Vì sao quan hệ Nga - Nhật Bản có thể sẽ ấm lên?

25/11/2014 15:39
Bình Nguyên
(GDVN) - Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, sự tham gia của Nhật Bản vào khu vực RFE còn có ý nghĩa địa chính trị rất đáng cân nhắc.

Báo Học giả ngoại giao có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản ngày 24/11/2014 đã đăng tải bài viết nêu nhận định của tác giả Ricky Hough - nhà báo và chuyên gia tư vấn tự do ở Tokyo bàn về triển vọng mối quan hệ hợp tác Nga - Nhật trong thời gian tới trong đó có điểm lại một số sự kiện gần đây khi hai nhà lãnh đạo của Tokyo và Moscow tiến hành gặp gỡ.

Lãnh đạo hai nước Nga - Nhật Bản
Lãnh đạo hai nước Nga - Nhật Bản

Theo nhận định của Ricky Hough, Nga và Nhật Bản đều là những nước có lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế rất đáng kể một khi phát triển tốt mối quan hệ ngoại giao và hợp tác song phương.

Trong khi sự ràng buộc tạo nên khoảng cách giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin là sự thật khó tránh, nhưng, trên thực tế hai nhà lãnh đạo này đã cố gắng tìm kiếm cơ hội để tiếp xúc với nhau trong một số sự kiện gầy đây.

Chính những cuộc tiếp xúc hiếm hoi và ngắn ngủi này gợi mở ra cho dư luận suy đoán rằng rất có thể quan hệ giữa Nga và Nhật Bản sẽ ấm lên và có ý nghĩa hơn trong tương lai.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều là những nhà lãnh đạo lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2012. Tính từ mốc thời gian năm 2012 đến nay, ông Shinzo Abe và Vladimir Putin đã gặp nhau tổng cộng khoảng 10 lần trong nhiều dịp khác nhau.

Quan hệ Nga – Nhật bắt đầu trở lên lạnh nhạt hẳn kể từ khi Moscow tiến hành sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga sau cuộc khủng hoảng chính trị vẫn còn đang tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay ở miền Đông Ucraine.

Hậu quả của việc Nga sát nhập Crimea là Nhật Bản dưới sức ép của Mỹ và các đồng mình trong khối nhóm các nước công nghiệp G7 đã buộc phải tuyên bố tiến hành các lệnh trừng phạt để gây sức ép với Moscow. Trong đó, sự ảnh hưởng của Washington đối với quyết định trừng phạt Nga của chính quyền do ông Shinzo Abe đứng đầu là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, ngày 9/11/2014 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng nhau xuất hiện trong một cuộc trao đổi ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vừa diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Một báo cáo được tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đăng tải mới đây cho rằng trong khi tiến hành hội đàm với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật đã trao đổi và xác nhận rằng ông Putin có thể sẽ có chuyến thăm đến Nhật Bản vào năm tới.

Theo nhận định của tác giả Ricky Hough, hiện đang có nhiều hy vọng được các quan chức chính quyền của cả Nga và Nhật thể hiện cho thấy Nga – Nhật sẽ tiến hành một cuộc gặp mặt thượng đỉnh giữa ông Putin và Thủ tướng Abe để bàn việc việc xử lý tranh chấp quần đảo Kuril (Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc) cũng như xúc tiến những bước đi cuối cùng cho một hiệp ước hòa bình chính thức vốn được hai bên cùng quan tâm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Theo các chuyên gia chiến lược, nếu như Nga và Nhật Bản đạt được đồng thuận về vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril hay Lãnh thổ phía Bắc thì điều này sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn về mặt chiến lược cho cả hai nước, trong đó đặc biệt đáng chú ý là ý nghĩa đối với Nhật Bản.

Hiện nay, nền kinh tế, công nghiệp của Nhật Bản thực sự cần đổi mới và đa dạng hóa các nguồn cung ứng năng lượng. 3 năm sau khi xảy ra thảm họa rò rỉ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khoảng 48 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản buộc phải dừng hoạt động.

