 

Nhưng đặc biệt là hai em nhỏ tuổi nhất tại Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu, với số phận và hoàn cảnh hết sức thương tâm. Đó là bé Phương Anh, khi vào trung tâm lúc đó em mới được 17 ngày tuổi, được sinh ra bởi một người mẹ mắc bệnh tâm thần. Mới chào đời em đã không biết mặt bố, ông bà ngoại em thì vất vả, nghèo đói không thể nuôi em được. 

Khi Phòng lao động thương binh xã hội của Huyện Kim Động đến gặp và trao đổi, ông đã xuống tận nơi đón Phương Anh về nuôi. ông chắt kể lại: “Nhìn cháu lúc đó gầy gò, chỉ chừng khoảng 1,8 kg mà tôi không cầm được nước mắt, nếu không có ai chăm sóc thì khó mà sống được”. 

Ông ngoại của em cho biết vì tâm thần không bình thường nên nhiều lần mẹ bé đã cho vào miệng Phương Anh những miếng hoa quả rất to, khiến bé không thể thở được. Trước hoàn cảnh đó, ông Chắt đã quyết định đón bé về nuôi. Cho đến nay dưới bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của Ông cùng các mẹ ở trung tâm, bé đã trở thành một bé gái thông minh, nhanh nhẹn và rất đáng yêu.

Còn trường hợp của bé Huyền Tâm khiến mọi người không thể cầm lòng được khi biết về hoàn cảnh đặc biệt của em. Ngày 26 tết Quý Tỵ vừa rồi, khi ông về trung tâm cho các cháu ăn tất niên thì 11h đêm ông Chắt nhận được điện thoại báo về từ bệnh viên Nhi Hà Nội, thông báo có một sản phụ sắp sinh nhưng không có khả năng nuôi con. Hiện đang là sinh viên do nhẹ dạ cả tin nên phải mang thai và sinh con một mình, lại mắc đẻ khó phải mổ. 

Đêm hôm ấy trời mưa rét cắt da, cắt thịt nhưng ông đã cùng với mẹ Với ở trung tâm lên tận Bệnh viện Nhi thức trắng đêm để chăm sóc cho hai mẹ con sản phụ. Hôm sau, ông lấy xe ô tô chở cả hai mẹ con về trung tâm ăn tết và khuyên cô nên ở lại trung tâm để các mẹ trong trung tâm chăm sóc. Sau khi khoẻ lại, cô gái đã được gia đình đón về để làm lại cuộc đời. Còn bé gái được trung tâm nhận nuôi, ông Chắt đã đặt cho bé một cái tên đầy ý nghĩa: Huyền Tâm.

Nỗi niềm của một người cha…

Trung tâm thành lập được một thời gian, ngày càng nhận được nhiều sự tham gia, ủng hộ của mọi người. Với phương châm hoạt động đặt tinh thần trách nhiệm và lương tâm của con người lên trên hết, “tất cả vì những trái tim trẻ thơ”. Mọi phương thức và cách quản lý của trung tâm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân khi ông được ra nước ngoài tham quan các mô hình quản lý nhà từ thiện nuôi dưỡng. Ông Chắt đã có cách tổ chức một cách hợp lý: các em nhỏ khi phát triển đến độ tuổi 12 – 13 sẽ không tránh khỏi những tâm lý ganh tị, ỷ lại…nên cần rèn cho các em ý thức tự giác cao. Chính vì vậy ông đã quyết định xây dựng thêm 2 nhà Hy vọng nữa, Nhà Hy vọng I ở thôn Dưỡng Phú, xã Phú Thịnh (Kim Động – Hưng yên). 

Đây vốn là ngôi nhà của mẹ Với – người mẹ nuôi ở trung tâm được ông Chắt đầu tư tu sửa lại. Nhà Hy vọng II ở thôn Phú Cường, xã Phú Thịnh (Kim Động – Hưng Yên) được xây dựng trên chính mảnh đất của tổ tiên Ông để lại. Các em trong Trung tâm được phân ra làm 3 nơi để tiện cho việc chăm sóc, đồng thời cũng giúp cho việc đến trường được thuận tiện hơn.

Các em ở trung tâm chính được ông Chắt giao cho Mẹ Vũ  Thị Hương chăm sóc. Còn hai Nhà còn lại ông giao cho Mẹ Bình và mẹ Với chăm sóc. Các mẹ cũng đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt và giàu tình thương đối với bọn trẻ nơi đây. Các chị đã cùng gắn bó với trung tâm trong suốt 10 năm qua với biết bao kỷ niệm vui buồn, đặc biệt Mẹ Hương năm nay đã hơn 50 tuổi, chưa lập gia đình nhưng vẫn quyết tâm gắn bó với trung tâm. 

Các mẹ ở đây đều xuất phát từ lòng tự nguyện, mong muốn được đem lại cuộc sống mới, một “hy vọng để thắp sáng tâm hồn của bọn trẻ nơi đây”, chị Hương tâm sự. Với cách tổ chức Trung tâm ra làm 3 nơi để tiện chăm sóc, sau  hơn một năm thì Ông thấy quyết định đó là hoàn toàn đúng đắn.

Cũng trong năm 2004 biết được việc làm của ông, một người bạn Việt Kiều của ông Chắt đang sinh sống ở Thái Lan ngỏ ý muốn giúp đỡ cho các em người dân tộc thiểu số. Do từng đi bộ đội biên phòng, đóng quân ở Lạng Sơn nên ông thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của trẻ em nghèo nơi đây. Vì vậy ông Chắt đã tư vấn để phối hợp cùng bạn mình mở một Trung tâm Hy vọng ở Lạng Sơn, lấy tên là Trung tâm Hy vọng Lộc bình. Khi đó Trung tâm Hy vọng Lộc Bình ở Lạng Sơn đã nhận nuôi được 48 em, cuộc sống của trẻ em nghèo và các em có hoàn cảnh cơ nhỡ nơi đây đang đi vào ổn định dần thì 3 năm sau không may người bạn của ông qua đời vì tai nạn. Một mình ông lại phải cáng đáng cho cả hai trung tâm, do thiếu kinh phí nên Trung tâm Hy vọng Lộc Bình có nguy cơ giải tán.

Không chịu bó tay trước khó khăn, lại một lần nữa ông Chắt đi vay tiền để duy trì trung tâm ở Lạng Sơn hoạt động, ông chia sẻ: “đây là tâm huyết của bạn tôi và cũng là mái nhà cho bọn trẻ mồ côi, cơ nhỡ, làm sao có thể để chúng trở lại cuộc sống khó khăn được”. Nói là làm, ông đi khắp nơi để vận động các nhà hảo tâm quyên góp cho các cháu và dành dụm hết số lương ít ỏi của mình cùng số tiền thu được từ một căn nhà cho thuê trên Hà Nội lo cho bon trẻ… 

Thấy ông Chắt hết lòng vì bon trẻ ở Trung tâm, bà con, làng xóm và những người bạn của ông cùng các tổ chức từ thiện đã quyên góp tiền và những vật dụng thiết yếu để chung tay cùng trung tâm. Nhưng do kinh phí để duy trì hoạt động của hai trung tâm quá lớn nên lúc nào cũng gặp phải khó khăn. 

Ban đầu theo Nghị định 67 của chính phủ, các cháu được hỗ trợ 180 nghìn đồng/tháng. Lúc đầu khi các cháu sống ở trung tâm nguồn hỗ trợ này bị cắt vì cho rằng trung tâm đã nhận nuôi các cháu thì sẽ không có khoản kinh phí này, ông phải đi giải trình suốt 6 năm, đến năm 2009 mới được cấp lại. Ông bảo mình mong muốn các cháu phải được hưởng chế độ đầy đủ, bình đẳng dù sống ở bất kỳ nơi đâu.

Mẹ Bùi Thị Bình chia sẻ: "Trong 13 khoản đóng góp, các cháu được miễn 3 khoản. Trung tâm phải đi vận động sự đóng góp của mọi người, lo gạo trước để đảm bảo mỗi cháu được 15kg một tháng. Tôi cũng chăn gà, vịt, trồng rau, nuôi cá để bớt chi phí". Rất nhiều trường hợp các em ở trung tâm có hoàn cảnh éo le. Như em Đào Thị Luyến ở xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động) bị bệnh tim bẩm sinh và đã bỏ học từ lâu. 