Trước khi xảy ra thảm họa Fukushima vào năm 2011, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 30 % nhu cầu sử dụng của cả Nhật Bản. Trong thời gian 3 năm sau khi Nhật Bản tiến hành đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân nhu cầu nhập khẩu năng lượng của nước này đã tăng đến 97 %, trong số này có đến 90% năng lượng được Nhật nhập khẩu từ địa bàn Trung Đông đầy bất ổn.

Mặc dù chính quyền của ông Shinzo Abe nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tái khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng nhưng cho đến giờ đề xuất của ông vẫn chưa có kết quả, hiện nó vẫn đang là chủ đề được bàn cãi trong khi đó nền công nghiệp và kinh tế của nước Nhật đang rất cần năng lượng.

Trong khi đó, khu vực Viễn Đông (RFE) của Nga lại là nơi được đánh giá là rất dồi dào về dầu mỏ, khí đốt, kim cương, gỗ và các nguyên liệu thô khác có thể thỏa mãn các nhu cầu to lớn của Nhật Bản.

Hơn nữa, so với Trung Đông thì vùng RFE gần hơn đối với Nhật Bản về khoảng cách địa ý và an toàn hơn đối với các biến động chính trị. RFE rất thuận tiện cho việc vận tải nhiên liệu, giảm thiểu các rủi ro không đáng có so với các tuyến đường biển dài, rộng với chi phí vô cùng tốn kém.

Trước đó, vào năm 2012, Nhật Bản và Nga đã tuyên bố các kế hoạch cùng nhau xây dựng một nhà máy sản xuất khí đối tự nhiên trị giá 13 tỷ USD và một nhà máy lắp ráp xe Mazda tại khu vực cảng Vladivostok của Nga.

Ngược lại Nga cũng đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với chiến dịch hấp dẫn và lôi kéo các nhà đầu tư của Nhật Bản để phát triển mạnh hơn nữa ngành nông nghiệp vốn có tiềm năng khai thác rất lớn ở RFE.

Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, sự tham gia của Nhật Bản vào khu vực RFE còn có ý nghĩa địa chính trị rất đáng cân nhắc.

Nếu Nga – Nhật thống nhất được hiệp ước hòa bình thì điều này cơ bản đã làm Tokyo an tâm hơn về những quan ngại có thể xuất hiện từ phía Bắc, cho phép quân đội Nhật Bản di chuyển phần lớn tài sản quân sự xuống khu vực phía Nam để sẵn sàng đối phó với các tranh chấp với Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc cũng đang chứng tỏ rằng mình là người chơi lớn nhất ở khu vực RFE của Nga. TQ hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và là thị trường tiêu thụ năng lượng và các nguyên liệu tự nhiên lớn nhất ở RFE.

Tuy nhiên, Nga nhiều lần tỏ thái độ lo ngại trước các hiện tượng vượt biên sang Nga với số lượng người không nhỏ từ Trung Quốc trong nhiều năm gần đây. Nga cho biết người TQ vượt biên sang Nga chủ yếu để tìm việc làm, nước sạch và kiếm đất canh tác. Hiện số lượng người TQ đang có mặt ở RFE đã tăng đáng kế.

Tác giả Ricky Hough nhận định rằng Nga không chỉ quan tâm đến tiền đầu tư và công nghệ vượt trội của Nhật Bản mà nước này còn coi sự hiện diện của Nhật là một trong những đối sách ngăn chặn sự ảnh hướng đang có xu hướng gia tăng của cộng đồng người TQ ở Viễn Đông.

Mong muốn của Nga thực sự cũng là lợi ích kinh tế, chính trị đối với cả Nga và Nhật Bản, chắc chắn hai nước Nga – Nhật cũng sẽ tiến cận nhau nhiều và hợp tác mạnh hơn trong tương lai.

Bình Nguyên