Biết tin em bị bệnh, ông đã đón vào trung tâm và chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Đến năm 2011, em được đưa đi mổ tim tại bệnh viện Việt Đức, phải trải qua hai ca phẫu thuật. Kinh phí phẫu thuật do sự gom góp của gia đình ông Chắt cộng với sự giúp đỡ của anh em bạn bè và một số tổ chức. Đến bây giờ, Luyến đã khoẻ mạnh và phát triển bình thường. Khi được hỏi em tâm sự: “Bác Chắt như người cha luôn quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo tận tình cho chúng em. Được sống tại trung tâm là niềm hạnh phúc đối với em và các anh chị nơi đây”

Và những hy vọng của tương lai…

Khi được hỏi về những dự định cho tương lai của trung tâm, ông Chắt chia sẻ: “tâm nguyện của tôi sắp tới là muốn các cháu ở trung tâm không chỉ được nuôi dưỡng mà còn có công ăn việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân mình và các em trong trung tâm”, bởi đây là trung tâm do ông mở ra, ông Chắt và các mẹ nơi đây không thể giúp đỡ các em mãi được, cần phải có người nào đó, hoặc các tổ chức từ thiện đứng ra chung tay giúp đỡ trung tâm, mang hạnh phúc tới cho những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ nơi đây.

Ông còn đi liên hệ để xin thêm một số máy may và mở một xưởng may nhỏ ở trung tâm để các em tiện học nghề và nhận hàng về làm tại trung tâm
Ông còn đi liên hệ để xin thêm một số máy may và mở một xưởng may nhỏ ở trung tâm để các em tiện học nghề và nhận hàng về làm tại trung tâm

Đối với những em không có khả năng học tiếp văn hoá chỉ học hết lớp 9, hoặc hết lớp 12 không thi được lên cao đẳng, đại học ông dự định sẽ cho đi học nghề. Hiện nay có nhiều em đang được ông Chắt cho theo học các nghề may, điện ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Kim Động. Có nhiều em có thành tích học tập tốt được Nhà trường miễn học phí và cấp học bổng như em Lê Thị Thu.

Ngoài ra ông còn đi liên hệ để xin thêm một số máy may và mở một xưởng may nhỏ ở trung tâm để các em tiện học nghề và sau này nhận hàng về làm tại trung tâm. Những em có khả năng học tốt, ông sẽ tạo điều kiện để các em có thể học lên cao hơn. Quan trọng hơn ông đã tạo điều kiện để mẹ Hương đi học một lớp tại chức về quản lý xã hội để sau này có thể thay ông Chắt những lúc ông đi vắng hoặc sau này khi sức khoẻ của ông yếu đi sẽ để cho các mẹ quản lý thay mình. 

Ông cũng hướng cho các em ở trung tâm theo học các ngành y sĩ điều dưỡng để về chăm sóc cho chính trung tâm của mình. Với một mong ước thật giản đơn: “Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu sau này sẽ là mái nhà của người già và trẻ nhỏ, cùng với đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, hết lòng với nghề, giàu tình thương. Các em ở trung tâm sẽ gặp được nhiều hơn nữa những nhà hảo tâm, giúp đỡ để các em có thể học lên cao hơn nữa, sống có ích cho xã hội, nuôi sống được chính bản thân mình”, ông Chắt tâm sự.

Chia tay trung tâm, chúng tôi ra về khi những đứa trẻ nơi đây đang cùng các mẹ ở trung tâm chuẩn bị sách đến trường. Nhìn những trang sách cũ kỹ, lấm đầy mực và xen lẫn đó là những ánh mắt rạng ngời của các em, trong tôi không dấu được sự xúc động và đồng cảm với những hy sinh thầm lặng của ông Chắt và các mẹ nơi đây. Trung tâm sẽ mãi là mái nhà của những trái tim mồ côi, nơi chắp cánh cho những giấc mơ trẻ thơ, để sau này sống có ích cho xã hội. Đúng như tên gọi mà ông Chắt đã đặt tên cho mái nhà của mình, Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu.

HIỆP HOÀ